|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Trương Văn Phước: Có thể giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất 1%, đề xuất tính lạm phát bình quân theo chu kỳ 4 năm

17:39 | 05/12/2021
Chia sẻ
TS. Trương Văn Phước gợi ý có thể giảm lãi suất điều hành của NHNN ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn,...Nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.

Tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: "Phục hồi và phát triển bền vững" diễn ra hôm nay (5/12), TS. Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, đại dịch COVID-19 là một sự kiện phi truyền thống, phi tiền tệ nên chính sách của các nước trên thế giới cũng rất khác thường. 

Giữa bối cảnh dịch bệnh, ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách tài khóa, đứng đằng sau đó là vai trò của hệ thống ngân hàng. Một trong những chính sách rất mới, theo ông là lần đầu tiên các ngân hàng trung ương đưa tiền ra mua các trái phiếu của các tổ chức và doanh nghiệp. 

TS. Trương Văn Phước: Có thể giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất 1%, đề xuất tính lạm phát bình quân theo chu kỳ 4 năm - Ảnh 1.

TS. Trương Văn Phước, Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. (Ảnh: NLĐ).

Với mức lạm phát đến cuối tháng 10 vẫn thấp (CPI dưới 2%, lạm phát cơ bản dưới 1%) và có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021, TS.Trương Văn Phước cho rằng có thể giảm lãi suất điều hành của NHNN ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn,... Nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.

Để giảm lãi suất, thông thường sẽ vận động các tổ chức tín dụng giảm chi phí. Tuy nhiên ông nhìn nhận chi phí không phải yếu tố quan trọng.

"NHNN phải giảm lãi suất bằng bộ chỉ tiêu điều hành chính sách tiền tệ", TS. Phước nhấn mạnh. Theo ông, vẫn còn đâu đó một số lãi suất có thể hạ trên quan điểm lãi suất thực dương của bộ lãi suất điều hành này so với lạm phát mà ước tính năm nay khoảng 2%.

"Chưa kể lãi suất thực dương của tiền gửi cũng như tiền vay so với lạm phát còn rất lớn. Đây mới là cái quan trọng bậc nhất trong hạ lãi suất", ông nói.

Ngoài ra, tái cơ cấu một số ngân hàng thương mại là nhân tố chính để giảm lãi suất. "Vì sao hệ thống ngân hàng bây giờ thanh khoản rất dồi dào nhưng vẫn cạnh tranh nhau lãi suất. Đó là vì một số vẫn thiếu thuốc và tìm cách mua thuốc với bất cứ giá nào để trị bệnh thanh khoản của mình", ông nêu quan điểm.

Nói thêm về lạm phát, TS. Phước nêu kinh nghiệm xu thế của nhiều nước là dùng lạm phát bình quân để đánh giá CPI. Ông đề xuất xem xét đánh giá theo chu kỳ 4 năm, lạm phát bình quân trung bình dưới 4% là được.

"Vì sao không chấp nhận lạm phát năm sau là 4,5%, năm 2023 là 3,6%, năm 2024 là 2,8%", ông nêu ví dụ và cho rằng việc này sẽ tạo khuôn khổ linh hoạt cho NHTW điều hành chính sách tiền tệ.

Chuyên gia cũng cho rằng, cần hỗ trợ chính sách tài khóa để có nguồn lực tài chính trong các gói kích thích, hỗ trợ.

Ông cũng đề xuất NHNN mua trái phiếu của Chính phủ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. NHNN mua trái phiếu trực tiếp trên thị trường phân cấp, NHNN thao tác trên thị trường thứ cấp thông qua OMO (thị trường mở).

Điều này giúp hỗ trợ cho ngân sách phát hành thành công trái phiếu, bơm thanh khoản cho thị trường, để có thể giúp tổ chức tín dụng mạnh dạn mua vào và bán ra. Có thể có thể kiểm soát cung tiền rất tinh vi, chính xác, kịp thời, từ đó kiểm soát được lạm phát.

Anh Đào