|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Từ năm 2022, hỗ trợ từ Taisho sẽ tác động rõ nét tới tình hình kinh doanh của Dược Hậu Giang

20:22 | 14/07/2020
Chia sẻ
Thời gian tới Taisho, công ty dược phẩm của Nhật đang là công ty mẹ của Dược Hậu Giang sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và sản xuất cho các công ty thành viên và đối tác của Taisho.

CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG) vừa có buổi gặp gỡ nhà đầu tư trước thềm ĐHCĐ. Ban lãnh đạo đã thảo luận về các vấn đề xoay quanh kết quả kinh doanh quý I/2020, kế hoạch cho năm 2020 và chiến lược kinh doanh trong dài hạn của DHG khi trở thành công ty con của Taisho.

Hiện công ty dược phẩm Nhật Bản đang nắm giữ 51% cổ phần của DHG.

Mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn năm 2020

Theo tài liệu ĐHCĐ, DHG đặt mục tiêu doanh thu trong năm 2020 giảm 1% (bao gồm mức tăng trưởng 2% của hàng tự sản xuất) và lợi nhuận trước thuế tăng 1% so với dự báo tăng trưởng 5% ban đầu.

Như vậy, với kế hoạch trên, doanh thu thuần hợp nhất DHG trong năm nay dự kiến là 3.866 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 720 tỉ đồng, gần như đi ngang so với năm 2019.

Giải thích cho việc đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn, DHG cho biết trong thời gian tới doanh nghiệp đang lên kế hoạch tái cơ cấu danh mục khách hàng và kiểm soát chặt chẽ vốn lưu động. Do đó, có thể tạm thời doanh số bán hàng có thể bị ảnh hưởng trong năm nay.

Dược Hậu Giang đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận khiêm tốn cho năm 2020 - Ảnh 1.

Dược Hậu Giang đặt mục tiêu doanh thu giảm 1%, đồng thời lợi nhuận trước thuế tăng 1% so với dự báo tăng trưởng 5% đặt ra trước đó. Ảnh: DHG.

Chứng khoán Bản Việt nhận định, kế hoạch kinh doanh thận trọng của DHG đến từ hai yếu tố.

Thứ nhất, nhu cầu tích trữ thuốc men diễn ra trong quý I sẽ dần quay về mức bình thường. 

Thứ hai, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tại Việt Nam đang gia tăng, cùng các quy định chặt chẽ liên quan đến việc bán thuốc kê đơn tại nhà thuốc, sẽ khiến kênh bán nhà thuốc có triển vọng tăng trưởng khiêm tốn trong phần còn lại của năm.

Quý I, DHG đạt doanh thu thuần 858 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kì năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thu về 177 tỉ đồng, tăng 30% so với kết quả quý I/2019.

Kênh bán nhà thuốc ghi nhận tăng trưởng khoảng 4% so với mức giảm 1% trong cả năm 2019. Doanh thu từ sản phẩm tự sản xuất của DHG trong quý I cũng tăng 17%.

Mức tăng trưởng được giải thích đến từ nhu cầu tích trữ trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát và giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn. Ngoài ra, động thái tích trữ của các nhà thuốc cũng củng cố mức tăng trưởng kinh doanh trong 3 tháng đầu năm.

Lợi nhuận tiếp tục được thúc đẩy bởi giá nguyên liệu đầu vào thuận lợi hơn so với quý I/2019, giai đoạn mà giá nguyên liệu đầu vào của DHG duy trì ở mức cao do các biện pháp bảo vệ môi trường tại Trung Quốc.

Taisho sẽ tác động rõ nét đến diễn biến kinh doanh từ năm 2022 trở đi

Điểm sáng trong kế hoạch hoạt động của DHG năm 2020 được Chứng khoán Bản Việt đánh giá cao đó là chiến lược nâng cấp công nghệ sản xuất, được hỗ trợ bởi Taisho và giảm sự phụ thuộc trong doanh thu đối với mặt hàng kháng sinh, thuốc giảm đau.

Về tay doanh nghiệp Nhật Bản từ cuối tháng 4/2019, tình hình kinh doanh của DHG vẫn chưa thực sự khởi sắc như những gì các nhà đầu tư kì vọng. Thậm chí DHG còn báo lãi quý III/2019 thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại.

Tuy vậy, ban lãnh đạo DHG vẫn bày tỏ hi vọng những hỗ trợ từ Taisho sẽ có những tác động rõ nét hơn đến tình hình kinh doanh doanh nghiệp từ năm 2022 trở đi.

Thời gian tới, Taisho sẽ hỗ trợ DHG trong xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và sản xuất cho các công ty thành viên và đối tác của Taisho.

Chẳng hạn, DHG có kế hoạch nâng cấp dây chuyền sản xuất thuốc an thần, tiểu đường, tim mạch và tiêu hóa theo tiêu chuẩn PMDA - tiêu chuẩn thực hành sản xuất dược phẩm của Nhật bản và là một trong các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất trên toàn cầu.

DHG kì vọng các sản phẩm này sẽ gia tăng đóng góp doanh thu từ 10% trong năm 2019 lên 20 - 30% trong vài năm tới.

Các sản phẩm thuốc này sẽ được xuất khẩu sang các thị trường hiện tại của Taisho cũng như tham gia vào quá trình đấu thầu trong kênh bán bệnh viện tại Việt Nam, vốn là khu vực có mức độ cạnh tranh cao hơn.

Trước đó, trao đổi với Forbes, ông Đoàn Đình Duy Khương - quyền Tổng giám đốc DHG cũng chia sẻ tham vọng doanh nghiệp không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa mà sẽ từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.

Mảng xuất khẩu dược phẩm của DHG chiếm 10% doanh thu hiện nay, theo ông Khương.

Ngoài ra, ban lãnh đạo DHG cho biết hai sản phẩm chủ lực thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau trong tương lai sẽ không còn là "con gà đẻ trứng vàng" cho doanh nghiệp nữa, với doanh thu giảm từ 55% trong năm 2019 xuống còn khoảng 30%.

Dược Hậu Giang hiện là doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp dược Việt Nam 22 năm liên tiếp về doanh thu, thị phần, năng lực sản xuất.

Mục tiêu chiến lược năm 2019 - 2023, Dược Hậu Giang sẽ là doanh nghiệp dược generic (thuốc sản xuất cùng công thức thuốc gốc nhưng giá rẻ hơn) lớn nhất Việt Nam, có kênh phân phối chuyên nghiệp, sâu, rộng và đa dạng nhất.

Về Taisho, hiện là công ty có thị phần OTC (bán hàng trực tiếp qua nhà thuốc) khá lớn ở Nhật Bản, chiếm hơn 13,5% thị phần. Ngược lại, thị phần kênh ETC (bán hàng qua đấu thầu, bán buôn) của đơn vị này lại khá khiêm tốn với khoảng 1% thị phần.

Thiên Trường