Từ vụ MTM nhìn lại bản chất "niêm yết trên UPCoM"
Hồ sơ đăng ký giao dịch UPCoM có gì?
Theo hướng dẫn thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hồ sơ đăng ký giao dịch đối với công ty đại chúng niêm yết khá đơn giản.
Hồ sơ bao gồm (1) Giấy đề nghị đăng ký giao dịch, (2) Bản thông tin tóm tắt về doanh nghiệp theo mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 58 và (3) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán do Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cấp.
Mẫu số 08 ngoài những nội dung cơ bản như tóm tắt quá trình hình thành phát triển công ty, cơ cấu tổ chức, danh sách cổ đông, chính sách cổ tức trong 2 năm gần nhất... thì quan trọng nhất, phụ lục này yêu cầu công ty báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong 2 năm gần nhất. Đây là nội dung quy định duy nhất trong điều kiện đăng ký UPCoM liên quan tới tình hình tài chính doanh nghiệp.
Trong khi đó, tại HNX, để niêm yết, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên tính trên giá trị ghi trên sổ kế toán; có ít nhất 1 năm hoạt động dưới hình thức CTCP; có tỷ lệ LNST/vốn chủ sở hữu (ROD) năm liền trước năm niêm yết tối thiểu 5%; không có khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm; không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm niêm yết.
Tại HoSE, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên; có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức CTCP; tỷ lệ ROE năm gần nhất tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên 1 năm; không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký niêm yết.
Thời gian hoàn tất đăng ký giao dịch trên UPCoM chỉ 5 ngày sau khi HNX nhận được hồ sơ hợp lệ. Trong vòng 10 ngày từ ngày quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch, công ty đại chúng gửi công văn cho HNX về việc đăng ký ngày giao dịch, giá tham chiếu của ngày giao dịch đầu tiên. Ngày giao dịch đầu tiên phải sau ngày công ty gửi công văn đăng ký cho Sở tối thiểu 7 ngày làm việc và không vượt quá 20 ngày kể từ khi HNX chấp thuận đăng ký.
MTM - trường hợp cá biệt hay còn nhiều "anh hùng núp"?
Trở lại câu chuyện của Công ty Cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (Mã: MTM), nhiều nhà đầu tư đã bất ngờ và hoảng loạn, kêu cứu trên các phương tiện truyền thông, thậm chí gửi đơn thư lên Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước.
MTM bị ngừng giao dịch chỉ sau 2 tháng niêm yết, hơn 4 triệu cổ phiếu "ma" giao dịch mà không ai hay biết, trụ sở công ty là quán "bò né" và mới đây, Chủ tịch HĐQT Trần Hữu Tiệp đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhìn lại quá trình đăng ký niêm yết trên UPCoM, công ty này chỉ công bố BCTC kiểm toán năm 2014 (được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán IFC) mà không có Báo cáo năm 2015, trong khi điều kiện đăng ký là báo cáo hoạt động kinh doanh 2 năm liên tiếp.
Nhiều người đặt câu hỏi trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước ở đâu trong quá trình giám sát hoạt động của UPCoM khi để xảy ra trường hợp MTM? Có phải vì quy trình niêm yết UPCoM còn quá lỏng lẻo?
Cần nhớ lại, UPCoM được thành lập năm 2009 với mục đích thu hẹp thị trường OTC, giúp các nhà đầu tư có thể giao dịch cổ phiếu với giá niêm yết rõ ràng, cung cấp những thông tin minh bạch hơn thị trường tự do. UPCoM là thị trường dành cho các doanh nghiệp tham gia tự nguyện với các thủ tục đăng ký giản tiện nhất. Hiểu đơn giản, UPCoM giống như cái "chợ phiên" - để nhà đầu tư có thể rao bán cổ phiếu mà có người mua với mức giá niêm yết, thay vì tự đi tìm đối tác giao dịch và thỏa thuận giá.
Vì vậy, quy trình của UPCoM ngay từ đầu thực hiện tinh thần cải cách hành chính và niềm tin vào sự trung thực, để doanh nghiệp tự kê khai và chưa ai tính đến câu chuyện cố tình gian lận, trích lời ông Vũ Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc HNX trong một lần phát biểu với báo chí.
Ông Trung cũng nhấn mạnh việc đi từng doanh nghiệp để kiểm tra là bất khả thi và nếu có thể cũng chỉ là chọn mẫu. Cần phải tin tưởng và tôn trọng các chữ ký có trách nhiệm trên các báo cáo, hồ sơ của doanh nghiệp. Nếu như doanh nghiệp cố tình làm sai, không trung thực mà hồ sơ vẫn đầy đủ và đủ các chữ ký xác nhận thì vẫn không thể phát hiện được ngay lập tức.
Nhìn nhận vấn đề, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng cho biết, quy trình niêm yết trên UPCoM tương đối đơn giản về điều kiện, phù hợp với tinh thần chung của các cấp lãnh đạo về việc hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết, tăng cường minh bạch và tạo thanh khoản trên thị trường. Tuy nhiên, câu chuyện ở đây là làm sao nâng cao tính trung thực của các doanh nghiệp, điều này khó nếu doanh nghiệp cố tình gian lận. Do đó, có thể MTM không chỉ là trường hợp cá biệt trên UPCoM mà còn nhiều "anh hùng núp" chưa lộ diện.
Nhìn lại quy định niêm yết của UPCoM, hi vọng minh bạch được đặt ra với các đơn vị kiểm toán - đơn vị trung gian đảm bảo tính chính xác của số liệu Báo cáo tài chính. Trường hợp MTM, dù "bệnh tật đầy mình" nhưng vẫn được kiểm toán viên khẳng định mọi thông tin trung thực, khách quan. Điều này, ông Khánh nói ngay cả trên sàn HoSE với những quy định niêm yết chặt chẽ cũng để xảy ra những tình trạng như Gỗ Trường Thành (TTF), Y tế Việt Nhật (JVC) mà một phần vẫn là trách nhiệm từ phía kiểm toán.
Vì vậy theo ông Khánh, thay vì siết chặt quy định niêm yết, cần bổ sung quy định về quy trách nhiệm đối với kiểm toán chứ không thể như hiện nay, luật "bỏ quên" đơn vị này, trong khi thực chất đó chính là cánh tay giám sát hữu hiệu nhất của nhà đầu tư.
Ngoài ra, ông Khánh cho rằng để 1 doanh nghiệp minh bạch còn phụ thuộc vào một số yếu tố khác, trong đó có vai trò của Ban Kiểm soát khi thực hiện đúng nhiệm vụ độc lập giám sát hoạt động của Ban điều hành, Ban lãnh đạo và những lá phiếu biểu quyết có trách nhiệm của nhà đầu tư tại các cuộc họp ĐHCĐ.