Tuần 23 - 27/5: Tự doanh đảo chiều mua ròng gần 850 tỷ đồng, tập trung gom PNJ, MWG cùng loạt cổ phiếu ngân hàng
Khởi đầu tuần 23 – 27/5 bằng 1 phiên giảm điểm khá mạnh với hơn 18 điểm nhưng thay vì bỏ chạy, nhà đầu tư đã mua vào khi giá cổ phiếu điều chỉnh. Bốn phiên tiếp theo chỉ số liên tục tăng điểm, từ mức đóng cửa 1.218 của phiên ngày 23/5 chỉ số đã vươn lên chốt tuần tại 1.285,45. So với mức đóng cửa cuối tuần trước, VN-Index đã tăng 44,74 điểm tương ứng mức tăng 3,61%.
Nhiều bluechips tăng quanh 10% trong tuần, đáng chú ý như FPT (+14,7%), REE (+17,6%), PNJ (+15,4%). FPT là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index với đóng góp 3,3 điểm, tiếp đến là VHM với 3,2 điểm và GAS là 2,7 điểm. Bên phía giảm điểm, HPG là cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index với mức ảnh hưởng giảm 2,5 điểm.
Liên quan đến giao dịch của các bên tham gia thị trường, khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng 350 tỷ đồng trong tuần, trong đó HPG là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 332 tỷ đồng, tiếp đến là SSI bị bán ròng 235 tỷ đồng. Bên phía mua ròng, chứng chỉ quỹ VN-Diamond được khối này mua ròng mạnh nhất với giá trị 429 tỷ đồng, bỏ xa mã thứ hai là DCM với 191 tỷ đồng.
Trong khi đó, bộ phân tự doanh công ty chứng khoán chuyển vị thế sang mua ròng tích cực trong tuần vừa qua với tổng giá trị mua ròng là 848,4 tỷ đồng, hoạt động giải ngân tập trung tại nhóm VN30 với giá trị vào ròng lên tới 916 tỷ đồng.
Tự doanh chủ yếu mua ròng nhóm ngân hàng, bán lẻ tuần giao dịch khởi sắc
Theo thống kê từ Fiinpro, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì khối tự doanh công ty chứng khoán mua ròng gần 940 tỷ đồng.
Diễn biến theo từng nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản tiếp tục bị khối tự doanh bán ròng mạnh nhất với giá trị 166 tỷ đồng. Trong tuần trước đó, cổ phiếu địa ốc cũng dẫn đầu danh mục xả ròng với giá trị hơn 388 tỷ đồng. Như vậy mặc dù vẫn là tâm điểm bán ròng của khối tự doanh nhưng giá trị rút ròng của ngành bất động sản đã giảm gần 57% so với tuần trước đó.
Tương tự, bộ phận tự doanh cũng tiếp đà bán ròng gần 116 tỷ đồng cổ phiếu nhóm tài nguyên cơ bản. Cùng chiều, dòng vốn tự doanh cũng rút khỏi các nhóm thực phẩm và đồ uống (45 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (28 tỷ đồng), du lịch & giải trí (8 tỷ đồng),...
Ở chiều ngược lại, tự doanh công ty chứng khoán chuyển hướng mua ròng mạnh nhất nhóm ngân hàng (509 tỷ đồng). Dễ thấy, cổ phiếu của các nhà băng trở lại nằm trong danh mục ưu tiên xuống tiền của tự doanh khi cổ phiếu "vua" có bước chuyển mình ngoạn mục trong tuần vừa qua.
Đáng chú ý, tuần 23 - 26/5 cũng chứng kiến sự thay đổi vị thế của khối tự doanh ở nhóm bán lẻ, họ tập trung mua ròng 210 tỷ đồng thay vì rút ròng tuần trước. Việc giải ngân trở lại diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu ngành bán lẻ nhìn chung giao dịch khởi sắc và là nhóm đóng góp thứ hai cho đà tăng của chỉ số chung, chỉ xếp sau ngân hàng.
Cùng chiều, dòng tiền tự doanh tìm đến các ngành hàng cá nhân & gia dụng (225 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (177 tỷ đồng), công nghệ thông tin (182 tỷ đồng),...
Cổ phiếu bluechips là tâm điểm hút tiền
Giao dịch cụ thể theo từng mã, cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giữ vị trí quán quân về giá trị mua ròng trong tuần với 221,9 tỷ đồng. Tuần qua PNJ ghi nhận 3/5 phiên tăng, trong đó có tới 2 phiên tăng kịch trần, giá cổ phiếu theo đó có nhịp tăng hơn 15% lên 122.300 đồng/cp. Sự khởi sắc của cổ phiếu có thể đến từ thông tin kết quả kinh doanh tích cực.
Vừa qua, công ty cũng cho biết doanh thu thuần 4 tháng đầu năm đạt 12.912 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 866 tỷ đồng; tăng lần lượt 42,9% và 44,9% so với 4 tháng đầu 2021.
Năm 2022, PNJ đặt kế hoạch doanh thu thuần hơn 25.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.300 tỷ. Như vậy, sau 4 tháng, đơn vị này đã thực hiện được 50% mục tiêu doanh thu và gần 67% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Trở lại với giao dịch của tự doanh, đứng vị trí thứ hai trong danh mục Top10 mua ròng cũng là ông lớn MWG, đại diện khác củ nhóm bán lẻ với giá trị vào ròng đạt 209,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng gom ròng loạt bluechips như FPT (181,8 tỷ đồng), REE (107,5 tỷ đồng).
Là nhóm được mua ròng mạnh nhất tuần qua, ngành ngân hàng góp tới 6 đại diện trong Top10 mua ròng, gồm ACB (107,5 tỷ đồng), TCB (93,8 tỷ đồng), VPB (88,8 tỷ đồng), <BB (87,6 tỷ đồng), MSB (37,6 tỷ đồng) và TPB (36,7 tỷ đồng).
Ở chiều bán ra, giao dịch rút vốn tập trung ở các cổ phiếu nhóm bất động sản, thép. Trong đó DXG bị bán ròng mạnh nhất trong Top10 với giá trị 108,6 tỷ đồng, đây cũng là mã duy nhất bị rút ròng trên trăm tỷ đồng tuần vừa qua.
Bộ phận tự doanh công ty chứng khoán cũng bán ròng các cổ phiếu họ thép như HPG (71,6 tỷ đồng), HSG (30,9 tỷ đồng), NKG (20,1 tỷ đồng). Ngoài ra, dòng vốn tự doanh còn rút khỏi BCM (52,7 tỷ đồng), VHC (28,5 tỷ đồng), SSI (19,6 tỷ đồng), CTR (16,2 tỷ đồng), DPM (11,9 tỷ đồng) và HPX (9,6 tỷ đồng).