|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từng là ‘gà đẻ trứng vàng’, vì đâu Vĩnh Hoàn lại muốn thoái hết vốn tại hai công ty liên kết này?

07:19 | 18/06/2019
Chia sẻ
Dù được đánh giá là khoản đầu tư có hiệu quả, sau 5 năm nắm giữ, Vĩnh Hoàn đã quyết định thoái vốn hoàn toàn khỏi Vạn Đức Tiền Giang. Đồng thời, công ty cũng muốn bán hết số cổ phần tại công ty Octogone Pte.Ltd, chuyên hỗ trợ bán hàng tại thị trường Trung Quốc.

Thoái vốn hết tại Vạn Đức Tiền Giang sau gần 5 năm nhận chuyển nhượng

Vào đầu tháng 8/2014, CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đã kí hợp đồng mua toàn bộ cổ phần CTCP Thực phẩm Xuất nhập khẩu Vạn Đức Tiền Giang với giá 360 tỉ đồng. Thời điểm đó, ban lãnh đạo kỳ vọng rằng sự kiện này sẽ đánh dấu bước tăng trưởng đột phá cho Vĩnh Hoàn, giúp gia tăng nhanh chóng năng lực chế biến, và tạo ra tiền đề tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu lợi nhuận của công ty những năm sau.

Sau khi sở hữu Vạn Đức Tiền Giang, tại báo cáo thường niên năm 2017 của Vĩnh Hoàn cho thấy, năm 2017 Vạn Đức Tiền Giang ghi nhận doanh thu 2.078 tỉ đồng, đóng góp gần 25,5% tổng doanh thu; lãi sau thuế gần 178 tỉ đồng và đóng góp hơn 29,4% tổng lợi nhuận.

co-cau-sua

Cơ cấu doanh thu và lãi sau thuế của Vĩnh Hoàn. (MA tổng hợp)

Theo đánh giá của ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn lúc đó, Vạn Đức Tiền Giang là một trong những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất và nắm giữ vị trí quan trọng trong bức tranh kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm nhận chuyển nhượng, vào đầu tháng 2/2018, Vĩnh Hoàn bất ngờ tăng vốn điều lệ của Vạn Đức Tiền Giang từ hơn 305 tỉ đồng lên hơn 872,6 tỉ đồng bằng hình thức nhận góp vốn của một cá nhân bằng tiền mặt, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống 35%.

Thông tin này đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng khi cho rằng Vĩnh Hoàn đã "bán rẻ" đi một tài sản có thể sinh lời và đang sở hữu nhiều lợi thế. Bởi khi xét tại báo cáo tài chính quí I/2018 của Vĩnh Hoàn cho thấy, khoản đầu tư vào Vạn Đức Tiền Giang từ công ty con đã được chuyển thành công ty liên kết, với giá vốn 305 tỉ đồng, đúng bằng phần vốn điều lệ nắm giữ dẫn đến không có giá trị thặng dư vốn.

Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông thường niên 2018 của Vĩnh Hoàn, ban lãnh đạo đã phủ nhận ý kiến trên. Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Vĩnh Hoàn, đây là chiến lược của công ty nhằm củng cố nguồn tài chính để phát triển vùng nuôi cũng như giảm gánh nặng lãi vay.

"Chúng tôi cũng chỉ muốn tập trung vùng nguyên liệu và sản xuất về khu vực Đồng Tháp như nhà máy Thanh Bình để lấy lợi thế về vị trí", bà Tâm giải thích.

Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn cũng cho biết, không thể cho rằng việc chuyển nhượng cổ phần này là "rẻ hay đắt nếu so sánh với định giá hồi 2014 bởi mỗi thời điểm mỗi khác". Cùng với đó, việc tăng vốn và chuyển nhượng trên được thực hiện theo đúng quy trình của các đơn vị tư vấn cũng như giá bán theo cơ chế thị trường. Được biết, tại thời điểm 2014, Vạn Đức Tiền Giang có 83,3 ha vùng nuôi cá tra tại Tiền Giang, đáp ứng 80% nhu cầu nguyên liệu của nhà máy cũng như 14 ha nhà máy chế biến cá tra (công suất thiết kế 114 tấn nguyên liệu/ngày), nhà máy sản xuất bột cá mỡ cá từ phụ phẩm và khu nhà tập thể công nhân.

Sau hơn một năm giảm tỷ lệ sở hữu xuống 35%, mới đây, vào đầu tháng 6 Vĩnh Hoàn tiếp tục muốn bán hết số cổ phần tại Vạn Đức Tiền Giang. Liệu rằng, Vĩnh Hoàn có thể thu được một khoản doanh thu tài chính đáng kể từ đợt thoái vốn này hay không?. Hiện Vạn Đức Tiền Giang vẫn chiếm khoảng 12% lợi nhuận sau thuế của Vĩnh hoàn trong quí I/2019, tương đương 37 tỉ đồng.

Chuyển hướng bán hàng qua kênh thương mại điện tử, rút vốn khỏi công ty liên kết Octogone

Ngoài Vạn Đức Tiền Giang, Hội đồng quản trị Vĩnh Hoàn mới đây cũng quyết định thoái hết 25% vốn tại công ty liên kết Octogone Pte.Ltd, có trụ sở tại Singapore. Doanh nghiệp này từng đóng góp hơn 56% doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn tại Trung Quốc (theo báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2018) - một thị trường đang tăng trưởng rất nhanh đặc biệt từ cuối năm 2017 đến nay.

dt-sua

Cơ cấu doanh thu xuất khẩu 2018 của Vĩnh Hoàn. (MA tổng hợp)

Về nguyên nhân thoái vốn, Vĩnh Hoàn cho biết, chiến lược kinh doanh của công ty tại khu vực châu Á, đặc biệt thị trường Trung Quốc là tập trung B2B (kinh doanh thương mại điện tử).

Cũng theo nhận định mới đây của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), riêng thị trường Trung Quốc, từ năm 2019, Vĩnh Hoàn đẩy mạnh kênh bán lẻ thông qua trang thương mại điện tử Alibaba, tập trung vào các sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) có giá bán cao.

Được Alibaba chọn làm nhà cung cấp nhờ danh tiếng tại thị trường Mỹ, VDSC cho rằng Vĩnh Hoàn đẩy mạnh kênh phân phối này sẽ tạo được lợi thế về tiếp thị và tăng hiệu quả kinh doanh so với nhiều công ty trong ngành khi cắt giảm được chi phí thuê gian hàng, chi phí quảng cáo trong khi được tiếp xúc trực tiếp với các khách hàng thu nhập cao có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm GTGT.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành cá tra, việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử cũng gặp nhiều vấn đề khi thị trường Trung Quốc có rất nhiều rủi ro, chẳng hạn như tình trạng bán phá giá qua đường biên mậu (đường bộ - hiện khoảng 84% sản lượng cá tra xuất khẩu bằng đường này, còn lại là đường biển).

Bên cạnh đó, khi bán hàng đông lạnh qua B2B thì không thể phân phối xa xôi khắp Đông Nam Á, hay châu Âu mà chỉ tập trung ở Bắc Kinh, Thượng Hải. Và khi phân phối qua Alibaba thì các doanh nghiệp cá tra bắt buột phải có kho lạnh bảo quản.

Minh Anh