Tướng Tô Lâm: Tiền đánh bạc qua mạng hàng triệu USD mỗi ngày
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban chỉ đạo 138 về phòng, chống tội phạm, đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Công an dành nhiều thời gian phân tích về 5 loại tội phạm, cũng chính là 5 nhóm vấn đề nổi lên, cần quan tâm trong năm 2020.
Một trong 5 nhóm vấn đề là tội phạm trên mạng. Bộ trưởng Tô Lâm thừa nhận đây là thách thức lớn nhất, không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới.
Tội phạm chuyển dịch từ thế giới thực sang không gian mạng
“Trên thế giới thực có loại tội phạm gì, trên không gian mạng có đầy đủ các loại tội phạm đó. Tội phạm đang chuyển dịch từ thế giới thực sang không gian mạng”, đại tướng Tô Lâm nói.
Ông cho rằng phức tạp nhất là liên quan đến tội phạm gián điệp mạng, tấn công mạng, tung tin giả, xuyên tạc, bôi nhọ nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước, phát tán văn hóa phẩm đồi trụy, xâm phạm bí mật đời tư, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mua bán vũ khí.
Đặc biệt là tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá trên mạng với khoảng 30 nhà cái ở nước ngoài móc nối với tội phạm trong nước thiết lập các đường dây.
"Số tiền đánh bạc hàng ngày lên tới hàng triệu USD. Như vừa qua, chúng ta phá một số vụ án đánh bạc với số tiền rất lớn”, Bộ trưởng Công an thông tin.
Nêu vấn đề mới về đấu tranh, phòng ngừa tội phạm người nước ngoài, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay chỉ trong 2019, số người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam tăng khoảng 17 triệu lượt. Vì vậy, tình trạng người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam cũng tăng trên nhiều lĩnh vực như tội phạm sử dụng công nghệ cao, ma túy, mại dâm, buôn bán người, lừa đảo, trộm cắp, giết người, cướp của…
“Hiện, các trại giam của Bộ Công an quản lý khoảng 500 tội phạm là người nước ngoài của 25 nước”, tướng Tô Lâm cho hay.
Theo ông, công tác quản lý người nước ngoài liên quan tới trách nhiệm của nhiều bộ, ngành khác nhau. Tuy nhiên, nhiều nơi chưa xác định rõ trách nhiệm của mình, chưa quan tâm đúng mức, thậm chí coi nhẹ công tác quản lý người nước ngoài.
Thực tế, còn 19 địa phương chưa ban hành quy chế phối hợp về quản lý người nước, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng cấp phép lao động cho người nước ngoài, thu tiền dịch vụ, gây khó khăn cho hoạt động quản lý của cơ quan chức năng. Bộ trưởng Công an đề nghị siết chặt việc này và quy trách nhiệm rõ ràng.
Kẻ giết 5 người ở Thái Nguyên đang cai nghiện tại nhà
Vấn đề nhức nhối được Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh là ma túy - tội phạm của các loại tội phạm. Theo ông, khi người nghiện lên cơn thì không từ bất cứ thủ đoạn nào để có ma túy sử dụng.
Đại tướng Tô Lâm cũng nêu con số giật mình khi số người nghiện ma túy ở nước ta tăng 5.000 người mỗi năm. Trong khi đó, phần lớn số người nghiện ma túy đang ở ngoài xã hội, làm nhân dân rất lo lắng và bất an.
“Nhưng gia đình người nghiện ma túy chính là những người lo lắng và bất an nhất khi không biết điều gì xảy ra với gia đình mình”, ông Lâm nói, đồng thời dẫn chứng vụ thảm sát ở Thái Nguyên vừa xảy ra.
“Hoàng Văn Chín giết 5 người trên Thái Nguyên là người nghiện ma túy, đang thực hiện quyết định của UBND xã về việc thực hiện cai nghiện tại gia đình. Song, việc gia đình quản lý người nghiện rất khó khăn”, Bộ trưởng Công an chia sẻ.
Ông nhấn mạnh đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa đối với người nghiện. Đặc biệt, phải coi trọng hình thức cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện tập trung, quản lý chặt người nghiện ngoài xã hội để giảm nguy cơ phát sinh tội phạm.
Trong vấn đề giải quyết mâu thuẫn xã hội, Bộ trưởng Công an cho hay số vụ phạm pháp hình sự năm 2019 giảm 39% nhưng nhóm tội phạm do nguyên nhân xã hội lại tăng. Trong đó, số vụ giết người do mâu thuẫn, thù tức tăng 8,5%, hiếp dâm tăng 10,16%, hiếp dâm trẻ em tăng 7,51%.
“Trung bình 5 năm gần đây mỗi năm xảy ra khoảng 1.200 vụ giết người, trong đó 90% là do nguyên nhân xã hội, khoảng 20% các vụ là người thân trong gia đình giết hại lẫn nhau, trong đó nổi lên một số vụ giết nhiều người rất thương tâm”, ông Lâm nói.
Đáng lưu ý, thành phần phạm tội có nhiều thay đổi, số người phạm tội lần đầu chiếm tỷ lệ trên 81%.
“Số đối tượng này phần lớn không nằm trong diện quản lý nghiệp vụ của lực lượng công an nên phòng ngừa rất khó khăn”, ông Lâm cảnh báo.
Tội phạm tín dụng đen là nguồn gốc của đâm thuê, chém mướn
Theo Bộ trưởng Công an Tô Lâm, tội phạm tín dụng đen là nguyên nhân dẫn đến các hành vi thuê người, đòi nợ thuê, đâm chém đe dọa. Toàn quốc có khoảng 23.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó khoảng 40.000 cơ sở có dấu hiệu hoạt động cho vay thế chấp trái phép và 1.500 cơ sở kinh doanh tài chính trái phép dưới nhiều hình thức khác nhau.
Vừa qua, lực lượng công an đã triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm tín dụng đen.
“Tội phạm tín dụng đen đã được đẩy lùi một bước, không còn công khai trắng trợn như trước. Nhiều cơ sở đã tạm ngừng hoặc hoạt động cầm chừng. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào nếu chúng ta không tiếp tục quyết liệt”, tướng Tô Lâm lưu ý.