|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trung Quốc quyết đẩy mạnh công nghiệp công nghệ cao

18:00 | 21/03/2017
Chia sẻ
Bộ trưởng bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc trình bày quan điểm về đẩy mạnh phát triển kinh tế ở các ngành công nghiệp mới trong nước.
trung quoc quyet day manh cong nghiep cong nghe cao
Bộ trưởng bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc Miao Wei phát biểu tại buổi tọa đàm (Ảnh: The New York Times)

Theo thông tin từ Bắc Kinh, một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã lên tiếng bảo vệ cho chính sách thúc đẩy việc tự sản xuất chip máy tính, ô tô điện cũng như các sản phẩm trong các ngành công nghiệp khác. Cụ thể, ông Miao Wei, Bộ trưởng bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc gọi đây là chiến dịch cần thiết trong bối cảnh các thiết bị công nghệ cao đang bị thâu tóm bởi các nước phương Tây.

Để đưa đất nước ra khỏi tình trạng sản xuất cấp thấp, Bắc Kinh lên kế hoạch đẩy mạnh phát triển kinh tế ở các ngành công nghiệp mới bằng cách cung cấp những gói cho vay giá rẻ, quỹ nghiên cứu và các hỗ trợ khác, với tổng trị giá 300 tỷ đô la. Những công ty lớn khác trên thế giới lo ngại rằng chương trình này sẽ tạo ra lợi thế cho những công ty nội địa (và bất công với những công ty nước ngoài) khi mà Trung Quốc tuyên bố mục tiêu sở hữu 80% một số thị trường nội địa cụ thể trong vòng 8 năm tới.

Vị Bộ trưởng nói rằng chính sách mới không phải nhằm ngăn chặn sự cạnh tranh từ các nước bên ngoài. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm, kế hoạch sẽ có thể thay đổi.

“Chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc đóng cửa với thế giới, nhưng tôi nghĩ chúng tôi cần có một số điều chỉnh”, ông Miao Wei phát biểu trong ngày thứ 2 của buổi tọa đàm về phát triển Trung Quốc (buổi tọa đàm diễn ra trong 3 ngày với sự tham gia của những nhà hoạch định chính sách cấp cao của nước này, lãnh đạo các tập đoàn lớn và những nhà kinh tế học hàng đầu thế giới).

Theo lời của Bộ trưởng, Trung Quốc mong muốn nhiều hơn nữa những nhà sản xuất trong nước nhưng cũng luôn chào đón các doanh nghiệp nước ngoài.

Chiến dịch này của Trung Quốc đang làm cho vấn đề thương mại toàn cầu trở nên nhạy cảm. Trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang hoan nghênh thành tích toàn cầu hóa của đất nước thì Trung Quốc lại đang bị chỉ trích về việc thiên vị các công ty của nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đáp trả bằng một chiến dịch ở Mỹ trong đó đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu và gọi tên Trung Quốc trong các vấn đề về thương mại và tiền tệ.

trung quoc quyet day manh cong nghiep cong nghe cao
Công nhân sử dụng kính hiển vi để lắp ráp bộ phận cho điện thoại tại một nhà máy ở Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Những công ty ở phương Tây lo ngại rằng chiến dịch “Made in China” được Trung Quốc dùng làm công cụ ép các nước khác chuyển giao công nghệ nếu họ muốn trụ lại được ở Trung Quốc. Họ còn lo ngại rằng quỹ hỗ trợ từ chính phủ và các nguồn khác có thể được dùng để thâu tóm nhiều công ty từ phương Tây đồng thời chu cấp cho những công ty trong nước.

Một trong những điểm gây tranh cãi nhất của chính sách là cách mà Trung Quốc muốn thâu tóm thị phần. Trong đó có 2 biện pháp : yêu cầu một lượng lớn giá trị hàng hóa phải được sản xuất ở Trung Quốc hoặc thiết lập một thị phần cụ thể cho các công ty trong nước. Cả hai phương pháp này đều bị cấm bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Những điều luật như trên cũng có thể làm ảnh hưởng đến sự dịch chuyển thị trường. Các lãnh đạo Trung Quốc từng đưa ra một điều luật vào năm 2005, trong đó yêu cầu phần lớn những nhà sản xuất tua-bin gió phải là doanh nghiệp trong nước. Yêu cầu này đã khiến cho rất nhiều những nhà sản xuất tua-bin lớn trên thế giới phải chuyển cơ sở đến Trung Quốc và chuyển giao công nghệ cho nước này.

Mặc dù Trung Quốc đã bãi bỏ điều luật này 4 năm sau khi Mỹ can thiệp, nhưng hậu quả mà nó để lại cho các doanh nghiệp khác là rất khó khắc phục. Trung Quốc vẫn thâu tóm thị trường tua-bin gió với 42% thị phần vào năm ngoái (theo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu).

Bộ trưởng Miao nói rằng yếu tố nội địa trong chính sách mới là rất quan trọng khi mà các nước phương Tây cũng có chính sách riêng của họ. Rất nhiều nước không cho phép các sản phẩm công nghệ cao (cả quân dụng và dân dụng) được bán tại Trung Quốc và một số nước khác.

“Ở một số lĩnh vực, chúng tôi nhấn mạnh yếu tố nội địa”, “Đó là trách nhiệm của chúng ta, một số sản phẩm bị giới hạn xuất khẩu ở những nước phát triển, tuy nhiên chúng ta lại đang có nhu cầu về những sản phẩm đó”. Ông Miao phát biểu trong buổi tọa đàm diễn ra vào chủ nhật vừa qua.

Tuy nhiên, ông Jörg Wuttke, chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Trung Quốc, đã bác bỏ lời biện hộ của ông Miao. Theo ông, đúng là nhiều quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, có các quy tắc xuất khẩu như vậy, thì nó cũng chỉ ảnh hưởng một phần rất nhỏ thị phần đồ công nghệ cao.

“EU có giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc lên tới 30 tỷ Euro và 6 tỷ Euro sang Hong Kong. Thật khó để nói rằng chúng tôi áp dụng chính sách giới hạn xuất khẩu”, ông Wuttke nhấn mạnh.

Quang Lương