|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TS. Nguyễn Đình Cung: 'Xử lý doanh nhân sai phạm nên tách biệt với doanh nghiệp'

14:11 | 12/10/2022
Chia sẻ
Theo TS. Cung, cách tiếp cận trong xử lý sai phạm của các doanh nhân hiện nay vẫn chưa tách bạch giữa người quản lý, chủ doanh nghiệp với công ty đó. Đây là hai thực tế pháp lý hoàn toàn khác nhau về trách nhiệm hay pháp lý.

Tại talkshow "Doanh nhân Việt: Những trái tim dũng cảm" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 12/10, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế (CIEM) cho rằng, một số vụ việc sai phạm của các doanh nhân trong thời gian vừa qua gây ảnh hưởng rất lớn đến cả nền kinh tế, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, thị trường tài chính.

Theo TS. Cung, cách tiếp cận trong xử lý sai phạm của các doanh nhân hiện nay vẫn chưa tách bạch giữa người quản lý, chủ doanh nghiệp với công ty đó. Đây là hai thực tế pháp lý hoàn toàn khác nhau về trách nhiệm hay pháp lý. 

"Với những sai phạm của cá nhân thì cần xử lý cá nhân đó chứ không nên gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Việc 'phanh gấp' hoạt động của doanh nghiệp khiến rất nhiều nhà đầu tư, đối tác, người tiêu dùng có liên quan chịu thiệt hại", ông Cung nói.

Nguyên Viện trưởng CIEM cũng nhìn nhận, tài sản của doanh nghiệp là của công ty chứ không phải gắn với doanh nhân. Không nên gắn trách nhiệm của cá nhân lên các doanh nghiệp.

Đồng quan điểm với TS. Cung, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cũng cho rằng, nếu xử lý doanh nhân thì nên tách bạch với hoạt động của doanh nghiệp. Sai phạm của một vài cá nhân thì không nên gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp với hàng nghìn lao động.

Ông Đoàn nêu dẫn chứng, ở Hàn Quốc, Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung phải ngồi tù nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. "Đừng huỷ hoại một doanh nghiệp rất lớn bởi sai phạm của một số cá nhân khi mà phải mất cả chục năm mới xây dựng được doanh nghiệp quy mô lớn như vậy", ông Đoàn nói.

Vì sao doanh nghiệp không chịu lớn?

Đánh giá về đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân của Việt Nam, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, đến thời điểm này, vị thế kinh tế và vai trò trong nền kinh tế của khối doanh nghiệp tư nhân đã vượt xa 20, 30 năm trước. Doanh nghiệp tư nhân giờ đây đã trở thành động lực quan trọng mà thậm chí là động lực chủ yếu cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lượng doanh nghiệp lớn vẫn rất ít ỏi, 96% là doanh nghiệp nhỏ vừa và nhỏ. Nhìn sang các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc, sau 30 phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân họ đã có hàng chục tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia. Còn hiện nay Việt Nam mới chỉ xuất hiện tỷ phú chứ chưa có công ty đa quốc gia, ông Cung chỉ ra.

 TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế (CIEM). (Ảnh chụp màn hình). 

TS. Cung cho rằng, trên thực tế nhiều rào cản khiến doanh nghiệp không lớn được và không muốn lớn.

Theo nguyên Viện trưởng CIEM, hệ thống pháp luật vẫn còn nhiều điểm bất cập, hiện nay ngoại trừ Luật Doanh nghiệp xây dựng theo hướng "chọn bỏ" các luật khác đều tiếp cận theo hướng "chọn cho" nghĩa là pháp luật cho phép điều gì thì mới được làm điều đó.

Mà trong quá trình thực thi kinh doanh của doanh nghiệp hầu hết đều có vi phạm, không vi phạm Luật thì Thông tư, Nghị định,... Doanh nghiệp càng lớn, càng đa dạng thì doanh nghiệp rủi ro càng nhiều, TS. Cung nói.

Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp "không muốn lớn" vì lo ngại sẽ gặp phải thanh tra, kiểm tra càng nhiều và phát sinh nhiều rủi ro. Một số ít các doanh nghiệp "muốn lớn" thì họ không huy động đủ nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực,...để phát triển nhanh. Khi không tận dụng được cơ hội thì doanh nghiệp khó có thể phát triển được, ông Cung cho hay.

Trước đây, hệ thống cơ chế tiếp cận theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ khu vực yếu thế nhưng nếu muốn phát triển trong một giai đoạn ngắn thì phải hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng nhanh những ngành nghề có tiềm năng tăng trưởng nhanh để họ bứt phá lên một ngưỡng mới. Do đó, ngoài việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mà cũng cần thay đổi cách hỗ trợ từ xin cho thành đồng hành với doanh nghiệp.

Với doanh nghiệp lớn, Nhà nước nên tìm cách đi cùng hoặc hỗ trợ, thúc đẩy thay vì chỉ giám sát. Nếu khu vực công đã có tư duy giám sát thì sẽ tạo ra rào cản hơn là sự phát triển của doanh nghiệp. Cơ chế xin cho cũng là vấn đề đáng lưu ý khi các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của luật pháp để tranh thủ nguồn lực.

"Nếu không có sự tiếp tay từ một số quan chức liên quan thì làm sao các doanh nghiệp này có thể sai phạm được như vậy", TS. Cung nói.

 Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái. (Ảnh chụp màn hình).

Nền kinh tế chỉ toàn "toa tàu" thì khó mà đi nhanh được

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái thì cho rằng, việc xây dựng các doanh nghiệp lớn cũng giống như những đầu tàu, còn hiện nay chúng ta chỉ toàn toa tàu thì khó có thể đi nhanh và đi xa được.

Nếu không có những chiến lược "đi tắt đón đầu" thì Việt Nam khó mà vượt qua các quốc gia đi trước được. Dù vậy, hiện cũng có nhiều tập đoàn tư nhân đang phát triển khá tốt và lớn mạnh, việc Việt Nam có 7 tỷ phú USD là minh chứng phần nào cho sự phát triển đó.

Tuy nhiên, dù là tập đoàn Nhà nước hay tư nhân thì đều nên có sự giám sát của Nhà nước, xem xem là các tập đoàn đó có đang phát triển tốt không, phát triển có bền vững hay không,...Nhà nước cũng cần đối thoại với doanh nghiệp, định hướng, quy hoạch để tránh tình trạng "quân ta đánh quân mình" cũng như đồng hành tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã đạt quy mô khá lớn, họ cũng rất muốn đầu tư ra nước ngoài, phát triển thành công ty đa quốc gia. Nhưng để làm được điều đó cần sự hỗ trợ từ khu vực Nhà nước.

"Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Nhà nước cũng cần minh bạch, rõ ràng, công bằng chứ không có yếu tố thiên vị thì mới hạn chế việc doanh nghiệp ỷ vào cơ chế xin cho để phát triển lệch lạc, vi phạm pháp luật", ông Đoàn nhìn nhận.

Hạ An