|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tuyến đường sắt 100.000 tỉ đồng: 'Lãng phí và vô lý'

23:30 | 24/11/2019
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội đánh giá dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi qua 8 tỉnh, TP có vốn đầu tư ước khoảng 100.000 tỉ đồng là lãng phí và chưa cần thiết

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã làm việc với UBND các tỉnh, TP: Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương và Yên Bái về phương án quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435 mm) Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Tại các buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng đây là tuyến đường chiến lược, được ưu tiên đầu tư xây dựng để tạo bước phát triển kinh tế - xã hội đột phá trong khu vực.

Lại dính doanh nghiệp Trung Quốc!

Theo quy hoạch do đơn vị tư vấn là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Viện Khảo sát thiết kế số 5 đường sắt Trung Quốc lập, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn dài 392 km, trong đó đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu - Trung Quốc với Lào Cai dài 5,6 km; diện tích đất sử dụng trên 1.650 ha. 

Trên tuyến có 73 cầu lớn với tổng chiều dài hơn 130 km, trong đó phải xây mới 96 cầu; 25 hầm dài 25km; 38 nhà ga - xây mới 29.

Tuyến đường này sẽ đi qua 8 tỉnh, TP: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Theo ước tính của đơn vị tư vấn, tổng mức đầu tư (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng) khoảng 100.000 tỉ đồng.

Tuyến đường sắt 100.000 tỉ đồng: Lãng phí và vô lý - Ảnh 1.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ lãng phí

Dự báo năng lực vận tải dài hạn của tuyến là 10 triệu tấn hàng hóa/năm và khai thác 15 đôi tàu/ngày. Tốc độ thiết kế là 160 km/giờ (tàu khách) và 90 km/giờ (tàu hàng); thời gian từ Lào Cai đi Hà Nội mất 3 giờ, Lào Cai đi Hải Phòng mất 4 giờ.

Sau khi tư vấn hoàn thiện báo cáo cuối kỳ, bản quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ trình Bộ GTVT và các cấp thẩm quyền xem xét. Theo lộ trình, nếu được thông qua, tuyến đường sắt này được chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 và xây dựng sau năm 2025.

Ai sẽ hưởng lợi?

Nhận xét về dự án đường sắt này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định bà không tán thành. Chuyên gia Phạm Chi Lan nêu ra các lý do: 

Thứ nhất, dự án này tốn quá nhiều tiền của. 100.000 tỉ đồng dù có huy động ở đâu thì rốt cuộc "dân cũng là người trả, những người nộp thuế là người phải trả".

Thứ hai, tốn kém như thế nhưng "ai sẽ hưởng lợi?"- nữ chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi. Bà bày tỏ nghi ngờ rằng tuyến đường sắt này có vẻ theo ý tưởng từ phía Trung Quốc đề xuất để tạo nên tuyến kết nối từ phía Vân Nam sang cảng Hải Phòng.

"Trên thực tế, việc vận tải hàng hoá giữa Lào Cai và các tỉnh, TP trên suốt tuyến này cũng không nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy. Chưa nói về chi phí, rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này thì Việt Nam thấp hơn nhiều so với Trung Quốc. Vậy chúng ta có cần thiết bỏ tiền ra để đầu tư cho Trung Quốc hưởng lợi theo kiểu này không?" - bà Lan thẳng thắn.

Nữ chuyên gia cũng đặt vấn đề sử dụng 100.000 tỉ đồng này đầu tư vào việc gì sẽ có lợi hơn cho nền kinh tế Việt Nam. Bà đánh giá: "Nếu về giao thông, tại sao không đầu tư cho phía Nam, nhất là khu vực ĐBSCL, kết nối TP HCM - ĐBSCL bởi mạng lưới giao thông khu vực này vẫn đang rất thiếu hụt, cản trở sự phát triển? Trong khi đó, hiện nay, từ Lào Cai về Hà Nội đến Hải Phòng đã có sẵn các tuyến đường, đặc biệt là đường bộ cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai?".

Theo bà Lan, Bộ GTVT đã đề xuất xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư 58 tỉ USD. "Tại sao lại vừa muốn 58 tỉ USD làm đường sắt cao tốc Bắc – Nam lại vừa muốn 100.000 tỉ làm đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng? 

Tôi cho rằng dự án đường sắt 100.000 tỉ đồng vừa lãng phí vừa vô lý, không phù hợp với lợi ích tổng thể của đất nước" - bà Lan nêu quan điểm và cho rằng Bộ GTVT nên tập trung cải thiện hiệu quả các dự án đã có để phục vụ cho phát triển kinh tế, hơn là đề xuất thêm dự án này hay dự án khác.

Tuyến đường sắt 100.000 tỉ đồng: Lãng phí và vô lý - Ảnh 2.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã xây dựng, không nhất thiết làm thêm dự án đường sắt

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia tư vấn cao cấp về quy hoạch giao thông thuộc JICA, cho rằng việc đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng vào thời điểm này là chưa cần thiết. 

"Tôi cho rằng bỏ ra 100.000 tỉ đồng là không phù hợp. Dù kêu gọi tư nhân hay vay vốn ODA thì cuối cùng người dân cũng phải chi trả" - ông Đức băn khoăn.

Dụ án Cát Linh – Hà Đông: Bài học đắt giá

Theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế), việc đầu tư dự án đường sắt lên tới 100.000 tỉ đồng trong bối cảnh nhiều dự án giao thông đang bị chậm trễ hiện nay là khó khả thi. Ông nhận xét: "Tỉ lệ thành công của dự án rất thấp bởi trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, nhiều dự án vẫn đang trong tình trạng khan vốn, treo vốn thì Bộ GTVT lấy tiền đâu để làm?".

ĐB Nghĩa cho rằng đây là số tiền rất lớn, khó có doanh nghiệp nào dám bỏ ra để làm dự án bởi rủi ro rất cao. "Nhà đầu tư phải bỏ ra nguồn vốn lớn nhưng tính khả thi có cao không, cơ quan chức năng có tính đến hiệu quả hay không? Nếu không hiệu quả, dự án thua lỗ thì lúc đó trách nhiệm thuộc về ai hay lại đùn đẩy cho nhau?" - ông đặt vấn đề.

"Hãy xem đường sắt Cát Linh – Hà Đông như một bài học. Chúng ta đã lệ thuộc về thiết bị, máy móc, thậm chí thiết kế cũng phải bắt buộc theo nước đầu tư ODA cho dự án"- ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa bày tỏ.

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên giám đốc Nhà Xuất bản GTVT, lưu ý nếu dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ từ Trung Quốc thì phải hết sức cân nhắc. "Bài học từ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó, giờ còn đắt hơn cả không dùng vốn ODA. Do đó, Bộ GTVT phải lưu ý và nếu dùng vốn ODA Trung Quốc phải hết sức cẩn thận, phải tính đến trường hợp họ đưa người, thiết bị vào, hợp tác không tốt, thiếu trách nhiệm, dẫn đến "tiền mất tật mang"- TS Thủy băn khoăn.

Đặt vấn đề về nguồn vốn phải đi vay để đầu tư, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng vay ai, vay ở đâu thì cũng phải trả. "Chính phủ phải hết sức cân nhắc bởi các điều kiện ràng buộc khi vay vốn. Không thể chấp nhận việc đi vay vốn của ai đó rồi phải nhận nhà thầu yếu kém do họ chỉ định. Chúng ta phải hết sức cảnh giác như trường hợp đã xảy ra với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông - một bài học rất lớn, rất đắt cần lưu ý" - ĐB Hòa nêu quan điểm.

Văn Duẩn