TS Lê Đăng Doanh: ‘Anh Khải là Thủ tướng kỹ trị, Thủ tướng chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam’
[Ảnh] Những dấu ấn Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trên chính trường | |
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và những dấu ấn với đổi mới, phát triển kinh tế Việt Nam |
Như VietnamFinance đã thông tin, ngày 21/2, sau thời gian điều trị tại Singapore, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã được chuyển về nước điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. HCM).
TS Lê Đăng Doanh, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương |
Hiện nguyên Thủ tướng đang được điều trị tại bệnh viện với sự hỗ trợ, chăm sóc tích cực của các y bác sĩ hàng đầu. Mọi diễn tiến về tình hình sức khỏe của nguyên Thủ tướng đang được theo dõi, chăm sóc với hy vọng tốt nhất.
Dư luận trong nước những ngày này đang dành sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của nguyên Thủ tướng, cũng như đang nhìn nhận, đánh giá những công lao to lớn của ông đối với nền kinh tế Việt Nam.
Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, người có thời gian làm việc lâu năm với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với vai trò thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, để có một cái nhìn gần hơn, rõ nét hơn về vị Thủ tướng đã để lại nhiều di sản quan trọng cho đất nước.
- Là người làm việc lâu năm và thân thiết, ông có cảm nhận và đánh giá như thế nào về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải?
TS Lê Đăng Doanh: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người Thủ tướng kỹ trị, là Thủ tướng chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975. Ông khác hẳn với các đời Thủ tướng tiền nhiệm như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng hay Võ Văn Kiệt – những người có quá trình tham gia chiến đấu rất lâu dài và có uy tín lớn.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người được đào tạo bài bản tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov của Liên Xô. Sau tốt nghiệp, ông về làm tại Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức Trưởng phòng. Sau đó, ông vào làm Ban kinh tế của Trung ương Cục, đi B và sau năm 1975 thì làm việc tại Ủy ban Kế hoạch của TP. HCM rồi sau lên làm Chủ tịch thành phố.
Thời gian kế tiếp, ông đảm nhiệm chức Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ. Ở cương vị này, ông là người đã cải tổ lại Tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và xây dựng nên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng của ông trong 9 năm trời.
Chúng ta đều biết khi ông nhậm chức, kinh tế Đông Nam Á đang lâm vào khủng hoảng tài chính (1997), gây áp lực rất lớn lên Việt Nam. Chúng ta còn nhớ bấy giờ đồng baht của Thái Lan mất giá gần 100% (từ 25 baht/USD lên 50 baht/USD) và họ phải nhờ đến IMF nhưng nền kinh tế của chúng ta đã giữ được sự ổn định và tăng trưởng.
Tôi cho rằng đặc điểm lớn nhất của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là ông hết sức quan tâm đến sự ổn định của nền kinh tế, quyết định nào cũng được tính toán rất kỹ lưỡng.
- Đâu là những di sản quan trọng của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải?
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có cống hiến lịch sử là trình Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra Quốc hội. Đấy là luật giải phóng cho kinh tế tư nhân.
Trước kia theo Luật Công ty 1990 thì doanh nghiệp muốn thành lập phải có chữ ký của Chủ tịch tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương. Hồi đấy ông Đinh Hạnh làm Phó chủ tịch Hà Nội thường dành riêng chiều thứ 7 để họp. Mỗi chiều, ông thông qua được 2 doanh nghiệp. Như vậy mỗi năm, Hà Nội chỉ cho ra đời được 104 doanh nghiệp tư nhân.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, theo kiến nghị của chúng tôi, đã cho thực hiện quyền tự do kinh doanh, tức là người công dân được quyền đăng ký và theo đúng quy định thì người ta đương nhiên được kinh doanh, tức là bỏ quyền của Chủ tịch tỉnh.
Thế nhưng Luật này khi được ban hành thì các Bộ chẳng ai thực hiện cả. Ban Nghiên cứu, lúc đó Trưởng ban là anh Trần Đức Nguyên, đã trình với anh Khải cho lập Tổ công tác của Thủ tướng và giao cho Tổ ấy đi đôn đốc, kiểm tra các Bộ, làm rõ lý do vì sao lại không thực hiện. Tổ công tác đấy do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá làm tổ trưởng, tôi làm Tổ phó thường trực.
Chúng tôi đi khảo sát và phát hiện ra trong nền kinh tế có 560 - 580 giấy phép con. Chúng tôi trình lên và anh Khải đã ký quyết định giấy hủy 268 giấy phép đấy, bằng khoảng 50% tổng số giấy phép. Như vậy là anh Khải đã cắt nguồn thu bất chính của các Bộ rất nhiều.
Điều đó làm cho kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích sự sáng tạo và sự năng động của người dân. Và kinh tế lúc bấy giờ đã có bước phát triển mạnh, người dân cảm thấy thoải mái, họ cảm thấy được tự giải phóng. Như vậy có thể thấy rõ anh Khải là người cải cách, tin vào người dân và biết được thực tế cuộc sống.
Điều thứ hai anh Khải hết sức coi trọng và rất muốn là thực hiện kinh tế thị trường, kiểm soát độc quyền. Anh lập Ban nghiên cứu và khác với anh Kiệt (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt - PV) chỉ tham khảo một số việc, anh Khải trước khi ký một nghị định, một quyết định nào cũng đều gửi cho Ban nghiên cứu xem trước.
Cái phẩm chất của một vị vua sáng suốt là nghe cận thần can gián mình. Việc nghe theo các ý kiến sáng suốt thì dễ nhưng mà nghe cấp dưới can mình thì đấy có thể nói là can đảm, cầu thị.
Và anh Khải là người sẵn sàng nghe, sẵn sàng thảo luận, sẵn sàng chấp nhận. Anh ấy từng chủ trì cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch 5 năm trong suốt 2 ngày, thảo luận từng tí một. Đó là vì anh ấy được đào tạo, nắm vững thực tế và không lùi bước.
Điều thứ 3 là anh Khải có công thúc đẩy hội nhập quốc tế. Anh Khải là người đã trình và đã thực hiện việc ký kết hiệp định song phương Việt Nam – Hoa Kỳ. Năm 2000, anh ấy sang họp thượng đỉnh APEC ở New Zealand đã định ký hiệp định đó, tuy nhiên vào phút chót thì Bộ Chính trị lại có ý kiến khác nên lại không ký được. Năm 2006, anh Khải đã sang Mỹ và gặp Tổng thống Mỹ bấy giờ là G.Bush.
Bây giờ nhìn lại, có thể thấy rằng anh Khải có công rất lớn, đã nhìn ra tương quan và điều kiện phát triển là như thế nào. Dưới thời anh Khải, ngân sách không bội chi nhiều, nợ công không tăng lên, lạm phát được kiểm soát, ngân hàng không được thành lập quá nhiều, dự trữ ngoại hối tăng lên và nền kinh tế tăng trưởng mạnh
Đặc biệt là anh Khải nhất định không chịu lập các tập đoàn kinh tế.
- Vì sao lại vậy?
Vì anh Khải không muốn lập ra các thực thể quá lớn để rồi không kiểm soát được chúng. Phải có cơ chế kiểm soát đủ minh bạch thì mới lập, nếu chưa có thì chưa lập vội. Đó là cái quyết tâm của anh và đó là điều sáng suốt của người làm Thủ tướng.
Chúng ta thấy nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã để lại một di sản rực rỡ như thế nào, mạnh mẽ như thế nào rồi sau đó ra làm sao… cái điều ấy chúng ta không cần phải bình luận nữa.
Điều cuối cùng là anh Khải đối xử với anh em trong Ban nghiên cứu hết sức thân tình. Chúng tôi thường gọi anh ấy là “anh Sáu Khải”. Ban nghiên cứu mỗi trưa thứ 6 đều có bữa ăn nhẹ nhàng. Trong bữa ăn, ông Tổ trưởng trình bày công việc và các thành viên góp ý kiến. Anh Khải có khi đến ăn cơm, nghe và góp ý kiến với anh em. Có việc gì là ông hỏi luôn ở đấy. Và lúc bấy giờ là nói chuyện mày tao rất vui vẻ.
Anh Khải là con người rất thân tình, chu đáo, đối xử với anh em rất trọng thị và đặc biệt tỉnh táo trong việc nghe các ý kiến. Cái phẩm chất quan trọng của anh Khải là anh nói ít làm nhiều. Và không có tự đề cao mình. Anh là người rất khiêm tốn.
Anh đã lập ra Tổ công tác của Thủ tướng, là người đầu tiên đối thoại với kinh tế tư nhân, giải quyết những vướng mắc của kinh tế tư nhân. Tất cả đều là hướng đi rất quan trọng, thúc đẩy kinh tế thị trường. Khác với các Thủ tướng khác, anh Khải là người kỹ trị, đi sát vào công việc, đi sâu vào những vấn đề kỹ thuật, nghiệp vụ chứ không riêng gì ở tầm chiến lược.
- Vậy khi ý kiến của Ban nghiên cứu và Thủ tướng khác nhau thì nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã làm như thế nào?
Dĩ nhiên là có nhiều ý kiến khác biệt. Nhưng điều quan trọng là khi chúng tôi can ngăn thì nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã dừng lại, không ký nữa.
Từng có nhà đầu tư nước ngoài đề nghị đầu tư đường 5 theo hình thức BOT nhưng anh Khải phản đối. Anh nói nếu làm BOT thì phải làm con đường mới, còn người dân của chúng tôi phải có quyền lựa chọn đi hoặc không. Sau đó anh Khải đã vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới để làm đường 5. Đó là những quyết sách rất đáng quý.
Sau khi nghỉ hưu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vẫn thường xuyên theo dõi, trao đổi với anh em trong Ban nghiên cứu và bày tỏ ý kiến. Song anh không bao giờ xuất hiện, anh luôn giữ nguyên tắc tôn trọng người điều hành đương nhiệm. Dù mình không đồng ý nhưng cũng không làm những gì ảnh hưởng đến việc điều hành.
Có thể nói, những điều nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định thì đều có căn cứ, cân nhắc, làm một cách bài bản chứ không có lợi ích nhóm. Thời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không có chuyện lợi ích nhóm, sân sau; không có chuyện tiếp doanh nghiệp ở nhà; không có chuyện ban ngày thảo luận với Tổ tư vấn nhưng ban đêm lại tiếp doanh nghiệp và quyết ngược lại…
Thời của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cân đối ngân sách rất chặt chứ không có câu chuyện tiêu xài hoang phí, xây dựng tràn lan. Nhiều người hỏi tôi sao thời ông Khải xây được ít công trình thế, tôi bảo riêng việc vượt qua khủng hoảng kinh tế đã rất vất vả rồi chứ nói gì viêc xây dựng. Thủ tướng Khải rất nghiêm trong những vấn đề này, không có phép chi tiêu lãng phí. Thủ tướng không đi ăn chơi, tiêu xài sang đâu.
Con người nguyên Thủ tướng, cả về tư cách, tri thức và tấm lòng đối với đất nước đều rất đáng quý. Ông đã để lại một nền kinh tế khác hẳn trước, mở cửa thị trường, hội nhập, xuất khẩu tăng trưởng, kinh tế tư nhân năng động. Hồi đó không khí cứ bừng bừng, niềm tin trong dân rất lớn.
- Dư luận vẫn còn nhắc lại chuyện nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cầm giấy đọc khi hội đàm với Tổng thống Mỹ G.Bush…
Chuyện đó là như thế này: Mỹ và Việt Nam chênh nhau 12 múi giờ, lẽ ra bác sĩ phải cho anh Khải dùng thuốc ngủ, để ông ấy ngủ được. Thế nhưng lại không, thành ra cả đêm ông ấy chả ngủ được tí nào cả, với lại cũng hồi hộp nữa.
Hồi anh Khải đi Mỹ cũng có nhiều ý kiến gay gắt nên anh em đã chuẩn bị 2 phương án: một phương án nói trong 60 phút, để ở túi trên bên trái; một phương án nói 40 phút, để ở túi dưới bên phải.
Trước buổi hội đàm, anh Khải không ngủ được. 4h30 sáng còn gọi ông Trần Xuân Giá (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - PV) sang bàn. Ông Trần Xuân Giá đã bàn bạc và sửa lại bài nói, sau đó trình lên. Thế nhưng đến khi gặp Tổng thống G.Bush, anh Khải lại quên mất.
Hôm gặp, ông Bush nói với anh Khải “Ông muốn bàn với tôi bao nhiêu giờ cũng được”, nhưng vì quá hồi hộp và mất ngủ nên đáng lẽ lấy tờ 60 phút thì anh Khải lại lấy tờ 40 phút để nói trong 60 phút. Bởi vì vậy cho nên anh Khải cứ cầm giấy để đọc.
Cái đó cũng là điều hơi bất lợi chứ còn trong họp và trong đối thoại, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nắm rất vững các con số và nói rất tốt, chứ không phải là người phụ thuộc vào giấy tờ. Tôi nghĩ đó là điều anh em nên thông cảm, tôi nói ra để chúng ta cùng hiểu…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!