|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trước tin đồn thất thiệt, nhiều người vẫn gửi tiết kiệm ở SCB

06:43 | 11/10/2022
Chia sẻ
Ngày 10/10, không ít người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tới các điểm giao dịch của ngân hàng này gửi tiết kiệm, để được hưởng lãi suất tiền gửi đang neo ở mức cao nhất hệ thống.

Giao dịch tại SCB. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bất chấp những tin đồn bất lợi về Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) trong những ngày gần đây, ngày 10/10, không ít người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tới các điểm giao dịch của ngân hàng này gửi tiết kiệm, để được hưởng lãi suất tiền gửi đang neo ở mức cao nhất hệ thống.

Lợi nhuận tốt thì sao không gửi?

Sáng 10/10, chị Lê Thu Huyền ở Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã mang 1,5 tỷ đồng tới phòng giao dịch trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) của Ngân hàng SCB để gửi tiết kiệm. Chị lựa chọn kỳ hạn gửi 12 tháng để được hưởng mức lãi suất cao đến 8,55%/năm.

Chia sẻ lý do vẫn gửi tiết kiệm khá lớn ở SCB vào thời điểm này, chị Huyền cho biết, chị gửi tiết kiệm tại SCB mấy năm nay, vẫn luôn tin tưởng ngân hàng. Mới đây, SCB công bố mức lãi suất huy động mới cao nhất hệ thống nên chị tiếp tục tới đây để gửi thêm.

"Tôi tới gửi tiết kiệm vì thấy SCB mới tăng lãi suất tiền gửi lên mức cao. Điều này sẽ mang lại lợi nhuận tốt thì đâu có lí do gì mà mình không gửi. Còn về những tin đồn thất thiệt trên thị trường, bản thân tôi có đọc, nhưng cũng đọc những thông điệp của Ngân hàng Nhà nước và chính SCB. Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ theo sát và đảm bảo hoạt động ổn định cho SCB nên tôi càng tin tưởng ngân hàng này có dư khả năng để thanh toán cho khách hàng, không có gì phải lo sợ cả," chị Huyền chia sẻ.

Cũng trong sáng nay, tranh thủ trước khi đi làm, anh Nguyễn Văn Quốc, ngụ ở Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh ghé phòng giao dịch Nguyễn Huệ của SCB để gửi tiết kiệm. Đáng chú ý, khoản tiền này vừa được anh Quốc tất toán vào thứ 7 tuần trước do tới kỳ hạn.

Theo anh Quốc, hôm thứ 7 (ngày 8/10) khi tới làm thủ tục tất toán sổ tiết kiệm, thấy nhiều người xếp hàng rồi có một số tin đồn thất thiệt nên anh đã mang tiền về nhà. Tuy nhiên, sau đó đọc được những thông tin chính thức từ phía Ngân hàng Nhà nước và SCB trong việc đảm bảo hoạt động tiền gửi của người dân nên sáng nay anh Quốc yên tâm quay lại.

“Khi đọc được những thông điệp của Ngân hàng Nhà nước, rồi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và bản thân SCB trong việc đảm bảo thanh khoản, quyền lợi cho người gửi tiền thì tôi đã yên tâm đi gửi lại. Bản thân tôi cũng có thiện cảm với ngân hàng, vì chính sách chăm sóc khách hàng, khuyến mãi của SCB lâu nay rất tốt. Ngân hàng lại mới tăng lãi suất tiền gửi, cuối tuần trước tôi gửi tất toán sổ tiết kiệm ở mức lãi suất chỉ 7,4%, thì nay đi gửi đã lên hơn 8,5% cho kỳ hạn 1 năm rồi,” anh Quốc chia sẻ.

Thực tế, sau khi ngân hàng SCB điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới vào cuối tuần qua, không ít người dân đã tới gửi tiết kiệm ở các điểm giao dịch của SCB. Khảo sát cho thấy, SCB hiện cũng là ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường với 8,9%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Ngoài ra, chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng này cũng lên 8,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng. Đối với tiết kiệm online, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tăng lên 7,8 - 7,95%/năm; 9 tháng lên 8,01-8,25%; 12 tháng lên 8,2-8,55%.

Thanh khoản vẫn ổn định

Trao đổi với một số cơ quan báo chí ngày 10/10, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Ngoại trừ việc người dân có tới rút tiền đông hơn ngày thường trước đây, thì mọi hoạt động ở SCB vẫn đang diễn ra bình thường, thông suốt.

“Chúng tôi nhận thấy Ngân hàng SCB đang hoạt động bình thường và Ngân hàng Nhà nước đã có các giải pháp để đảm bảo sự ổn định hoạt động của SCB nói riêng, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung. Chúng tôi đảm bảo mọi hoạt động chi trả sẽ được thực hiện thông suốt và đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người gửi tiền,” ông Tuấn cho biết.

Về tình hình hoạt động của SCB, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng giám đốc phụ trách điều hành Ngân hàng SCB một lần nữa khẳng định, ngân hàng có giải pháp và đủ nguồn lực để đảm bảo chi trả đầy đủ gốc và lãi các khoản tiền gửi của người dân theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, ông Hoàn cũng chia sẻ, trong điều kiện bình thường, người dân đến giao dịch ở mức độ vừa phải, phù hợp với năng lực xử lý của đội ngũ nhân sự, máy móc thiết bị của ngân hàng. Còn trong tình trạng có nhiều khách hàng cùng lúc tới giao dịch, ngân hàng không thể nào đáp ứng được tất cả nhu cầu của khách hàng. Do vậy, SCB rất mong khách hàng thấu hiểu cho điều kiện khó khăn ngoài ý muốn của ngân hàng, do những thông tin không chính thống, không tích cực trên thị trường.

“Như Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng đã khẳng định trên các phương tiện thông tin đại chúng, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ cho SCB nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng đảm bảo quyền lợi và lợi ích của người gửi tiền đúng theo quy định của pháp luật, giữ vững ổn định hoạt động của SCB và hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam. Do đó, chúng tôi cũng rất mong khách hàng hết sức bình tĩnh ở thời điểm này. Bởi khi khách hàng đến rút tiền gửi tiết kiệm trước hạn sẽ bị thiệt thòi rất lớn, vì khoản tiền lãi không kỳ hạn rất thấp so với lại tiền lãi gửi có kỳ hạn,” ông Hoàng Minh Hoàn nói.

Đại diện SCB cũng bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành, chia sẻ, tin tưởng của khách hàng để giúp SCB sớm ổn định tình hình, tiếp tục hoạt động bền vững, an toàn, hiệu quả, góp phần vào ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ của đất nước cũng như góp phần sự phát triển nền kinh tế đất nước.

Liên quan đến việc người dân rút tiền ở SCB do một số tin đồn thất thiệt gần đây, sáng 10/10, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông điệp gửi đến người dân, khẳng định những khoản tiền gửi của người dân ở ngân hàng đều được nhà nước đảm bảo.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại các ngân hàng; trong đó có ngân hàng SCB đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Người dân gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền nhất là trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình.

“Với vai trò ngân hàng Trung ương cũng như là vai trò của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, khi mà xây dựng, hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu là kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng; trong đó có ngân hàng SCB,” Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Hứa Chung