'Tuân thủ pháp luật ở Việt Nam chưa cao, các cá nhân có quyền lực rất lớn, dễ thao túng doanh nghiệp'
"Tại Mỹ, doanh nghiệp và người dân rất tuân thủ pháp luật còn ở Việt Nam cả tính minh bạch và tuân thủ của doanh nghiệp đều chưa cao", TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính cho biết khi nói về tình trạng sở hữu chéo tại các tập đoàn tài chính tại Hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” diễn ra sáng 5/12.
Tính tuân thủ pháp luật còn thấp
Nêu kinh nghiệm quốc tế về quản lý các ngân hàng, ông Hiếu cho biết ở Mỹ cũng có sự kiểm soát về tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng. Tuy vậy, tại Mỹ, tỷ lệ sở hữu của pháp nhận được quy định thấp hơn tỷ lệ sở hữu của cá nhân, nguyên do là nhà chức trách Mỹ cho rằng pháp nhân dễ thao túng ngân hàng hơn cá nhân.
"Còn Việt Nam thì ngược lại, tỷ lệ sở hữu của cá nhân được quy định thấp hơn pháp nhân. Điều này xuất phát từ 'đặc thù' của văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam, đó là các cá nhân có quyền lực rất lớn trong doanh nghiệp", ông Hiếu nói.
TS. Hiếu cũng cho hay, bên Mỹ có thông lệ Affidavit (tuyên bố hữu thệ). Trong nhiều trường hợp, các cổ đông phải “Affidavit” rằng nếu họ khai gian, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa có thông lệ này. Đáng lo hơn nữa là còn xuất hiện tình trạng nói một đằng nhưng làm một nẻo, dẫn đến chưa thực sự kiểm soát được sở hữu thực sự của một cá nhân hay một tổ chức kinh tế tại ngân hàng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng tính minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Luật Các Tổ chức tín dụng mới.
"Việc kiểm tra nguồn gốc vốn góp là rất cần thiết để đảm bảo tính minh bạch nhưng đúng là trong thực tế, việc thực hiện điều này sẽ gặp nhiều khó khăn do tính minh bạch chung của xã hội Việt Nam còn thấp", ông thừa nhận.
Điều đáng mừng là trong thời gian gần đây, hoạt động góp vốn của các ngân hàng đã trở nên minh bạch hơn so với trước đây. Ông đề nghị cần minh bạch và làm rõ nguồn gốc tài sản của cổ đông. Các cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ, nhưng điều này thường sẽ không giấu được cơ quan chức năng.
"Muốn làm quyết liệt thì sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng đâu có khó. Tại Đức, để xác minh tài sản của một người, họ có thể điều tra tới ba đời", ông lấy ví dụ.
Hoặc trường hợp, các cổ đông bị nghi ngờ có sự kết nối với nhau thì thường có dấu vết kết nối qua tài khoản, thể hiện trên sổ sách. Dĩ nhiên có giao dịch tiền mặt, không có dấu vết, nhưng điều này rất ít. Thường thường, các giao dịch đó có thể tìm ra dễ dàng, TS. Hiếu bổ sung.
Ông nhấn mạnh, điều quan trọng là phải làm thanh tra nghiêm túc, rõ ràng. Trường hợp vụ SCB, cán bộ phát hiện ra sai phạm nhưng nhận hối lộ và che giấu thì vô cùng nguy hiểm.
Vị chuyên gia này đề xuất cần có chế tài nghiêm ngặt, ở Nghị định hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có thể đưa ra chế tài, nếu ngân hàng nào vi phạm quy định lặp đi lặp lại, chẳng hạn như ba lần, thì phải rút giấy phép. "Cần phải có một vài ngân hàng sai phạm bị xử phạt một cách mạnh tay để làm gương cho toàn thị trường", chuyên gia kiến nghị.
Về giám sát và thanh tra hoạt động ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nhìn nhận công tác giám sát và thanh tra hoạt động của các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều bất cập. Ông đưa ra ví dụ về trường hợp của Ngân hàng SCB, tồn tại trong nhiều năm trong tình trạng không minh bạch mà không ai xử lý.
"Nếu không có cải cách thực sự về hành chính và pháp lý, thì tình trạng này sẽ khó có thể thay đổi", ông Nghĩa nói.
Rút ngắn lộ trình đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn
Liên quan đến vấn đề tỷ lệ an toàn vốn và lộ trình tuân thủ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng một số ngân hàng hiện đang không đáp ứng được các tỷ lệ an toàn vốntheo quy định mới của Luật Các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng không nên có lộ trình để cho các ngân hàng đáp ứng hoặc nếu có lộ trình thì phải rất ngắn, chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm thay vì kéo dài.
Theo Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, tổ chức tín dụng phải duy trì các tỷ lệ bảo đảm an toàn sau đây:
- Tỷ lệ khả năng chi trả;
- Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ;
- Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có;
- Tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;
- Tỷ lệ bảo đảm an toàn khác.
Đặc biệt, vẫn còn một số vấn đề chưa minh bạch liên quan đến việc lựa chọn đối tượng cho vay như: Cho vay sân sau hay cho vay các doanh nghiệp trong hệ sinh thái.
"Hiện vẫn còn tình trạng cho vay sân sau khi các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được các ngân hàng xem là những đối tượng an toàn nhất để cho vay còn các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và sản xuất còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn", ông Nghĩa nêu vấn đề.
Bên cạnh đó, còn có những hành vi không minh bạch như tăng nhanh tổng tài sản của các tập đoàn lớn để có khả năng trả nợ và vay vốn.
Để hạn chế những hành vi này, cần tập trung vào công tác thanh tra, kiểm soát để làm rõ các vấn đề thiếu minh bạch, đặc biệt là việc cho vay liên quan đến các bên có liên quan.
Các quy định về tỷ lệ vốn cấp 2, vốn cấp 4 cần được thực hiện một cách nghiêm ngặt, nhất là việc sử dụng nguồn vốn vay, cho vay các doanh nghiệp liên quan.
Theo ông Nghĩa, các quy định về vốn cần được thực hiện nghiêm ngặt, nhưng vấn đề quan trọng nhất là việc sử dụng nguồn vốn vay, đặc biệt là việc cho vay các bên liên quan.