Tương lai tiến trình phi USD hoá
Trang Geopolitical Monitor đăng bài phân tích của tác giả Ronny P Sasmita thuộc Viện Hành động Chiến lược và Kinh tế Indonesia, trong đó nhận định Trung Quốc đang đối mặt với một chặng đường dài trong tiến trình phi USD hoá.
Theo tác giả bài viết, vai trò của đồng USD vẫn sẽ khá quan trọng trong tương lai, mặc dù một số quốc gia và khối thương mại đã bắt đầu không coi đây là một phương tiện thanh toán cho xuất nhập khẩu.
Khi quá trình này tiếp tục diễn ra, sự thống trị của đồng USD như một phương tiện thanh toán chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, vai trò của đồng tiền này như một "phương tiện trao đổi" hay "đơn vị hạch toán" hoặc là "phương tiện lưu trữ giá trị" sẽ tiếp tục thống trị trong một thời gian dài.
Điều này là do đồng USD vẫn sẽ được sử dụng như một phương tiện thanh toán cho thương mại ở nhiều khu vực, chủ yếu do tính thực tế trong thanh khoản và vai trò như một "mỏ neo" của thương mại toàn cầu.
Nói cách khác, đồng USD vẫn sẽ được sử dụng ở nhiều nơi như một đơn vị hạch toán đã được công nhận trong hơn 70 năm qua, và là một công cụ phòng ngừa rủi ro được coi là ổn định kể từ khi đồng tiền này được tách khỏi vàng vào năm 1971.
Những thách thức của quá trình phi USD còn phức tạp hơn, nhưng điều quan trọng nhất có lẽ là bất kỳ quá trình phi USD hóa nào cũng phải tính đến thực tế việc các quốc gia và tác nhân kinh doanh vẫn sẽ phát hành chứng khoán nợ, trái phiếu và các công cụ khác dưới dạng USD để đáp ứng nhu cầu vốn của họ, do khối lượng và tính thanh khoản được cung cấp bởi tiêu chuẩn "tài khoản vốn linh hoạt" của nước Mỹ.
Tương tự như vậy, chứng khoán nợ của chính phủ Mỹ sẽ vẫn là một công cụ đầu tư và phòng rủi ro hấp dẫn đối với các tác nhân kinh doanh và nhà nước, vì nó vẫn được coi là một trong những công cụ có tính thanh khoản và an toàn nhất hiện nay.
Một rào cản khác đối với quá trình phi USD hóa là việc thiếu một loại tiền tệ toàn cầu có thể thay thế cho đồng USD. Đồng euro hay nhân dân tệ thường được coi là những ứng cử viên tiềm năng. Tuy nhiên, đồng euro vẫn chưa phổ biến rộng rãi do sự lưu thông hạn chế và sự bất ổn tiền tệ vốn có do các điều kiện kinh tế và chính trị khác biệt của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Đồng nhân dân tệ thì bị hạn chế bởi tính thanh khoản giới hạn do các chính sách kiểm soát vốn chặt chẽ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương). Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận kép bằng cách tăng vai trò toàn cầu của đồng nhân dân tệ thông qua thị trường trong và ngoài nước.
Mục tiêu chính là giảm tác động của biến động thị trường tiền tệ toàn cầu lên tỷ giá của nhân dân tệ, nếu không sẽ có nguy cơ làm xói mòn khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu của Trung Quốc (trường hợp đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh).
Trung Quốc đã trình làng ba loại cổ phiếu có thể giao dịch được trên các thị trường khác nhau: Cổ phiếu A dành cho các công ty địa phương được đăng ký tại Thượng Hải và Thâm Quyến; Cổ phiếu B dành cho các công ty nước ngoài phát hành cổ phiếu tại thị trường nội địa Trung Quốc; Cổ phiếu H dành cho các công ty Trung Quốc được niêm yết trên thị trường của Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc). Và có những giới hạn cụ thể về việc người nào có thể mua được các cổ phiếu này.
Tóm lại, Trung Quốc cần tiến hành các cải cách cơ bản đối với hệ thống tiền tệ và tài chính của họ để đồng nhân dân tệ trở thành một sự thay thế toàn cầu đáng tin cậy cho đồng USD. Nếu không có những cải cách này, các nỗ lực phi USD hóa sẽ gặp phải rào cản dưới hình thức tính khả dụng của đồng nhân dân tệ.