TS Nguyễn Trí Hiếu: Dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm, hoạt động cho vay ngang hàng có thể sẽ gặp khó
Luật Đầu tư (sửa đổi) trong đó có qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Để có thể hiểu hơn về tác động của qui định này đến hoạt động cho vay và đòi nợ, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.
- Ông có đánh giá như thế nào về qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trong Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trước nhất, đây là quyết định của Quốc hội thì dĩ nhiên mình không thể thay đổi được nữa. Nhưng đứng trên quan điểm thực tế từ thị trường tài chính, tôi không ủng hộ quyết định này.
Việc đòi nợ thuê là hoạt động kinh doanh phổ biến trên toàn thế giới. Chúng ta không thể nào vì tín dụng đen, vì những cách đòi nợ thuê đầy bạo lực, thủ đoạn xã hội đen đe dọa con nợ... từ những nhóm đòi nợ thuê phạm pháp mà từ đó cấm loại hình kinh doanh này.
Tương tự trường hợp bán xe ô tô, không phải vì nhiều vụ tai nạn ô tô khiến chết người mà chúng ta không cho kinh doanh ô tô nữa. Trong thực tế, các công ty đòi nợ thuê còn là đối tác của các ngân hàng để đòi nợ một cách hữu hiệu.
Bởi vì khi ngân hàng hoặc các tổ chức kinh tế hay các cá nhân nếu cho vay mà không đòi được nợ, bên cạnh việc dùng những biện pháp tự thân như như tự đi đòi nợ (thu hồi tài sản bảo đảm nếu có tài sản thế chấp để cấn trừ nợ) thì có thể đưa ra tòa án. Khi ra tòa án thì các chủ nợ sẽ phải đối diện với các vấn đề án phí, thời gian tố tụng, thời gian thi hành án...
Điều này khiến quá trình thu hồi nợ không thể diễn ra nhanh chóng nếu không muốn nói là kéo dài. Trong thời gian ở Mỹ, chính những ngân hàng mà tôi làm việc cũng phải sử dụng những công ty bên ngoài đòi nợ thuê.
Những công ty này làm việc rất hữu hiệu bởi bên đó họ tuân thủ luật lệ rất tốt. Khi có một công ty đòi nợ thuê đến đòi nợ, thường các con nợ sẵn sàng trả nợ vì họ không muốn có những thiệt hại về tín dụng, họ cũng không muốn đưa nhau ra kiện cáo.
Những công ty đòi nợ thuê họ hiểu tâm lí của những con nợ như vậy nên họ không cần phải cử những người có xăm trổ đầy mình đến đe dọa hay tưới nước mắm, tạt sơn vào cửa nhà con nợ mà sử dụng những biện pháp rất hợp pháp, nhân văn để đòi nợ.
Những hoạt động cho vay nào sẽ bị ảnh hưởng?
- Thưa ông, liệu qui định này có thể tác động đến các hoạt động cho vay theo chiều hướng nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trong tương lai, khi không có công ty đòi nợ thuê nữa thì một hoạt động cho vay có thể sẽ khó khăn. Đó là cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending hoặc viết tắt là P2P). Đối với một người có tiền, mang tiền gửi ngân hàng để ngân hàng cho ai đó vay là điều rất bình thường.
Nhưng bây giờ là một người cho người khác vay thông qua một công ty kết nối ở giữa thì lại là giao dịch dân sự giữa người cho vay và người vay. Nếu bên vay mà xù nợ thì công ty kết nối không có trách nhiệm đi đòi nợ cho bên cho vay.
Bên cho vay sẽ phải tìm mọi cách để lấy lại tiền của mình. Nếu không có công ty đòi nợ thuê thì bên cho vay sẽ phải tự sử dụng mọi biện pháp để đi đòi nợ. Và đó sẽ là việc vượt khỏi khả năng nếu bên cho vay là cá nhân.
- Ngoài hoạt động cho vay ngang hàng thì còn những hoạt động cho vay nào khác có thể bị ảnh hưởng nữa, thưa ông?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết là nó ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động tín dụng của ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng. Tất cả các ngân hàng sẽ không thể nào sử dụng dịch vụ từ các công ty đòi nợ thuê để đòi nợ cho mình mà sẽ phải đào tạo những nhân viên của mình đi đòi nợ. Mà cái đó thì ngân hàng không chuyên nghiệp.
Vì người đòi nợ thuê được đào tạo về tâm lí, biết qui định của pháp luật một cách đầy đủ, chặt chẽ khi đi thu đòi nợ. Đó là vấn đề không chỉ liên quan đến vấn đề tiền bạc mà còn liên quan đến xã hội, vấn đề tâm lí và nhiều yếu tố khác.
Đối với các tổ chức phi ngân hàng chẳng hạn như các quĩ tín dụng, các công ty tài chính thì qui định này càng có ảnh hưởng tới họ. Trong thực tế, các công ty tài chính sử dụng rất nhiều dịch vụ từ các doanh nghiệp đòi nợ thuê bởi nhân viên của họ không phải là những người chuyên nghiệp trong việc đi thu hồi nợ.
Ngoài ra, qui định này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động cho vay giữa các cá nhân. Khi không còn công ty đòi nợ thuê thì các cá nhân phải tự đi đòi nợ.
Và từ đây có thể sẽ có những hiện tượng xã hội tiêu cực như chủ nợ kéo vài người khác đi nhằm tạo uy thế để có thể yêu cầu con nợ trả nợ. Trong thực tế thì đã có những trường hợp đi đòi nợ không được thì bắt nợ, vi phạm pháp luật.
"Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa"
- Ông có tin khi dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê bị cấm thì những hoạt động đòi nợ gây ác cảm với xã hội trước đây sẽ không còn nữa?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Bây giờ dịch vụ đòi nợ thuê bị cấm thì những hành động đòi nợ thuê có thể sẽ chuyển từ công khai thành không công khai. Vậy là thay vì mình có thể kiểm soát vì hoạt động đòi nợ thuê lộ diện thì bây giờ sẽ càng khó kiểm soát hơn khi hoạt động đó không công khai. Như vậy là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.
- Một số luật sư khi được hỏi về những hình thức đòi nợ khác có nhắc đến câu chuyện ủy quyền (có thù lao hoặc không có thù lao). Và dường như lúc này câu chuyện đòi nợ thuê lại diễn ra với một cái tên và hình thức khác...
TS Nguyễn Trí Hiếu: Nếu người được ủy quyền mà được hưởng thù lao của người cho vay thì đó không khác gì hình thức đòi nợ thuê. Và trong trường hợp đó, người được ủy quyền mà nhận được thù lao có thể sẽ phải đối diện với rắc rối pháp lí do qui định cấm đòi nợ thuê gây ra. Nó chỉ là vấn đề câu chữ trên hợp đồng ủy quyền.
Đối với trường hợp người được ủy quyền mà không nhận thù lao thì khi đó sẽ khác. Tuy nhiên, lúc này lại nảy sinh một vấn đề đó là kiểm soát việc người được ủy quyền đòi nợ có nhận thù lao hay không. Đó là việc không dễ dàng bởi hoạt động ủy quyền là một hoạt động mang tính dân sự.
- Tính từ thời điểm này cho tới khi Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực còn khoảng thời gian 6 tháng. Theo ông, khoảng thời gian 6 tháng tới có ý nghĩa như thế nào đối với những cá nhâ, tổ chức có thể chịu ảnh hưởng từ qui định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê?
TS Nguyễn Trí Hiếu: Thông thường những luật được ban hành thì sẽ có hướng dẫn cụ thể bằng các nghị định. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi để có hướng dẫn cụ thể hơn thì các tổ chức tín dụng phải chuẩn bị cho việc tự đi đòi nợ bằng chính nguồn lực của mình. Các ngân hàng sẽ phải có chương trình đào tạo nghiệp vụ đi thu hồi nợ chặt chẽ hơn.
Tất nhiên hiện nay các ngân hàng đều có các Công ty quản lí nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (Asset Management Company - AMC) phụ trách vấn đề thu hồi nợ nhưng họ cần được tăng cường về nhân lực, chuyên môn để đi xử lí những tình huống gay go hơn số lượng các tình huống phải đòi nợ cũng tăng lên.
Ngoài ra các tòa án cũng sẽ phải chuẩn bị cho việc thụ lí nhiều hơn các vụ kiện đòi nợ.
Xin cám ơn ông.