|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TS. Nguyễn Trí Dũng: 'Einstein mà viết Thuyết tương đối ở VN, chắc bản thảo cũng bị ném vào thùng rác!''

14:02 | 17/08/2016
Chia sẻ
Điểm yếu lớn nhất của người Việt là chỉ coi những cái nhìn được, cầm nắm được mới là cái có giá trị. Nếu Albert Einstein hay Isaac Newton viết sách ở Việt Nam, có lẽ bản thảo thuyết tương đối và thuyết vạn vật hấp dẫn cũng bị ném vào thùng rác vì bị cho là vớ vẩn, TS. Nguyễn Trí Dũng trải lòng.

“Hầu hết nền kinh tế lớn trên toàn cầu hiện này đều dựa trên giá trị trừu tượng”, TS. Nguyễn Trí Dũng – Chủ tịch Mạng lưới Hợp tác vì Phát triển Quốc tế (NICD) – cho biết tại hội thảo Quốc gia khởi nghiệp tổ chức cuối tuần trước.

Lấy ví dụ iPad – một sản phẩm của Apple, ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch CLB Doanh nhân Sáng tạo cho biết: Chỉ 1% giá trị của iPad từ phần gia công lắp ráp.

Trong khi đó, các hợp phần Thiết kế, Bản quyền phần mềm chiếm tỷ trọng cực cao trong cơ cấu giá thành.

Và nằm trong số 1% đó, Foxconn – nhà sản xuất lớn nhất của Apple tại Trung Quốc, năm 2014 đã đạt mức thu nhập ròng 4,106 tỷ USD.

Chiếm cấu phần cực lớn trong cơ cấu giá thành sản phẩm tại các nước phát triển, tuy nhiên, những giá trị trừu tượng này ở Việt Nam chưa được thực sự coi trọng.

“Điểm yếu lớn nhất của người Việt là chỉ coi những cái nhìn được, cầm nắm được mới là cái có giá trị. Nếu Albert Einstein hay Isaac Newton viết sách ở Việt Nam, có lẽ bản thảo thuyết tương đối và thuyết vạn vật hấp dẫn cũng bị ném vào thùng rác vì bị cho là vớ vẩn”, TS. Nguyễn Trí Dũng than thở.

Ông Dũng sinh năm 1948, đi du học Nhật Bản từ năm 1967. Ông về nước đã 30 năm và vẫn đang đau đáu với dự án mang tên “Giấc mơ Việt Nam”.

Khi ông Dũng bắt tay xây dựng mô hình trung tâm tư vấn liên kết chuyển giao công nghệ với tên “Vườn ươm giấc mơ Việt Nam”, mọi người đều nói ông sao mơ mộng trong khi thực tế, nền kinh tế trên toàn cầu hầu hết dựa trên những giá trị trừu tượng.

Giá trị trừu tượng này, dường như ở Việt Nam cũng có, nhưng phi thực tế. TS. Dũng lấy ví dụ chúng ta vẫn thường dạy con cái trên mặt trăng có cây đa, chú Cuội, chị Hằng… mà không hướng con trẻ vào những cái thiết thực hơn.

Và ông cho rằng: Phàm người Việt nói chung, lý luận để không làm lớn hơn lý luận để làm. Và nền giáo dục của chúng ta trước nay là học để học chứ không phải học để làm.

“Chúng ta vẫn luôn thừa thầy, thiếu thợ”, ông Dũng nhấn mạnh

Hãy mơ một giấc mơ Việt Nam

ts nguyen tri dung einstein ma viet thuyet tuong doi o viet nam chac ban thao cung bi nem vao thung rac

Ảnh minh họa. Nguồn: Vietkey Travel.

Sinh sống và làm việc ở Nhật Bản 49 năm, ông Dũng kể: Có những em sinh viên học ở một trường nông nghiệp Việt Nam được đưa qua Nhật giao lưu. Đến khi giao lưu, trong khi sinh viên Nhật xuống ruộng trồng trọt, sinh viên Việt Nam vẫn đứng trên bờ vì cho rằng mình học để làm kỹ sư, không phải để làm nông dân.

“Vấn đề này ở đâu ra? Tư duy này nằm ở đâu? Ai chịu trách nhiệm về vấn đề này? Không phải vấn đề ở các em, mà xã hội, kể cả cha mẹ, nền giáo dục đã dạy các em những tư tưởng như “sỹ - nông – công – thương”, tức ta là trí thức, ta chỉ phán, chỉ phê bình, còn làm kệ người khác…”, ông Dũng bình luận.

“Đất nước này tương lai sẽ như thế nào? Ttôi vẫn thường nói với các em hoặc người cùng tuổi với tôi: Có lẽ mỗi chúng ta nên có một giấc mơ Việt Nam và cố gắng cả cuộc đời xây dựng giấc mơ như chúng ta mong muốn. Như vậy, chắc chắn tương lai của dân tộc này không thể yếu hèn”.

Nếu ví sự phát triển của một đất nước như một bài toán, sự phát triển của Việt Nam là một bài toán khó hơn, có nhiều ẩn số hơn, nhiều vấn đề khó khăn hơn. Nhưng đã là người làm toán phải giải được các ẩn số đó.

“Đời tôi không giải được thì đời tiếp sẽ giải được. Tôi tin chúng ta sẽ làm được rất nhiều nếu chúng ta có đủ quyết tâm”, TS. Dũng nói.

Báo Anh: Việt Nam có thể vượt lên thành con hổ mới của châu Á hay không, hoàn toàn trông chờ vào thời khắc này đây

Theo Bảo Bảo

Cafebiz/ Trí Thức Trẻ