Tỷ giá USD hôm nay 25/3: Tỷ giá trung tâm tăng 7 đồng
Ảnh minh họa
Tỷ giá trung tâm tăng 7 đồng
Tỷ giá USD trung tâm hôm nay (25/3) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.964 VND/USD, tăng 7 đồng so với ngày thứ Bảy tuần trước (23/3) và tăng 53 đồng so với cùng kì tháng trước.
Với biên độ 3% đang được áp dụng, hiện tỷ giá USD các NHTM được phép giao dịch từ 22.275 - 23.653 VND/USD.
Tỷ giá USD mua - bán tại Sở giao dịch NHNN hiện được niêm yết ở 23.200 - 23.603 VND/USD, giá mua không đổi và giá bán tăng 7 đồng so với ngày hôm qua.
Tỷ giá ngân hàng biến động trái chiều
Tỷ giá USD được các ngân hàng niêm yết tăng, giảm trái chiều trong sáng nay. Theo đó, VietinBank và Vietcombank tăng lần lượt 1 và 5 đồng trên cả hai chiều. Trong khi đó, BIDV lại giảm 5 đồng ở cả hai chiều; Agribank giữ nguyên giá mua và giảm giá bán 5 đồng; Techcombank và Eximbank giữ nguyên tỷ giá niêm yết với mức đóng cửa ngày hôm qua.
Tính đến 10h, giá mua USD tại các ngân hàng dao động từ 23.130 – 23.155 VND/USD, trong khi bán ra từ 23.240 – 23.255 VND/USD.
Tỷ giá USD chợ đen lặng sóng
Trên thị trường chợ đen, theo khảo sát lúc 10h, giá USD được mua - bán ở mức 23.190 - 23.210 VND/USD; giá mua và giá bán cùng giữ nguyên so với mức khảo sát cuối ngày hôm qua.
Tỷ giá USD niêm yết tại một số ngân hàng lúc 10h ngày 25/3 (Nguồn: QT tổng hợp)
USD tăng giá so với các euro, bảng Anh và yen Nhật
Tỷ giá USD hôm nay (25/3) tăng giá nhẹ so với euro, bảng Anh, yen Nhật phiên giao dịch sớm của châu Á.
Chỉ số US Dollar, thước đo đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác ghi nhận lúc 7h đạt 96,64 điểm, giảm 0,01% so với mức đóng vửa cuối tuần trước.
Tỷ giá euro so với USD giảm 0,08% xuống mức 1,1293 USD. Trong khi tỷ giá đồng bảng anh giảm 0,07% xuống 1,32 USD/GBP.
Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,14% lên mức 110,04 yen.
Giá trị của đồng bạc xanh đang được hỗ trợ từ sự suy yếu của đồng euro sau khi chỉ số nhà quản trị mua hàng tổng hợp (PMI) trong ngành dịch vụ và sản xuất của Đức giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2013, dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể giảm tốc.
Mặt khác, trong ngày thứ Sáu (22/3), chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm bị đảo ngược lần đầu tiên kể từ năm 2007 sau khi dữ liệu PMI Mỹ không đạt kì vọng. Hiện tượng đảo ngược đường cong lợi suất thường được xem là chỉ báo sớm về suy thoái.
Trước đó, đồng USD cũng đã chịu áp lực sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra kế hoạch không nâng lãi suất trong năm nay.
Ngoài ra đồng USD đã giảm 0,66% so với yen Nhật từ mức cao nhất trong gần 6 tuần.
"Đà hồi phục của đồng yen không phải là do sức mạnh của nền kinh tế Nhật Bản mà là do nhu cầu trú ẩn an toàn nhiều hơn", Alfonso Esparza, Chuyên viên phân tích tiền tệ cấp cao tại Toronto, nhận định.
Nhật Bản là chủ nợ lớn nhất thế giới và đồng tiền của họ đang hưởng lợi khi nhà đầu tư Nhật rút tiền về nước trong những lúc căng thẳng tài chính và địa chính trị.
Trong khi đó, đồng bảng Anh – vốn bị ảnh hưởng bởi nỗi lo Anh có thể rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận – đã bắt đầu hồi phục, khi các nhà lãnh đạo EU cho Thủ tướng Anh Theresa May thêm 2 tuần để quyết định Anh sẽ rời EU như thế nào.