|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Tương tự nền kinh tế nói chung, bất động sản cũng có tiêu dùng trả thù sau dịch'

14:16 | 07/10/2021
Chia sẻ
Đây là nhận định của ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng khi nói về nhu cầu mua nhà của người dân trong thời gian tới.

Tại tọa đàm "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Nhu cầu mới - Xu thế mới" do VnExpress tổ chức vào chiều ngày 6/10, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng cho biết nhìn chung giao dịch BĐS năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái và giảm so với năm 2019.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng trong 6 tháng đầu năm, cả nước có khoảng 55.000 giao dịch BĐS, trong khi con số này ở năm 2020 là 43.000 giao dịch.

Xét ở góc độ tiêu dùng của nền kinh tế nói chung, ông Khởi cùng nhiều chuyên gia cho rằng có hiện tượng bùng nổ mua bán sau dịch bởi nhiều người dự định mua sắm nhưng phải cất tiền vào nơi khác khi dịch bùng phát.

'Tương tự nền kinh tế nói chung, bất động sản cũng có tiêu dùng trả thù sau dịch' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng, Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng. (Ảnh chụp màn hình).

"Trong thị trường BĐS cũng có 'tiêu dùng trả thù', cũng có nhiều trường hợp có kế hoạch mua nhà và đã xuống tiền ngay tuần đầu hết giãn cách. Trong ba năm vừa rồi, giá BĐS vẫn tăng ở một số phân khúc, trừ một số khu vực giá tăng bất thường, nóng sốt đất nền do đầu cơ.

Chưa biết rằng thời gian tới tình hình dịch như thế nào nhưng họ vẫn sẵn sàng mua, thậm chí mua với số tiền rất lớn. Điều này cho thấy thị trường BĐS vẫn được quan tâm rất lớn", ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết.

Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Khởi cho rằng bên cạnh những yếu tố tích cực, thị trường BĐS vẫn đang chịu nhiều khó khăn, không chỉ do COVID-19 mà liên quan đến pháp lý đã tồn tại từ nhiều năm nay.

Theo đại diện Bộ Xây dựng, "tình hình pháp lý trước nay vẫn cần có sự cải thiện, khâu đầu tiên là quy hoạch. Có một yếu tố chúng tôi đánh giá trong vài năm tới sẽ tiếp tục vướng là quy hoạch chiến lược phát triển bởi vì hiện nay đang ở đầu kỳ quy hoạch cả kinh tế xã hội và đất đai, chương trình phát triển nhà ở".

Ông Khởi dẫn ví dụ về các tồn tại cũ của thị trường cách đây 3-4 năm vẫn còn như hàng loạt dự án mất rất nhiều thời gian để hoàn thành đưa ra thị trường. Thời gian qua có khoảng 5.000 dự án bị vướng pháp lý, điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn cung.

Mặt khác, tính liên kết thông tin trên thị trường vẫn chưa đạt yêu cầu, bao gồm cả thông tin về đất đai, quy hoạch mà ông Khởi nhận định "hiện nay mạnh ai người nấy tìm".

Song, thông tin từ ông Khởi cho biết nhiều chính sách đang được các cơ quan đẩy mạnh để trợ lực cho thị trường BĐS trong thời gian tới. Riêng trong năm nay, nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS và nghị định về hệ thống thông tin thị trường bất động sản sẽ được ban hành.

Trong nhiều năm qua, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) liên tục kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên địa bàn thành phố. Theo thống kê của HoREA, tổng số dự án nhà ở được UBND TP HCM phê duyệt giảm mạnh trong 5 năm qua.

Cụ thể, năm 2016 có 130 dự án; năm 2017 có 130 dự án; năm 2018 có 122 dự án; năm 2019 có 22 dự án; năm 2020 có 53 dự án.

Giai đoạn 2016-2020, số thu tiền sử dụng đất chỉ đạt 75.372 tỷ đồng, chiếm 4,15% tổng thu ngân sách của TP và bị giảm mạnh trong ba năm 2018-2020. Riêng số thu tiền sử dụng đất năm 2020 chỉ đạt 7.634 tỷ đồng bằng một nửa số thu của năm 2019 và chỉ bằng 1/3 số thu năm 2017.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết thêm, giai đoạn 2015-2020, Khoản 4, Điều 23, Luật Nhà ở 2014 quy định chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất 100% đất ở.

Trong khi đó, loại dự án này chỉ chiếm không quá 5% tổng số dự án nhà ở thương mại trên thị trường. Kể từ khi Nghị định 99/2015/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 10/12/2015 đến tháng 8/2018, TP HCM có 126 dự án nhà ở thương mại có đất hỗn hợp, không có 100% đất ở nên không được công nhận chủ đầu tư.

Cũng theo ông Châu, từ tháng 9/2018 đến cuối năm 2020, các doanh nghiệp không nộp hồ sơ đối với dự án này nữa "vì có nộp thì cũng bị bác nên số lượng loại dự án nhà ở không có 100% đất ở không được công nhận chủ đầu tư chắc chắn nhiều hơn".

Ngọc Anh