TS. Nguyễn Đình Cung: 'Phải nhìn thẳng vào thực tế chứ không nhìn vào các con số để biết thách thức và cơ hội'
Phân tích về bối cảnh kinh tế 10 tháng đầu năm tại tọa đàm "Giải pháp tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - đầu năm 2024" do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 3/11, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, so sánh với quốc tế, năm nay khu vực Đông Á tăng trưởng GDP bình quân khoảng 5%; Ấn Độ, Bangladesh… tăng hơn 6%.
"Với Việt Nam, nếu muốn tăng trưởng kinh tế đạt 5% thì quý IV phải tăng trưởng GDP 7-8% nhưng với thực trạng như hiện nay rất khó đạt được", ông đánh giá.
Nhìn vào các động lực tăng trưởng, xuất khẩu của Việt Nam rõ ràng là chưa bao giờ giảm sâu và kéo dài như bây giờ dù một số ngành đã có khởi sắc nhưng đến giờ vẫn suy giảm 4,2% so với năm ngoái.
Hiện tại, tình hình có cải thiện nhưng tốc độ và quy mô chưa ổn định, không đồng đều và cũng chưa thể bứt phá lên so với trước. Nguyên nhân chủ yếu do khó khăn bên ngoài, đặc biệt là những nước khách hàng châu Âu suy giảm nhiều so với trước, Trung Quốc cũng tương tự…
"Không kiểm soát được các yếu tố bên ngoài nên chúng ta phải thích nghi, tận dụng cơ hội thị trường dù là mong manh, sơ khởi nhưng sang năm kỳ vọng sẽ tốt hơn. Phải nhìn thẳng vào thực tế chứ không nhìn vào các con số để biết được thách thức và cơ hội", ông nói.
Về tiêu dùng, dù được xem là cứu cánh của động lực tăng trưởng nhưng vẫn còn nhiều khó khăn cần phải xử lý. Trong tiêu dùng, bán lẻ là chủ yếu nhưng lại đang có xu hướng suy giảm. Mấy tháng đầu năm bán lẻ tăng trưởng 15-17% nhưng gần đây chỉ còn tăng 11-12% và giờ đà tăng trưởng đang tiếp tục suy giảm, cho thấy nếu đây là động lực thì động cơ đang yếu. Do đó, cần phải làm gì để tăng động cơ, cải thiện để chạy nhanh hơn chứ không dưới góc nhìn cứu cánh để bằng lòng…
Trong khi đó, đầu tư FDI đang tiếp tục lấn lướt khu vực trong nước. Hiện doanh nghiệp FDI chiếm tới 75% kim ngạch xuất khẩu, hơn 50% giá trị công nghiệp và nếu ngành bán lẻ họ cũng "lấn sân" nữa thì cần phải suy nghĩ, TS. Cung nêu vấn đề.
Dù vậy, cũng có những điểm tích cực trong bức tranh kinh tế. Theo nguyên Viện trưởng CIEM, Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và trong quá khứ những lần thiết lập mốc quan hệ mới đều có sự bùng nổ tích cực mang đến hy vọng xuất khẩu năm tới sẽ cải thiện hơn so với năm nay.
Sản xuất công nghiệp năm tới cũng được dự báo sẽ phục hồi nhẹ. Du lịch có cải thiện mức độ năm nay đón khoảng 12-13 triệu lượt khách quốc tế và năm sau khoảng 15-16 triệu lượt khách quốc tế.
Giải ngân vốn đầu tư công sẽ tiếp tục nhưng khó có đột biến. Năm nay, TP HCM có Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù nhưng thực thi cũng không phải dễ, cần nỗ lực.
Để đối phó với những thách thức trên, theo chuyên gia vẫn tiếp tục phải hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
"Chúng ta biết Chính phủ và Quốc hội đang bàn kéo dài chương trình hỗ trợ đến năm 2024 nhưng riêng tôi hy vọng sẽ kéo dài tới 2025 để tạo ra một niềm hứng khởi, tạo luồng gió thúc mọi người tiêu dùng nhiều hơn. Tôi vẫn mong muốn có chương trình hỗ trợ cho dịch vụ, du lịch, cần vực dậy ngành nghề này vì đây rất quan trọng đóng góp vào GDP", ông nói.
Về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, theo ông Cung không nên ra nghị quyết chung mà cách tiếp cận là cắt bỏ, chứ không phải đơn giản hóa, phải "điểm mặt, chỉ tên" những quy trình đang gây khó khăn.
"Tôi mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ liệt kê ra khỏi 5-10 vấn đề đang là bức xúc nhất, cản trở nhất của người dân và doanh nghiệp, và giao cho đơn vị cụ thể, tạo áp lực để giám sát, cải thiện để thay đổi", chuyên gia kiến nghị.