|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TS. Lê Xuân Nghĩa: Nếu không hành động kịp thời, thị trường BĐS sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn

14:40 | 27/11/2024
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng nếu không tháo gỡ kịp thời các vướng mắc liên quan đến pháp lý, thủ tục hành chính... thì thị trường bất động sản sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, các cơ hội đầu tư và phát triển bị bỏ lỡ.

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Thị trường bất động sản đang có những thay đổi tích cực hơn trong thời gian gần đây, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số bất cập.

Tại Diễn đàn "Phát triển bền vững thị trường bất động sản" diễn ra sáng nay,  TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, đặc biệt là hàng loạt dự án "đắp chiếu" kéo dài, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và ảnh hưởng tiêu cực đến người dân lẫn doanh nghiệp. Tình trạng này không chỉ gây thiếu hụt nhà ở mà còn làm suy giảm cơ hội việc làm.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan quản lý đã có những động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn, hiện Hà Nội đang tiến hành rà soát toàn bộ các dự án đang gặp vướng mắc để tìm ra phương án giải quyết.

Chuyên gia cho rằng, việc cần thiết nhất hiện nay là xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý, quản lý và thủ tục hành chính...

"Thị trường bất động sản vốn liên quan đến nhiều luật, từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, đến Luật Kinh doanh Bất động sản. Do đó, một Nghị quyết Quốc hội, hoặc Quốc hội có thể ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Nghị quyết sẽ tạo ra khung pháp lý cần thiết để giải quyết triệt để các bất cập hiện tại.

Đây không chỉ là niềm hy vọng của các doanh nghiệp bất động sản mà còn là lời giải cho bài toán nhà ở cho hàng triệu người dân. Nếu không hành động kịp thời, thị trường sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, các cơ hội đầu tư và phát triển bị bỏ lỡ”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vị này chia sẻ thêm, với việc Luật Đất đai có hiệu lực, sắp tới thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới nhờ các quy định thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng lớn như đường sắt cao tốc hay việc mở rộng mạng lưới đường bộ và đường sắt sẽ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ, góp phần hình thành nhiều đô thị, mở ra những cơ hội đầu tư bất động sản trong tương lai.

"Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng bất động sản luôn có tính chu kỳ và dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị. Do đó, các nhà đầu tư cần xây dựng chiến lược dài hạn và luôn chú trọng đến các yếu tố chính trị, pháp lý", chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV cho rằng Quốc hội cần ban hành Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản, trước mắt là triển khai thí điểm tháo gỡ 30% các dự án vướng mắc, sau đó sẽ mở rộng phạm vi triển khai.

“So sánh hai thị trường bất động sản lớn là Việt Nam và Trung Quốc, có thể thấy Trung Quốc đang rơi vào tình trạng dư cung, trong khi đó, Việt Nam lại ở trạng thái thiếu cung và dư cầu. Khi kinh tế phục hồi, thu nhập của người dân tăng và giá bất động sản trở nên hợp lý, thị trường của Việt Nam sẽ nhanh chóng ổn định và phát triển trở lại.

Đáng nói, trong năm qua, các doanh nghiệp lớn gặp khó khăn bị phá sản ở Trung Quốc chủ yếu là doanh nghiệp Nhà nước, còn ở Việt Nam, phần lớn doanh nghiệp bất động sản là tư nhân, do đó việc tháo gỡ vướng mắc sẽ linh hoạt và nhanh hơn nhờ sự chủ động từ phía các doanh nghiệp”, ông Lực nhận định.

Nguyễn Lê

[Infographic] Toàn cảnh bức tranh kinh tế 2024: GDP tăng 7,09%, thu ngân sách hơn 2 triệu tỷ đồng
Năm 2024 đã cho thấy sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế với nhiều lĩnh vực đạt kết quả ấn tượng như: tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và thu ngân sách Nhà nước lập kỷ lục, IIP tăng cao nhất trong 5 năm, khách du lịch quốc tế gần bằng thời điểm trước đại dịch COVID-19,...