Trung tâm tài chính không thể hình thành theo 'kế hoạch' và 'tiến độ'
Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là chừng nào và điều gì sẽ giúp cho một trung tâm như vậy trở nên hiện thực và có sức cạnh tranh thu hút các “nhà giàu” thế giới?
Trước tiên, có thể nói TPHCM đã là một trung tâm tài chính. Dù có tính nội bộ thì đây vẫn là một thực tế. Bởi, TPHCM đóng góp xấp xỉ 28% nguồn thu ngân sách quốc gia, nơi tập trung các tổ chức kinh tế tài chính lớn trong và ngoài nước phục vụ cho cả nền kinh tế, với nguồn nhân lực chọn lọc và đông nhất nước.
Có điều, xét về thông lệ và tầm hạn, TPHCM chưa được xem là một trung tâm tài chính thực thụ theo cách hiểu, sự nhìn nhận và tiêu chí định danh của giới tài chính quốc tế. Có thể xem nó còn ở vị trí “cận biên” như thị trường chứng khoán Việt Nam...
Một trung tâm tài chính thực thụ sẽ cần nhiều yếu tố cấu thành. Đó là địa danh đầy sức sống, có sức hút “châu về”, hình thành một cộng đồng chọn lọc gồm các thực thể kinh tế tài chính lớn của quốc tế quần tụ và cộng sinh (cluster theory).
Trong đó, lĩnh vực tài chính mà cụ thể là thị trường vốn có vai trò dẫn dắt. Một hệ thống ngân hàng hiệu quả và thị trường chứng khoán trưởng thành là các nguồn lực tiên phong. Nhìn ra các trung tâm tài chính thế giới, lịch sử hình thành và quá trình phát triển của họ không đâu lại thiếu các định chế huyết mạch này.
Đây là các nguồn lực có sức kích hoạt, khơi gợi, thu hút, chắp cánh cho hàng loạt hoạt động kinh tế tài chính khác phát triển. Dễ thấy nhất là từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đã là trung tâm tài chính (thực thụ và hiệu quả) thì không nên có tư duy theo “ước lệ nội địa”, cần tránh đặt ra các “nhiệm vụ chính trị” cứng, chủ quan.
Trung tâm tài chính không thể hình thành theo “kế hoạch” và “tiến độ” như xây một đô thị hay khu kinh tế, không thể giao đô thị mục tiêu làm “chủ đầu tư”.
Có thể hình dung đây như việc nuôi ong, nuôi yến, do các nguồn lực tìm đến trung tâm tài chính rất tinh với yếu tố mềm, nhạy với nơi xây tổ. Nên, nếu “xạ hương” ở đó không đủ hấp lực thì sẽ khó thành công.
Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực cộng sinh đa dạng và thiết yếu cho yêu cầu đồng bộ của một trung tâm tài chính thực thụ luôn được bổ sung để có hấp lực cộng hưởng.
Ý nghĩa bổ sung đến từ các quỹ đầu tư, hoạt động quản lý quỹ, bảo hiểm, quản trị rủi ro, quản lý tài sản, tư vấn/kiểm toán, đánh giá tín nhiệm, mua bán nợ, mua bán doanh nghiệp, và không loại trừ đó là các cánh tay tài chính phức tạp như SPV (công ty phục vụ mục đích đặc biệt - Special Purpose Vehicle). Yêu cầu đồng bộ sẽ cần đến thị trường tiền tệ, thị trường ngoại tệ, thị trường hợp đồng hàng hóa (commodities), phái sinh...
Bối cảnh như vậy tự nó khắc họa hình ảnh hội tụ (hub) của một trung tâm và giải thích lý do tại sao doanh nhân, các nhà đầu tư năng lui tới và chọn đó làm nơi lạc nghiệp. Hiệu lực lan tỏa đồng thời còn giúp nhiều lĩnh vực kinh tế hữu hình khác góp mặt và hưởng lợi, đặc biệt là về xây dựng, bất động sản, thương mại dịch vụ và du lịch.
Về mục đích, vai trò khởi thủy của trung tâm tài chính là để giúp một quốc gia hay lãnh thổ phát triển hưng thịnh. Theo cách hiểu chân phương này thì trung tâm tài chính có địa bàn “cắm dùi”, có “nhiệm vụ chính trị” cụ thể bám theo lãnh thổ.
Tuy nhiên, cho dù mục đích có thể không khác nhiều, theo thời gian và nhất là quá trình hình thành các thể chế kinh tế - chính trị liên lập, khái niệm hạn hẹp về “không gian hành chính” dần dần không còn đủ sức diễn đạt hoạt động thực tế của một trung tâm tài chính thời đại.
Là bởi tầm hoạt động, việc thủ đắc nguồn lực, cơ hội làm ăn, sở hữu tài sản... không còn bó hẹp theo địa giới quốc gia.
Khả năng tạo ra sự hưng thịnh cho một nước từ lâu đã rộng hơn lãnh thổ. Yêu cầu phát triển rộng mở của các trung tâm tài chính do vậy đã mặc định cách hiểu và gọi theo quy mô: là trung tâm tài chính nội địa, khu vực, toàn cầu. Đặc biệt hơn là loại “phi địa dư”, tạm gọi là hải ngoại (OFC).
OFC ra đời từ xu thế toàn cầu, được các trung tâm tài chính khu vực sử dụng các kỹ thuật tài chính phức tạp để tận dụng lợi thế tại nơi có luật lệ ưu đãi, có cơ chế thuế “zero” hoặc thấp (tax haven), như Bermuda, BVI (British Virgin Islands), Malta... Về tầm cỡ, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trung tâm tài chính thực thụ là loại hoạt động rộng hơn tầm nội địa, và có ba dạng được xếp từ cao đến thấp: quốc tế, vùng và hải ngoại.
Trở lại Việt Nam. Như đã đề cập, theo nhìn nhận của thế giới tài chính, một trung tâm tài chính luôn cần yếu tố mở tương hợp với hoạt động và danh xưng của nó. Ý này muốn nói, đã là trung tâm tài chính (thực thụ và hiệu quả) thì không nên có tư duy theo “ước lệ nội địa”, cần tránh đặt ra các “nhiệm vụ chính trị” cứng, chủ quan.
Trung tâm tài chính không thể hình thành theo “kế hoạch” và “tiến độ” như xây một đô thị hay khu kinh tế, không thể giao đô thị mục tiêu làm “chủ đầu tư”. Có thể hình dung đây như việc nuôi ong, nuôi yến, do các nguồn lực tìm đến trung tâm tài chính rất tinh với yếu tố mềm, nhạy với nơi xây tổ. Nên, nếu “xạ hương” ở đó không đủ hấp lực thì sẽ khó thành công.
Các lĩnh vực cộng sinh đa dạng và thiết yếu cho yêu cầu đồng bộ của một trung tâm tài chính thực thụ luôn được bổ sung để có hấp lực cộng hưởng thuyết phục.
Ý nghĩa bổ sung đến từ các quỹ đầu tư, hoạt động quản lý quỹ, bảo hiểm, quản trị rủi ro, quản lý tài sản, tư vấn/kiểm toán, đánh giá tín nhiệm, mua bán nợ, mua bán doanh nghiệp...
Một trung tâm tài chính thành công là nơi tạo được cơ hội thành công cho khách trước. Nói khác đi, hãy cho họ thấy lợi trước thì mình mới có lợi sau. Việc hình thành một trung tâm tài chính có hồn cho Việt Nam là chuyện đại sự quốc gia, nên cần được hoạch định và chuẩn bị ở tầm quốc gia, và yêu cầu chuyển mình sẽ cần đặt ra sớm.
Đó là gì? Trước tiên hệ thống ngân hàng phải an toàn và lành mạnh, cần vượt qua giai đoạn sắp xếp, chấm dứt tình trạng “chạy gạo” để củng cố quy mô và tệ nạn sân sau.
Thị trường chứng khoán ít nhất phải vượt ngưỡng cận biên với hành lang pháp lý và thông lệ hành xử tương thích.
Thị trường cần được nâng tầm về hàng hóa cả lượng và chất, bằng cách đẩy mạnh cổ phần hóa, nội soi cắt bỏ các vùng mờ, giảm loại doanh nghiệp cổ phần nhà nước... nhằm khuyến khích giao dịch và cải thiện thanh khoản.
Bên cạnh các cách làm kém tương thích cần khắc phục, tài chính chứng khoán còn thiếu các sản phẩm bổ sung, các “đồ chơi” tiện ích có tính công cụ(1). Tuy đã có phái sinh nhưng sản phẩm đơn điệu, chỉ tốt cho cá cược, chưa phát huy yếu tố “dẫn xuất” (derivative) nên chưa là công cụ trợ lực cho việc tăng mua bán tài sản cơ sở.
Thêm vào đó, ta cũng chưa có thị trường tiền tệ đủ lớn để lãi suất có chỗ dựa vận động, giúp giao dịch trái phiếu hấp dẫn và hoạt động mua bán nợ thu phát triển. Lãi suất mà diễn biến bất thường thì dòng tiền đầu tư sẽ thất thường.
Đồng nội tệ yếu và chưa thủ đúng vai chủ nhà là hạn chế khác. Đây là vấn đề lớn, chỉ có thể hóa giải khi tiền đồng nhận được cơ chế mua bán hợp lý, nhờ đó tiền đồng sẽ “cứng” lên và có cửa đi ra. Hơn nữa, việc hạn chế giao dịch tài khoản vốn sẽ làm cho hoạt động trung tâm tài chính kém hấp dẫn.
Cần biết, cho dù trung tâm tài chính Thượng Hải được GFCI (chỉ số trung tâm tài chính toàn cầu) xếp hạng cao, nhưng do bị hạn chế dòng vốn ra, trung tâm tài chính này không được quốc tế chào đón, và Trung Quốc cất cánh không từ Thượng Hải mà từ cửa ngõ Hồng Kông.
Việt Nam từng có Sài Gòn đã có “thương hiệu” và nếu được đánh thức đúng mực, tôi tin cửa ngõ này sẽ giúp nước nhà cất cánh.
Tóm lại, nếu được nhận diện đầy đủ, khảo hướng tường tận, chuẩn bị tốt với bước đi hợp cách, đường đến trung tâm tài chính sẽ không còn xa.
Lúc đó, thương hiệu Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông vang bóng một thời nên được tận dụng và tiếp thị theo cách cởi mở là... “Saigon Financial Center”.
(*) Chuyên viên kinh tế tài chính và chứng khoán - thành viên Hội đồng Chỉ số Thị trường chứng khoán Việt Nam - giảng viên PACE - Trọng tài viên Trọng tài quốc tế Việt Nam.
(1) https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/sua-luat-can-bat-dau-tu-khai-niem-280476.html