|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS Trần Đình Thiên: 'Kinh tế có thể tăng trưởng 10 - 20% nếu được tái cấu trúc'

10:34 | 15/01/2017
Chia sẻ
Tái cấu trúc mà chỉ "tháo gỡ" thì không đi đến đâu, TS Trần Đình Thiên cho rằng, đi vào bản chất, đổi mới phải là "thay đổi". Thay đổi cấu trúc tăng trưởng, tự khắc bước tăng trưởng sẽ dài hơn. Tăng trưởng không phải là 6% nữa, rất có thể là 10 - 20%.
ts tran dinh thien kinh te co the tang truong 10 20 neu duoc tai cau truc
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên. (Ảnh: VGP/Minh Ngọc).

Năm 2016 khó khăn nhất trong vòng 30 năm

Tôi cho rằng năm 2016 khó khăn nhất trong vòng 30 năm. Đặc biệt là câu chuyện nông nghiệp nông thôn năm vừa qua. Chưa có năm nào bi kịch như năm 2016. Hạn mặn đã diễn ra không phải một tai biến, tưởng như rủi ro theo kiểu hạn hán, thiên tai mấy tháng là xong nhưng không phải. Thực tế kinh khủng hơn nhiều, không dự đoán được và chưa có giải pháp kể cả mặt dài hạn. Điều này thay đổi toàn bộ cấu trúc phát triển của Việt Nam.

Như Đồng bằng sông Cửu Long sống dựa vào nước ngọt, nước ngọt ít xuống nước mặt lại dâng, khi đó phù san cả vùng đồng bằng bị kéo xuống, chẳng mấy chốc mà vỡ hết. Bi kịch ở chỗ nước mặn, nước biển cứ lấn dần, dâng dần. Nếu dâng một lần còn có thể chống đỡ được, từ từ như thế này là không thể.

Không chỉ là vấn đề sinh kế, nhưng điều kiện phát triển cơ bản cả một vùng xưa nay là trú phú, là miền đất hứa cũng thay đổi theo việc không thể chống đỡ được đó. Cần một cách đặt vấn đề khác, vẫn cứ tư duy theo logic phát triển đồng bằng như cũ thì sẽ chết.

Nên bi quan hay lạc quan về tăng trưởng

Sang năm tất cả câu chuyện tăng trưởng Việt Nam thách thức rất lớn. Tôi đã từng nói năm 2016 là năm khó khăn nhất trong vòng 30 năm, 5 năm tới còn khó khăn hơn. Tuy nhiên, tôi cho rằng áp lực cũng là chỗ để mình thay đổi.

Khách quan nhìn vào tôi phát biểu như vậy, không bi quan hay lạc quan gì. Nếu có, đáng bi quan là chưa biết mình sẽ xử sự với các thách thức như thế nào.

Năm 2016 có hai cái hay. Đó là các lãnh đạo quốc gia đã nghe chuyên đề về cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4. Việt Nam đã tiếp cận nhận diện cuộc cách mạng này, hiểu nguy cơ của nó khi các nước càng kém càng dễ bị ảnh hưởng. Chưa biết thay đổi như thế nào nhưng theo tôi chủ động nhận thức vấn đề như rất tốt.

Thứ hai, một vấn đề cực kỳ lớn trong năm qua đó là quyết định đề án mới về tái cơ cấu kinh tế và đổi mới nguồn lực. Tích cực ở chỗ sau 5 năm chúng ta đã dám thừa nhận cái cũ không làm được và quyết định thay đổi bằng cái mới. Cách đặt vấn đề như vậy rất tích cực, nhưng để thực sự khẳng định hiệu quả còn phải quan rà soát hành động. Nếu làm đúng tái cơ cấu kinh tế thì đừng lo chuyện tăng trưởng, tăng trưởng một phần do thị trường, làm tốt tái cơ cấu tăng trưởng sẽ tốt.

Tuy nhiên, tái cơ cấu kinh tế hiện nay không phải là tháo gỡ khó khăn như báo cáo năm nào cũng đề cập nữa. Đổi mới mô hình tăng trưởng bằng cách "tháo gỡ", gỡ rối và chỉnh sửa thì đi đến đâu, rối như vậy gỡ bao giờ cho xong? Phải mạnh dạn vứt cái cũ đi thay bằng cái khác, đó mới là logic của tái cơ cấu. Theo tôi đổi mới không phải là tháo gỡ, chỉnh sửa, đổi mới phải là thay đổi.

Chưa từng có trong lịch sử: Không hạ mục tiêu tăng trưởng

Năm 2016, Thủ tướng tuyên bố không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng khi biết chắc tăng GDP 6,7% không đạt, các chuyên gia dự báo chỉ khoáng 6,3 - 6,5%. Đây là một hành động chưa từng có trong lịch sử.

Không còn chuyện mỗi năm cứ 6 tháng Quốc hội họp rồi báo cáo, không hoàn thành chỉ tiêu vĩ mô lại xin Quốc hội hạ xuống. Cuối năm, thành tích vẫn luôn trọn vẹn dù tăng trưởng sụt giảm. Dẫn đến, những vấn đề cơ cấu dài hạn của Việt Nam không được đưa ra thảo luận. Việc chạy theo thách tích như vậy rất ngắn hạn.

Việt Nam đang chạy thi với thế giới nhưng vẫn vừa chạy vừa nhìn xuống chân mình sợ ngã, mà càng nhìn lại càng ngã. Thoát khỏi trò chơi nhìn theo ngắn hạn, chạy theo chủ nghĩa thành tích như vậy rất đáng biểu dương.

Chính phủ không điều chỉnh tăng trưởng nhưng tiếp tục vượt thách thức, đổi mới sáng tạo, đây là logic về tăng trưởng cho Việt Nam.

Việc tranh cãi 6,7% hay 6,3% không để làm gì, có chăng bao nhiêu phần trăm tăng trưởng để so với tăng của năm trước. Việc tăng bao nhiêu không phải là chuyện của Chính phủ mà là do thị trường tạo cơ hội. Cơ sở để tăng trưởng 6,7% ở đâu mới là điều quan trọng.

Tăng trưởng năm 2017 trông cậy vào đâu?

Trước nay động lực tăng trưởng của Việt Nam dựa vào đầu tư nước ngoài rất nhiều. Cơ sở để tăng trưởng Việt Nam ít. Như vậy, chỉ có thể cải cách đầu tư từ bên trong, tăng chất lượng đầu tư, còn về mặt lượng đầu tư không tiềm năng.

Vì vậy, Việt Nam cần cân nhắc khi lựa chọn nhà đầu tư. Không cần tiếp cận mời hét các nhà đầu tư nước ngoài, chỉ cần những nhà đầu tư lớn, chất lượng cao. Kể cả du lịch, cũng nên chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao, mời gọi và giữ chân khách du lịch "hạng nhất".

Thêm nữa, Việt Nam cần "chăm lo" cho các doanh nghiệp trong nước, thay vì dọn mặt bằng cho nước ngoài. Việt Nam cần hướng đầu tư cho phát triển bằng sáng tạo, bằng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn.

Lập luận sơ đồ tăng trưởng của chúng ta mới chỉ tính đến tốc độ mà chưa thay đổi cấu trúc. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6% hay không không quan trọng. Năm nay 6% nhưng quan trọng là năm sau có thể trở thành một Việt Nam khác nhờ tái cấu trúc. Nếu cứ bám EU, TPP các FTA và nguồn lực bên ngoài, Việt Nam chỉ có thể biến hóa được trong phút chốc. Nếu có vượt lên chỉ là khoảnh khắc ấy, còn bước tăng trưởng vẫn chỉ là 6%.

Thay đổi cấu trúc, làm khác mình đi, tự khắc bước đi sẽ dài hơn. Mỗi bước tăng trưởng không phải là 6% nữa, khi đó là 10 - 20%, rất có thể!

Thái Hoàng (ghi)

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.