|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tuyến đường sắt nối Việt Nam với Châu Âu vừa khởi động, hàng hóa LG, Samsung từ Hà Nội đến Duisburg mất 22 ngày

11:49 | 07/03/2019
Chia sẻ
Hãng tin Kazinform của Kazakhstan cho biết, tuyến đường sắt Việt Nam - Trung Quốc – Kazakhstan - Châu Âu vừa được đưa vào hoạt động. Việc vận chuyển hàng hóa của LG và Samsung bằng đường sắt từ Hà Nội đến Duisburg mất 22 ngày, dự kiến giảm xuống còn 19 ngày trong tương lai.

Theo thông tin từ hãng tin Kazinform của Kazakhstan, Bộ Ngoại giao Kazakhstan mới đây cho biết, hành lang vận chuyển đường sắt đầu tiên tuyến Việt Nam - Trung Quốc – Kazakhstan - Châu Âu vừa được đưa vào hoạt động.

Lần đầu tiên, 1.686 TEU hàng hóa được vận chuyển từ Hà Nội - Việt Nam, qua nhà ga đường sắt biên giới Việt Nam là ga Đồng Đăng, sau đó qua Trung Quốc và Kazakhstan đến Duisburg - Đức. 

Tuyến đường sắt nối Việt Nam với Châu Âu vừa khởi động, hàng hóa LG, Samsung từ Hà Nội đến Duisburg mất 22 ngày - Ảnh 1.

Theo hãng tin Kazinform, tuyến đường sắt nối Việt Nam với Châu Âu vừa khởi động. Ảnh minh họa.

Hãng tin Kazinform cũng cho biết, việc vận chuyển hàng hóa của LG và Samsung bằng đường sắt từ Hà Nội đến Duisburg mất 22 ngày, trong đó có 2 ngày để vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc. Phải mất 20 ngày để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Duisburg. Trong tương lai, dự kiến tổng thời gian hàng hóa vận chuyển từ Việt Nam sang Châu Âu sẽ được giảm xuống còn 19 ngày.

Kazinform cũng dẫn ý kiến của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói rằng, trong năm nay khối lượng hàng vận chuyển sẽ tăng đáng kể.

Dự kiến, hành lang vận chuyển đường sắt tuyến Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan - Châu Âu sẽ giúp giảm tải việc vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam và các nước ASEAN sang châu Âu. Đây cũng là một phương án vận chuyển hàng hóa thay thế tốt cho phương án vận tải đường biển truyền thống.

Tuyến đường sắt này được "khai sinh" là kết quả của việc thực hiện một trong những mục tiêu chiến lược do Tổng thống Kazakhstan Nurseult Nazarbayev đặt ra để tích hợp cơ sở hạ tầng giao thông của Kazakhstan vào hệ thống giao thông quốc tế, kết nối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. 

Năm 2016, Đại sứ quán Kazakhstan tại Việt Nam và Công ty Cổ phần Quốc gia NC Kazakhstan Temir Zholy (KTZ) của Kazakhstan đã khởi xướng việc thiết lập và khởi động tuyến vận tải, hậu cần giữa Kazakhstan và Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc. Để thực hiện mục tiêu này, đại diện của Công ty Quốc gia NC Kazakhstan Temir Zholy đã đến thăm Việt Nam vào các năm 2016 và 2017. Trong các chuyến thăm, họ đã gặp gỡ các lãnh đạo của Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. 

Bên cạnh đó, họ cũng tham gia hai diễn đàn kinh doanh liên quan đến hơn 100 công ty hậu cần quốc tế và Việt Nam. 

Phải nói rằng, việc đến thăm hai nhà ga đường sắt gần biên giới Việt Nam - Trung Quốc là ga Đồng Đăng và Lào Cai của các chuyên gia KTZ đã giúp họ nhận thấy tầm quan trọng và tiềm năng của việc thiết lập tuyến đường sắt nối Việt Nam với Châu Âu, quá cảnh qua Trung Quốc và Kazakhstan. 

Vào tháng 2/2017, tại Hà Nội, KTZ và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ hợp tác, tạo điều kiện tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác vận tải và hậu cần giữa hai nước. Sau đó, ngành đường sắt của Kazakhstan, Việt Nam và Trung Quốc đã tổ chức các cuộc đàm phán ba bên đầu tiên vào tháng 3 và tháng 7/2017 tại Almaty và Hà Nội. Tại các cuộc đàm phán này, các bên đã thống nhất về khối lượng vận chuyển, tuyến đường và nhà khai thác hậu cần. Các đối tác từ Nga và Mông Cổ cũng tham gia các vòng đàm phán tiếp theo.

Tính tới cuối năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Kazakhstan và Việt Nam đạt 467,2 triệu USD. Dự kiến việc ra mắt tuyến đường sắt Việt Nam - Trung Quốc - Kazakhstan - Châu Âu sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai nước đáng kể.

Khánh Hà

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.