'Trung ương thống nhất cao phương án kiện toàn chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội'
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 sáng 18/5, Tổng bí thư cho biết sau đây phương án kiện toàn này sẽ được Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu với Quốc hội để xem xét, quyết định. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 dự kiến khai mạc ngày 20/5.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy thực hiện theo đúng Điều lệ, quy chế của Đảng. Khi làm nhân sự cần rà soát thật kỹ để lựa chọn, giới thiệu và bầu được người "thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới". Ông lưu ý phải phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới, có triển vọng, bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.
Việc chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng, Tổng bí thư đề nghị cần chú ý phát hiện, giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra, nhất là những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân. Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị sau hội nghị chỉ đạo sớm hoàn chỉnh và ban hành Chỉ thị để định hướng cho toàn Đảng chuẩn bị thành công Đại hội các cấp, góp phần cho thành công Đại hội 14 của Đảng.
Tổng bí thư lưu ý việc chuẩn bị các văn kiện phải phải bám sát vào thực tiễn của đất nước để đánh giá khách quan, khoa học, toàn diện, nhất là những vấn đề phức tạp mới phát sinh. Trong văn kiện còn phải dự báo có cơ sở khoa học tình hình đất nước, khu vực và thế giới để có phương hướng, giải pháp và đột phá chiến lược cho nhiệm kỳ tới.
"Phải chăng sau 40 năm đổi mới chúng ta đã thực sự hình thành được lý luận về đường lối đổi mới ở Việt Nam", Tổng bí thư nói, đề nghị nhiệm kỳ này cần tập trung vào những nội dung then chốt, cụ thể như xây dựng và thực hiện đồng bộ hóa thể chế, thúc đẩy phát triển khoa học, "khuyến khích tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá phát triển". Ông đề nghị phải đổi mới căn bản, toàn diện công tác cán bộ, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài để tạo ra đột phá.
Tổng bí thư yêu cầu phải đi sâu phân tích, chỉ rõ các hạn chế, yếu kém còn tồn tại, chú trọng làm rõ những vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Ban Chấp hành Trung ương đồng ý để bà Trương Thị Mai thôi làm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 và nghỉ công tác, theo nguyện vọng cá nhân. Bà Mai thôi giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Bộ Chính trị phân công Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Ban Bí thư và giữ chức Thường trực Ban Bí thư; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng giữ chức Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Trung ương cũng bầu bổ sung 4 Ủy viên Bộ Chính trị là ông Lê Minh Hưng Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; bà Bùi Thị Minh Hoài Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Đỗ Văn Chiến Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Trung ương quyết định cách tất cả chức vụ trong Đảng với ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP HCM. Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái và nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị khai trừ ra khỏi Đảng.