Tỷ giá USD hôm nay 22/3: Techcombank giảm mạnh giá mua, bán USD
Ảnh minh họa.
Tỷ giá trung tâm tăng 4 đồng
Tỷ giá USD trung tâm hôm nay (22/3) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 22.957 VND/USD, tăng 4 đồng so với ngày hôm qua đồng thời tăng 51 đồng so với cùng kì tháng trước.
Với biên độ 3% đang được áp dụng, hiện tỷ giá USD các NHTM được phép giao dịch từ 22.268 - 23.646 VND/USD.
Tỷ giá USD mua - bán tại Sở giao dịch NHNN hiện được niêm yết ở 23.200 - 23.596 VND/USD, giá mua không đổi và giá bán tăng 4 đồng so với ngày hôm qua.
Techcombank giảm mạnh tỷ giá niêm yết
Trên thị trường ngân hàng, tỷ giá USD tại một số nhà băng tiếp tục giảm trong sáng nay. Theo đó, Techcombank giảm mạnh giá mua 20 đồng và giảm giá bán 15 đồng; Agribank giữ nguyên giá bán và giảm giá mua 5 đồng. Trong khi VietinBank giảm 1 đồng trên cả hai chiều mua bán so với mức đóng cửa ngày hôm qua.
Tính đến 10h, giá mua USD tại các ngân hàng dao động từ 23.120 – 23.155 VND/USD, trong khi bán ra từ 23.240 – 23.255 VND/USD.
Giá USD chợ đen ổn định
Trên thị trường chợ đen, theo khảo sát lúc 10h, giá USD được mua - bán ở mức 23.190 - 23.210 VND/USD; giá mua và giá bán giữ nguyên so với mức khảo sát cuối ngày hôm qua.
Tỷ giá USD niêm yết tại một số ngân hàng lúc 10h ngày 22/3 (Nguồn: QT tổng hợp)
Chỉ số US Dollar Index hồi phục trở lại sau đà giảm mạnh
Tỷ giá USD hôm nay (22/3) vào lúc 6h04 ngày thứ Sáu (22/3 – giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar, thước đo đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác, tăng 0,44% lên mức 96,35. Đêm qua, chỉ số này tăng 0,53% lên 96,271.
Tỷ giá euro so với đồng bạc xanh tăng 0,03% tăng mức 1,1377 USD. Trong khi đó, tỷ giá đồng bảng Anh tăng 0,15% lên mức 1,3127 USD.
Tỷ giá USD so với yen Nhật giảm 0,06% xuống mức 110,75 yen.
Trong ngày thứ Tư (20/3), Fed đưa ra lập trường đậm chất "bồ câu", báo hiệu họ sẽ không nâng lãi suất trong năm nay khi đối mặt với một nền kinh tế đang giảm tốc, đồng thời công bố kế hoạch chấm dứt chương trình cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán vào tháng 9/2019.
"Việc đồng USD suy giảm sau cuộc họp Fed là hợp lý, nhưng hiện tượng hiện tại cũng khá tương tự với đồng euro sau cuộc họp ECB ngày 7/3/2019, phản ứng có lẽ đã hơi quá trớn", Juan Perez, Trader tiền tệ cấp cao tại Tempus Inc ở Washington, cho hay.
Đồng euro giảm trước đó trong tháng này, sau khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) trì hoãn thời điểm nâng lãi suất lần đầu sau khủng hoảng sang năm 2020 (sớm nhất) và cũng khởi động vòng cung cấp các khoản vay giá rẻ tới các ngân hàng. Đồng tiền chung châu Âu đã tăng gần 2% so với đồng USD kể từ đó.
Bất chấp đà hồi phục trong ngày thứ Năm (21/3), ông Perez cho biết ông kỳ vọng đồng USD sẽ chịu áp lực trong phần còn lại của năm 2019.
Ngân hàng Trung ương Na Uy đã nâng lãi suất chính trong ngày thứ Năm (21/3) (đúng như kỳ vọng) và cho biết đợt nâng lãi suất kế tiếp có thể đến sớm hơn so với dự kiến trước đó, qua đó thúc đẩy đồng crown tăng giá so với euro và USD.
Đồng franc Thụy Sĩ tăng nhẹ so với đồng bạc xanh sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ Thomas Jordan cho biết sự gia tăng của rủi ro kinh tế toàn cầu có thể buộc NHTW phải tuân theo chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng trong tương lai gần.
Đồng bảng Anh nới dài chuỗi suy giảm, lùi 0,42% xuống 1,314 USD.
Ngân hàng Trung ương Anh giữ nguyên lãi suất trong ngày thứ Năm (21/3).