|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc với bài toán tăng trưởng và môi trường

07:39 | 22/01/2017
Chia sẻ
Tình trạng đốt than ở Trung Quốc đã dẫn đến phát thải khí lưu huỳnh, nitơ và carbon vượt quá mức cho phép, gây ô nhiễm môi trường chưa từng có và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.
trung quoc vo i ba i toa n tang truo ng va moi truo ng

Trung Quốc với bài toán tăng trưởng và môi trường. Ảnh: EPA

“Diễn đàn Đông Á” số mới ra có bài viết cho rằng kể từ khi phát động chính sách mở cửa và cải cách kinh tế vào cuối năm 1978, kinh tế của Trung Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi tình cảnh đói nghèo. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào than đá để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Khói mù dày đặc thường xuyên do đốt than bao phủ thủ đô Bắc Kinh và các khu vực khác. Nghiêm trọng hơn, biến đổi khí hậu toàn cầu đang gây ra nhiều mối đe dọa đối với Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thức được những thách thức này. Trung Quốc đã đưa ra những mục tiêu sinh thái cùng mức độ ưu tiên của các chính sách phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và đang có những bước chuyển biến ấn tượng để hướng tới thực hiện một mô hình phát triển kinh tế carbon thấp.

Trước khi diễn ra Hội nghị biến đổi khí hậu ở Copenhagen hồi năm 2009, Trung Quốc đã cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon 40%-45% so với mức của năm 2005 vào năm 2020. Theo tuyên bố chung về biến đổi khí hậu Trung-Mỹ hồi tháng 11/2014, Trung Quốc đã tăng cường hơn nữa cam kết của nước này, đồng ý hạn chế lượng khí thải carbon tối đa vào năm 2030 và tăng mức sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch lên đến 20%.

Những cam kết này đã chính thức được Trung Quốc đưa vào Dự thảo Đóng góp Quốc gia trình lên Liên hợp quốc (LHQ) trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Paris. Việc giới hạn tiêu thụ than không chỉ đòi hỏi những nỗ lực lớn trong các lĩnh vực trọng điểm mà còn đòi hỏi nỗ lực phối hợp giữa các vùng. Kế hoạch Hành động Phòng chống Ô nhiễm Không khí của Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra những mục tiêu nghiêm ngặt hơn đối với các khu vực nguy hiểm ở Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc, đồng bằng sông Dương Tử và đồng bằng sông Châu Giang. Do vấn đề môi trường có tính chất xuyên biên giới, nên các khu vực lân cận đang tăng cường phối hợp hành động tập thể, làm tăng đáng kể hiệu quả nỗ lực của họ.

Năng lượng tái tạo là một giải pháp lâu dài trước những lo ngại về môi trường của Trung Quốc và là 1 trong 7 ngành công nghiệp chiến lược mới nổi. Trung Quốc đã đề ra mục tiêu sử dụng các nguồn năng lượng thay thế đáp ứng 20% nhu cầu năng lượng vào năm 2030 của nước này. Để giảm ô nhiễm môi trường, một loạt chương trình và sáng kiến hiện tại cần phải được chính quyền tăng cường. Trung Quốc cần giảm sử dụng các nhà máy điện đốt than và tăng cường chuyển đổi sang sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo. Cơ quan Năng lượng Quốc gia đã yêu cầu 13 chính quyền địa phương ngừng cấp phép cho các nhà máy điện đốt than mới cho đến cuối năm 2017. Để đảm bảo chuyển đổi suôn sẻ và thành công sang nền kinh tế xanh, Trung Quốc cần tập trung nhiều hơn vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tu sửa và đổi mới. Các nghiên cứu cho thấy những yếu tố này trước đây đã bị đánh giá thấp. Việc loại bỏ các nhà máy sản xuất năng lượng lỗi thời cũng nên được đặt trong danh sách những việc ưu tiên hàng đầu. Đối với các ngành công nghiệp than và thép,

Chính phủ Trung Quốc đã công bố các mục tiêu hạn chế sản xuất dư thừa và áp đặt lệnh cấm khai thác các mỏ than mới trong vòng 3 năm. Việc cải cách này không dễ dàng gì và sẽ khiến hàng triệu người phải tìm việc làm thay thế. Chính quyền trung ương cũng đã nhận thức về những khó khăn này và thành lập các quỹ để hỗ trợ những người trong quá trình tái cơ cấu. Việc Trung Quốc thúc đẩy kinh tế xanh không phải là hoàn toàn mới. Cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nhận thấy mức độ nghiêm trọng của suy thoái môi trường ở Trung Quốc và khẳng định rằng việc khuyến khích tăng trưởng kinh tế bất chấp tổn hại môi trường cần phải chấm dứt.

Trung Quốc đang nghiêm túc thực hiện các chính sách để đảm bảo có sự thay đổi về môi trường. Đây chính là lý do để lạc quan về sự cải thiện tình hình biến đổi khí hậu tại quốc gia rộng nhất và đông dân nhất thế giới này.

Sơn Hà

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.