|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tự doanh gom gần 1.400 tỷ đồng tuần chao đảo, cổ phiếu nào là tâm điểm?

08:30 | 21/10/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam khép lại cuối bằng một phiên tăng điểm, VN-Index vẫn giữ được mốc 1.100 điểm. Trong tuần qua, bộ phận tự doanh tạo lực đỡ với giá trị mua ròng hàng nghìn tỷ đồng.

Ngưỡng chặn 1.100 điểm được nhà đầu tư quan tâm và thị trường diễn biến có phần tiêu cực hơn khi chỉ số áp sát mốc này và cho tín hiệu đi xuống. Theo dõi tuần qua, thị trường rơi vào trạng thái sợ buổi chiều, lực bán dồn dập sau thời điểm 14h00. Phiên ATC rơi bất ngờ ngày đầu tuần 16/10 kích hoạt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp, lấy đi 66,88 điểm của VN-Index.

Trong ngày cuối tuần, chỉ số giao dịch với biên độ rộng khi có lúc giảm hơn 14 điểm và kết phiên tăng 20,18 điểm. Đóng cửa tuần, VN-Index ở 1.108,03 điểm, mất hơn 4% so với cuối tuần trước đó.

Chứng khoán Việt Nam đảo chiều giảm lấy đi toàn bộ thành quả của nhịp hồi phục trước đó trong bối cảnh thị trường không có thông tin chú ý về mặt vĩ mô. Còn với doanh nghiệp, mùa báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy sự phân hóa, những ngành khởi sắc như chứng khoán, phân bón, công nghệ trong khi tình hình không mấy khả quan ở nhóm vật liệu xây dựng, thép, ngân hàng.

Sự suy giảm kết quả của nhóm ngân hàng là một tín hiệu cần quan sát bởi đây là ngành đóng góp nhiều nhất vào tổng lợi nhuận của thị trường. P/E thị trường có thể sẽ tăng mạnh nếu số lượng ngân hàng báo cáo mức giảm lợi nhuận hai con số không ngừng tăng lên như hiện tại.

 VN-Index có thời điểm mất mốc 1.100 điểm trong tuần 16 - 20/10. Nguồn: TradingView.

Về phần dòng tiền, tâm lý bi quan chi phối nhóm nhà đầu tư cá nhân khi chứng khiến lực bán ồ ạt trong thời gian giao dịch buổi chiều. Trạng thái tiêu cực được nhận thấy bằng hiện tượng bán quét lệnh MP khiến cổ phiếu nhanh chón giảm sàn ở những phiên giảm điểm.

Trạng thái đối lập, khối tự doanh công ty chứng khoán đóng vai trò nâng đỡ khi cá nhân trong nước và khối ngoại đẩy mạnh bán ròng. Báo cáo tài chính quý III cho thấy nhiều công ty chứng khoán đã chốt lời danh mục đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng giai đoạn thị trường thuận lợi.

Thống kê trong tuần (16 – 20/10), tự doanh mua ròng 1.374 tỷ đồng cổ phiếu trên toàn thị trường.

Trên sàn HOSE, ngoại trừ phiên rút ròng đầu tuần, tự doanh mua vào trong 4 phiên còn lại. Tổng giá trị mua ròng qua kênh khớp lệnh là 1.326 tỷ đồng trong khi bán thỏa thuận hơn 68 tỷ đồng. Trước đáo hạn phái sinh vào ngày (19/10), tự doanh mua đột biến phiên thứ Tư với giá trị mua khớp lệnh đạt hơn 1.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều tháng nay.

Trên HNX và UPCoM, tự doanh cũng mua ròng 86,6 tỷ đồng và 30,1 tỷ đồng.

 Thống kê giao dịch tuần 16 - 20/10. Nguồn: HL tổng hợp.

Thống kê giao dịch theo từng mã, cổ phiếu VPB của VPBank là tâm điểm của dòng tiền tự doanh khi được mua ròng hơn 440 tỷ đồng, tập trung qua kênh khớp lệnh. Lực cầu này giúp VPB giảm giá nhẹ trong tuần này.

Động thái mua ròng từ khối tự doanh diễn ra trong bối cảnh VPBank công bố kết quả kinh doanh đi xuống trong quý III với mức giảm lợi nhuận trước thuế hợp nhất 31% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, VPBank giảm 58% lãi trước thuế. Đây là xu hướng chung của các ngân hàng như BacABank, PG Bank, TPBank.

Cổ phiếu khác cũng được tự doanh mua ròng trăm tỷ là MWG với hơn 103 tỷ đồng tuần này. Trong đà giảm của thị trường, cổ phiếu HPG của Hòa Phát cũng mất giá 5,4%.

Theo sau đó, hai cổ phiếu trên HOSE được mua ròng trên 50 tỷ đồng là TCB, GMD. Những mã còn lại ghi nhận giá trị mua ròng 30 – 50 tỷ đồng như FPT, VCB, VIC, HDB.

Ở chiều bán ra, cổ phiếu FIR của Địa ốc First Real dẫn đầu với 67,53 tỷ đồng. Giao dịch bán mã này chủ yếu được thực hiện qua kênh thỏa thuận trong hai ngày 17/10 và 19/10. Với 4 phiên giảm và hồi phục cuối tuần, cổ phiếu FIR mất giá 8,3% tuần này. Xếp sau FIR, cổ phiếu PNJ và DGC bị rút ròng lần lượt 15,6 tỷ đồng và 11,7 tỷ đồng.

Các mã khác bị bán ròng dưới 10 tỷ đồng có DCM, NVL, PDR, SZC, MBB, LPB và REE.

Hoàng Linh

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.