|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trước ngày EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy tiếp cận

20:43 | 31/07/2020
Chia sẻ
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU (EVFTA) sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8 với sự kì vọng phát triển thương mại và đầu tư của doanh nghiệp hai nước.

Sáng 31/7, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam EuroCham tổ chức Diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững” tại TP HCM và 27 điểm cầu bao gồm Hà Nội, các tỉnh phía Nam và các Thương vụ Việt Nam tại châu Âu.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh: Chỉ tính riêng 18 năm lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 13 lần từ khoảng 4,1 tỉ USD vào năm 2000 lên 56,45 tỉ USD vào năm 2019. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt gần 41,5 tỉ USD và nhập khẩu từ EU đạt hơn 14,9 tỉ USD.

Về đầu tư trực tiếp, 5 tháng/2020, EU có 26/27 nước đầu tư tại Việt Nam với 2.040 dự án và tổng vốn đầu tư đạt 21,66 tỉ USD (tăng 553 triệu USD). 

Những con số này là cơ sở để cộng đồng doanh nghiệp hai bên tiến tới bước ngoặt mới trong lịch sử quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam và EU khi EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực ngay vào ngày 1/8.

Ưu đãi từ EVFTA chỉ được xem là yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu  - Ảnh 1.

Các diễn giả tham dự Diễn đàn Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh châu Âu “EVFTA - Cơ hội hợp tác chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững".

Trao đổi tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước bày tỏ tinh thần lạc quan về triển vọng phát triển chiến lược quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam – EU sau khi EVFTA có hiệu lực, nhất là đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, xuất khẩu. 

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh, mở đường cho thiết lập chuỗi cung ứng mới với EU, thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Các sản phẩm thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ của Việt Nam và những mặt hàng ô tô, dược phẩm, hóa chất từ EU có điều kiện tiếp cận thị trường của nhau tốt hơn.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công thương, ưu đãi từ các hiệp định chỉ là yếu tố hỗ trợ, còn yếu tố tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới.

Ngoài ra việc các bên thực thi EVFTA trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 chưa chấm dứt và biến động thị trường khá phức tạp, khó lường, cơ hội lớn, khiến áp lực cũng không nhỏ. 

Sự xuất hiện của dịch COVID-19 từ đầu năm nay đã tác động mạnh lên kinh tế, xã hội của Việt Nam, cũng như trên phạm vi toàn cầu, gây ra những tổn thất nặng nề, làm gián đoạn, xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU trong 2 quí đầu năm nay giảm 7,37% so với cùng kì năm 2019, với kim ngạch khoảng 16,41 tỉ USD.

Ngoài ra EU là thị trường khó tính với những qui định khắc khe về vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn kĩ thuật cao và phát triển bền vững đối với hàng hóa xuất khẩu, đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm bắt thời cơ, không ngừng đổi mới, mở rộng thị phần, đáp ứng tốt hơn khả năng tham gia thương mại quốc tế để có thể chinh phục thành công thị trường EU.

Ưu đãi từ EVFTA chỉ được xem là yếu tố hỗ trợ cho xuất khẩu  - Ảnh 2.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội EuroCham.

Ông Weert Borner, Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam, cho biết triển khai EVFTA là câu chuyện dài và phức tạp cũng như quá trình như đàm phán. Hơn nữa, dịch bệnh hiện nay đã làm cho tình hình khởi động EVFTA khó khăn hơn. 

Việt Nam và EU đã có nền tảng phát triển thương mại đầu tư rất tốt. Đó sẽ là nền tảng quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp hai bên cùng hiện thực hóa các cơ hội mà EVFTA mang lại.

"Hơn nữa, hiệp định không chỉ mang lại thương mại và đầu tư mà EVFTA còn chú trọng chất lượng tăng trưởng bền vững, mở cửa các ngành dịch vụ, tiếp nhận đấu thầu công, cùng nhau áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất tốt, sử dụng tài nguyên hiệu quả, xanh hóa nền kinh tế", ông Weert Borner nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội EuroCham, cho rằng EVFTA thể hiện niềm tin và kì vọng của EU trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư toàn diện với Việt Nam. 

Các doanh nghiệp EU có cơ hội tiếp cận với một trong những thị trường tiêu dùng năng động nhất ở khu vực ASEAN và châu Á, cạnh tranh công bằng hàng hóa các quốc gia, khu vực đã có FTA với Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Không dừng lại ở những lợi ích trước mắt về mặt thuế quan, quá trình thực thi EVFTA chính là cơ hội để các doanh nghiệp EU lan tỏa thông điệp ưu tiên phát triển bền vững thông qua cải thiện môi trường làm việc, phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển giao khoa học, công nghệ.

Đại diện EuroCham cũng khẳng định cam kết hợp tác lâu dài để xây dựng cộng đồng doanh nghiệp hai bên cùng phát triển thành công trong thời gian tới, đồng thời tiếp tục quảng bá Việt Nam trở thành điểm đến cởi mở, cạnh tranh trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

"Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà hiệp định EVFTA và EVIPA đem lại, từ đó trụ vững và phát triển trên thị trường", Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng lưu ý.

Đồng thời, Chính phủ và Bộ Công Thương, cùng với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại các nước Liên minh Châu Âu sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh.

Như Huỳnh