Chuyên gia: Không cần quá lo ngại về dự trữ ngoại hối, dòng vốn ngoại vẫn đang chảy vào Việt Nam
Trong năm 2022, các đồng tiền trên thế giới chịu áp lực mất giá khi đồng USD tăng giá mạnh. Đồng euro đã mất 20 - 30% giá trị kể từ đầu năm trong khi các đồng tiền trong khu vực Đông Nam Á mất giá khoảng 10 - 12%. VND là một trong những đồng tiền mất giá thấp nhất so với USD, khoảng gần 5% so với đầu năm.
Theo nhận định của giới chuyên gia, kiểm soát và ổn định tỷ giá là mục tiêu cấp thiết trước mắt của nhà điều hành chính sách tại Việt Nam.
Trước những căng thẳng kéo dài về tỷ giá hối đoái, Ngân hàng Nhà nhước (NHNN) đã bán một lượng USD đáng kể được từ dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá trong nước.
Báo cáo từ VinaCapital và ACBS ước tính NHNN đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 giảm mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam xuống mức 89 - 90 tỷ USD, tương đương với giá trị nhập khẩu khoảng 3 tháng.
Còn theo ước tính của công ty dữ liệu WiGroup, dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã giảm từ 110 tỷ USD xuống còn 87 tỷ USD, chạm ngưỡng an toàn.
Dự trữ ngoại hối vẫn ở ngưỡng an toàn
Phân tích về những động thái này của NHNN, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nguyên tắc điều hành chung là có thể bán dự trữ ngoại hối để can thiệp khi cần thiết nhằm mục tiêu ổn định tỷ giá.
Trong thời gian qua, NHNN đã làm rất tốt vai trò này, kể từ đầu năm đến nay, NHNN ước tính đã bán khoảng 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối, phần còn lại hiện vẫn ở ngưỡng an toàn trên 3 tháng nhập khẩu.
"Theo khuyến cáo của IMF, dự trữ ngoại hối ở mức bằng 3 tháng nhập khẩu đã là ngưỡng an toàn, nếu giá trị dự trữ trên mức này, Việt Nam không cần quá lo lắng", TS. Cấn Văn Lực nói.
Vấn đề ổn định tỷ giá rất quan trọng trong giai đoạn này, để giữ VND neo theo giá USD, bán ngoại tệ là một biện pháp cần thiết. Năm nay, vấn đề tỷ giá rất quan trọng và tương đối nóng, có những đồng tiền mất giá từ 18-20%, yen Nhật và euro là hai đồng tiền lớn mất giá kỷ lục.
VND hiện đang mất giá thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực, đây là thành quả nhờ sự kiểm soát tương đối tốt của chính sách tiền tệ.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cũng cho rằng về mặt lợi ích, giữ ổn định tỷ giá mang đến lợi ích cho nhóm thương mại xuất nhập khẩu, với khoảng 70% là giao dịch bằng đồng USD. Mặt khác, việc tuyên bố giữ ổn định tỷ giá cũng sẽ giúp giảm bớt nhu cầu đầu cơ vào đồng USD đang có xu hướng tăng mạnh.
Tuy nhiên, mặt khác chính sách này cũng sẽ có điểm khó khăn. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đối diện với áp lực chi phí tăng lên, đặc biệt là những doanh nghiệp vay ngoại tệ.
Dù vậy, ông Thịnh cho rằng không cần quá lo ngại về khả năng can thiệp vì khi thị trường ổn định thì nhu cầu tích trữ sẽ giảm, doanh nghiệp xuất khẩu cũng không giữ lại USD nữa mà bán cho ngân hàng, từ đó cũng giảm nhu cầu can thiệp từ phía cơ quan quản lý. Ngoài ra, tỷ giá ổn định cũng giúp thu hút đầu tư nước ngoài, tăng nguồn cung ngoại tệ.
Dòng vốn ngoại sẽ vẫn chảy vào Việt Nam
Chia sẻ tại Hội nghị nhà đầu tư 2022, Kinh tế trưởng VinaCapitalMichael Kokalari cho hay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt đỉnh ở mức 30% GDP vào cuối năm 2021 và một số nhà kinh tế am hiểu đã đưa ra ước tính "kỷ lục" rằng lượng USD ở Việt Nam nằm ngoài hệ thống ngân hàng có thể trên 20%/GDP, theo báo Đầu tư.
Chuyên gia của VinaCapital phân tích NHNN có dự trữ ngoại hối dồi dào để cho phép các doanh nghiệp khu vực tư nhân ở Việt Nam trả các khoản nợ bằng USD và có một lượng USD bổ sung đáng kể ở Việt Nam bên ngoài hệ thống tài chính chính thức.
Nợ nước ngoài của Việt Nam được báo cáo là khoảng 30%/GDP, nhưng VinaCapital cho rằng, khoảng một nửa trong số này là do Chính phủ nợ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức tài chính phát triển quốc tế khác.
"Bên cạnh đó, việc lãi suất huy động VND cao hơn sẽ khuyến khích USD chảy trở lại hệ thống ngân hàng. Điều này cuối cùng sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước xây dựng lại quỹ dự trữ ngoại hối", ông Michael Kokalari chỉ ra.
Nhiều ngân hàng hàng đầu Việt Nam hiện đưa ra mức lãi suất huy động kỳ hạn một năm trên 8%, mà một số người gửi tiết kiệm coi đây là một giải pháp thay thế hấp dẫn để chuyển tiền gửi tiết kiệm vào thay vì thị trường chứng khoán.
Do đó, ông Michael Kokalari kỳ vọng, dự trữ ngoại hối sẽ ổn định quanh mức hiện tại trong năm nay do USD tiếp tục chảy vào Việt Nam thông qua dòng vốn FDI (khoảng 5% GDP), thông qua kiều hối (4%/GDP), và thặng dư thương mại của Việt Nam (xấp xỉ2%/GDP) và do các biện pháp can thiệp khéo léo của NHNN vào thị trường tiền tệ.
Liên quan đến việc quản lý ngoại hối vay và trả nợ của các doanh nghiệp, ngày 7/10, Ngân hàng Nhà nước (NNHN) đã ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp.
Trong đó quy định, kể từ ngày 15/11 các khoản vay phải thực hiện đăng ký với NHNN bao gồm: Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài; Khoản vay ngắn hạn được gia hạn thời gian trả nợ gốc mà tổng thời hạn của khoản vay là trên 1 năm; Khoản vay ngắn hạn không có thỏa thuận gia hạn nhưng còn dư nợ gốc (bao gồm cả nợ lãi được nhập gốc) tại thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp bên đi vay hoàn thành thanh toán dư nợ gốc nói trên trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ thời điểm tròn 1 năm tính từ ngày rút vốn đầu tiên.
Trường hợp bên đi vay phải đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài với NHNN nếu thay đổi bất kỳ nội dung nào liên quan đến khoản vay được nêu tại văn bản xác nhận đăng ký, văn bản xác nhận đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của NHNN.