Trung Quốc sẽ bỏ Nga theo Mỹ?
Sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc đã kéo giá dầu thế giới đi xuống. Giá giao dịch dầu mỏ Brent và WTI trong các hợp đồng tương lai đã giảm hơn 3% sau khi công bố số liệu thống kê tăng trưởng GDP năm 2018 của Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, nhập khẩu kỷ lục 10 triệu thùng mỗi ngày.
Tuy nhiên các nhà phân tích dự đoán mức tiêu thụ cao nhất nhiên liệu ở Trung Quốc đã qua, và nền kinh tế phát triển chậm lại sẽ làm giảm nhu cầu về nguyên liệu thô.
Tổng thống Nga V.Putin (trái), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình |
GDP của Trung Quốc năm ngoái đã tăng 6,6%, thấp nhất trong 28 năm qua. Tất nhiên theo sau sự suy giảm nền kinh tế và tiêu dùng, nhu cầu nhiên liệu cũng có thể giảm theo. Theo dự đoán của CNPC, nhu cầu nhiên liệu diesel sẽ giảm 1,1% trong năm 2019. Trong khi đó các nhà máy lọc dầu độc lập Trung Quốc lại tiếp tục gia tăng sản lượng. Theo Cục Thống kê Nhà nước Trung Quốc, khối lượng lọc dầu năm 2018 tăng 12,1 triệu tấn so với năm trước và đạt mức kỷ lục 603,6 triệu tấn. Vào tháng 12/2018, sản lượng các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, lên 51,17 triệu tấn (hơn 12 triệu thùng mỗi ngày). Do đó có sự gia tăng hàng tồn kho, và cũng gây áp lực lên giá dầu.
Để hỗ trợ giá nguyên liệu thô, các nước OPEC + đã đồng ý vào tháng 12/2018 sẽ giảm sản lượng khai thác dầu 1,2 triệu thùng mỗi ngày trong năm 2019. Đối với các quốc gia thành viên của tổ chức, hạn ngạch sẽ là 800 nghìn thùng mỗi ngày và đối với các nước khác trong thỏa thuận, 400 nghìn. Tuy nhiên hiệu lực của thỏa thuận OPEC + bị giảm tác dụng khi Hoa Kỳ gia tăng sản lượng khai thác. Theo dự báo của EIA, sản lượng dầu ở Mỹ năm 2019 sẽ lên tới 12,1 triệu thùng mỗi ngày, nhiều hơn 1,2 triệu so với một năm trước đó.
Trong bối cảnh giá năng lượng giảm, cạnh tranh giữa các nhà cung cấp nguyên liệu thô đang gia tăng. Và Mỹ đang cố gắng đảm bảo lợi thế, buộc một số quốc gia phải mua dầu từ họ. Trong quá trình đàm phán thương mại Trung-Mỹ, Bắc Kinh bị buộc phải làm giảm mất cân bằng thương mại 1 nghìn tỷ USD. Điều này có nghĩa là trong những năm tới, Trung Quốc sẽ buộc phải tăng mạnh nhập khẩu các sản phẩm của Mỹ. Nhưng sản phẩm có giá trị gia tăng cao-công nghệ hiện đại, mà Trung Quốc quan tâm thì người Mỹ không quá sẵn lòng để bán, vì lo sợ mất cắp tài sản trí tuệ. Do đó cơ hội duy nhất để tăng đáng kể lượng nhập khẩu là mua thêm nông sản và năng lượng. Và giá cả, trong trường hợp này, không có khả năng đóng vai trò quyết định. Hoa Kỳ đặt ra các điều kiện, theo đó càng giảm nhanh việc mất cân bằng cán cân thương mại, thì càng tốt hơn cho chính Trung Quốc.
Câu hỏi hợp lý trong tình huống này: điều gì sẽ xảy ra với việc hợp tác năng lượng Nga-Trung? Rốt cuộc cạnh tranh về giá ở đây có thể không có tác dụng. Mặc dù về mặt chính thức Hoa Kỳ đang ủng hộ một thị trường tự do và cạnh tranh công bằng, nhưng chính họ đặt ra các điều kiện phi thị trường cho các đối tác thương mại của mình. Tuy nhiên bất chấp sự suy giảm của nền kinh tế, Trung Quốc vẫn sẽ là nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất. Và dù sao đi nữa cũng không thể thiếu được dầu mỏ của Nga, chuyên gia của Viện Kinh tế Thế giới thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc, Chen Fengying, nói với Sputnik.
"Nhu cầu của Trung Quốc về dầu mỏ và khí đốt từ Nga sẽ không thay đổi nhiều, bởi vì hợp tác năng lượng Trung-Nga đã được chính thức hóa bằng các thỏa thuận, các đường ống dẫn dầu và khí đốt vẫn đang được xây dựng-đường ống dẫn khí Sức mạnh Siberia, dự án Yamal-LNG… Về lâu dài việc khai thác nhiên liệu từ hydrocarbon nội địa sẽ cạn kiệt và chỉ còn Hoa Kỳ, Arabia Saudi và Nga là những tay chơi lớn trong thị trường cung ứng toàn cầu. Do đó nhu cầu năng lượng từ Trung Quốc sẽ ổn định. Tất nhiên theo kết quả của cuộc đàm phán thương mại, Trung Quốc đã hứa sẽ mua thêm các nguồn năng lượng của Mỹ. Điều này sẽ có một số tác động đến việc mua tài nguyên từ các nhà cung cấp khác, nhưng rất ít. Vì khối lượng nhập khẩu hydrocarbon của Trung Quốc là rất lớn. Và Trung Quốc không thể gia tăng sản xuất trong nước một cách nhanh chóng. Nhu cầu sẽ ổn định. Có lẽ không nên mong đợi một sự gia tăng lớn khối lượng nhập khẩu từ Nga. Nhiều khả năng sẽ tăng từ các nhà cung cấp khác. Quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc vẫn chưa hoàn tất, trong những điều kiện như vậy, nhu cầu năng lượng vẫn sẽ tăng lên. Sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã đạt đến gần 70%. Do đó nhìn chung có thể nói rằng sẽ không có biến động mạnh về nhu cầu năng lượng ở Trung Quốc, và điều này sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác năng lượng với Nga".
Chuyên gia lưu ý: Nga và Trung Quốc đã ký kết hợp đồng dài hạn để cung cấp năng lượng, vì vậy những thay đổi ngắn hạn trong điều kiện thị trường sẽ không ảnh hưởng đến khối lượng mua hydrocarbon đã thỏa thuận trước đó. Ngoài ra, sản lượng dầu mỏ của riêng Trung Quốc đã giảm xuống trong năm thứ ba liên tiếp. Năm 2018, khối lượng khai thác là 189,11 triệu tấn/ngày-ít hơn 1,3% so với một năm trước đó. Tài nguyên đang cạn kiệt và Trung Quốc buộc phải khai thác dầu từ những mỏ khó tiếp cận, giá thành đắt hơn nhiều. Do giá năng lượng thấp trên thế giới, dầu mỏ khai thác tại Trung Quốc đang trở nên ít lợi nhuận hơn so với việc mua từ nước ngoài. Khả năng ảnh hưởng của sự chậm lại trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ được bù đắp bằng việc giảm sản lượng khai thác hydrocarbon trong nước.
Xem thêm |