Tư vấn nước ngoài đề nghị không xây dựng đường băng số 3 Tân Sơn Nhất
Tân Sơn Nhất lên phương án chống kẹt xe trước Tết | |
Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không Tân Sơn Nhất |
Chiều 27/2, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã nghe đại diện Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp báo cáo về phương án quy hoạch Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Theo đó, tư vấn dự báo lưu lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất là 51 triệu lượt và vận chuyển một triệu tấn hàng hóa đến 2025.
Tư vấn nêu, khu bay Tân Sơn Nhất hiện có 2 đường băng song song với khoảng cách chỉ 365 m nên không thuận lợi cho khai thác; hệ thống đường lăn tạo nút thắt giữa đường cất hạ cánh, cùng với công cụ khai thác vùng trời chưa tối ưu. Các hệ thống này chỉ đảm bảo khai thác 36 triệu hành khách mỗi năm như hiện tại; để tăng lượng hành khách thì cần phải mở rộng hạ tầng.
Quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất do tư vấn Pháp đề xuất. |
Về giao thông quanh sân bay, tư vấn chỉ ra rằng mới có một đường bộ tiếp cận vào nhà ga gây tắc nghẽn thường xuyên, do đó cần phải có đường riêng vào cảng hàng không thay vì giao thông chung; phát triển hệ thống giao thông công cộng như tàu điện ngầm vào sân bay.
Hạn chế công suất sân bay ở 50 triệu hành khách
Từ dự báo nêu trên, đơn vị tư vấn kiến nghị cần hạn chế công suất sân bay là 50 triệu hành khách vào năm 2025 để không phải xây thêm đường băng số 3. Bởi nếu xây thêm đường băng sẽ làm tăng chi phí giải phóng mặt bằng và gây ô nhiễm môi trường, tiếng ồn trong khu vực khi máy bay lên xuống liên tục.
Tư vấn cũng chỉ ra 2 phương án xây dựng nhà ga hành khách về phía bắc hoặc phía nam. Ở phía bắc (khu vực có nhiều đất quốc phòng) sẽ có nhiều bất lợi là khai thác thiết bị không tối ưu, đi lại của hành khách giữa hai khu sẽ khó khăn, ảnh hưởng đường cất hạ cánh, gây tốn nhiều chi phí. Do đó, phương án tối ưu hơn là xây nhà ga hành khách ở phía nam để liên hoàn với khu vực nhà ga hiện có.
Cùng với đó, tư vấn đề nghị bổ sung nhiều vị trí đỗ, mở rộng nhà ga, sân đỗ về phía nam để tăng khả năng đỗ phương tiện; xây nhà nhà ga hàng hóa để đảm bảo vận chuyển một triệu tấn hàng hóa mỗi năm và khu bảo dưỡng máy bay ở phía bắc.
Phương án của công ty tư vấn khá giống với nhóm phương án thứ ba do Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC - Bộ Quốc phòng) nghiên cứu trước đây. Cụ thể là không xây mới đường cất hạ cánh, chỉ xây mới các nhà ga, sân đỗ, khu kỹ thuật ở phía bắc, phía nam và cả hai phía bắc nam của sân bay.
Phương án này nâng tổng công suất Tân Sơn Nhất lên 43-45 triệu hành khách mỗi năm trong khi chỉ phải giải phóng mặt bằng hơn 24 ha đất quân sự; tổng mức đầu tư khoảng 19.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng 2-3 năm.
Báo cáo Chính phủ việc mở rộng Tân Sơn Nhất trong tuần này
Phản biện nghiên cứu quy hoạch của công ty tư vấn,
TS Dương Như Hùng (Đại học Bách khoa TP HCM), cho rằng, dự báo của tư vấn chưa có cơ sở khoa học nên kết quả chưa tin cậy. Với mức độ tăng trưởng hàng không là 14% trong 10 năm qua, lưu lượng hành khách từ 44 triệu năm 2020 lên 51 triệu vào năm 2025 là "chưa chính xác và xa rời thực tế".
Ông Hùng cho rằng, một số nghiên cứu đã dự báo đến 2025 lưu lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất có thể tới 80 triệu lượt hành khách, phù hợp với các dự báo của Boeing, Hiệp hội hàng không quốc tế. "Trong kinh tế cần đo các chi phí và lợi ích. Nếu sân bay Tân Sơn Nhất phải hạn chế công suất sẽ gây ảnh hưởng việc đi lại của người dân, tốn kém hàng tỷ USD cho xã hội vì kẹt sân bay..." ông Dương Như Hùng nói.
Trái với quan điểm của ông Hùng, ông Nguyễn Bách Tùng, Tổng giám đốc Công ty thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC), nói:
"Chúng tôi khẳng định số liệu của tư vấn Pháp tương đối chính xác để tin tưởng được, gần giống như dự báo chúng tôi đã nghiên cứu".
Các khu đất xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất. |
Ông Tùng nhận định, tư vấn Pháp đề nghị xây dựng nhà ga về phía nam là chính xác vì phát triển lên phía bắc "cực kỳ phức tạp".
Ông Nguyễn Phú Hải, chuyên gia hàng không cũng cho rằng, phương án đề xuất của tư vấn nước ngoài là hợp lý song cần phân tích kỹ hơn về phân kỳ đầu tư đường lăn song song như thế nào; xem xét các vấn đề xung quanh như nhà ga hành khách, sân đỗ, khu bay với thứ tự ưu tiên tắc chỗ nào thì giải quyết trước. Ông Hải cũng ủng hộ công suất sân bay này nên dừng lại ở 50 triệu hành khách mỗi năm.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng nêu rõ, cơ quan này ủng hộ Bộ Giao thông nếu lấy đất quốc phòng để mở rộng sân bay, song lấy đất rộng quá sẽ ảnh hưởng an ninh quốc phòng. Ông cũng ủng hộ mở rộng sân bay theo phương án 3 đã được Bộ Giao thông nghiên cứu và đề nghị Bộ làm việc cụ thể với các cơ quan thuộc Bộ quốc phòng vì liên quan đến vị trí đóng quân.
Chốt cuộc họp, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, không thể để Tân Sơn Nhất tăng lưu lượng lên 70 triệu lượt hành khách vì sẽ ảnh hưởng tiếng ồn, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong khu vực sân bay. Tuy nhiên, đơn vị tư vấn cần đưa ra các nghiên cứu về ảnh hưởng tiếng ồn, ô nhiễm, "sẽ như thế nào nếu tăng công suất lên 70 triệu hay 100 triệu lượt khách, để qua đó Bộ giao thông báo cáo Chính phủ công suất tối đa của sân bay này, theo hướng đảm bảo cuộc sống bình thường của người dân".
Cũng theo ông Thể, đối với việc xây dựng nhà ga phía bắc hay phía nam, Tư vấn cần chứng minh ảnh hưởng đến đi lại của hành khách và vị trí chỗ đỗ máy bay...
Bộ trưởng Thể nói, các nghiên cứu của công ty tư vấn Pháp là ý kiến độc lập, không phụ thuộc tổ chức nào của Việt Nam mà dựa trên cơ sở khoa học. Trước khi báo cáo Chính phủ, tư vấn cần đề xuất phương án khả thi nhất, có chi phí thấp nhất.
Ông Thể cũng cho biết, Bộ Giao thông dự kiến báo cáo Chính phủ về quy hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ngay trong tuần này.
Tháng 10/2017, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông chủ trì thuê tư vấn chuyên ngành nước ngoài có đủ năng lực, kinh nghiệm để khảo sát, nghiên cứu đề xuất các phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cả về phía Bắc (khu vực sân golf) và phía Nam, nâng tổng công suất đạt khoảng 45-50 triệu hành khách/năm.