|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc ồ ạt đầu tư vào ngành gỗ: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

21:26 | 22/08/2016
Chia sẻ
Để được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia như EVFTA, TPP, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam.

Song, các doanh nghiệp trong ngành cho rằng, việc này sẽ tiềm ẩn nguy cơ khiến ngành gỗ Việt Nam bị các nước kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Trung Quốc chiếm 1/3 các doanh nghiệp FDI ngành gỗ

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), cho hay hiện nay chúng ta có khoảng trên 500 doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế biến gỗ thì các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng một phần ba.

Không những vậy, gần đây, Vifores tiếp xúc với rất nhiều nhà đầu tư mới của Trung Quốc có ý định đầu tư vào ngành này nhằm hưởng lợi từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu khoảng 12 tỉ đô la Mỹ đồ gỗ sang thị trường Mỹ, trong khi Việt Nam mới chỉ đạt 2 tỉ đô la Mỹ/năm. Dư địa còn rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam nên các doanh nghiệp Trung Quốc mới chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam.

trung quoc o at dau tu vao nganh go tiem an nhieu rui ro
Xuất khẩu các sản phẩm gỗ đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh: TL

Hơn nữa, sản phẩm gỗ của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá rất cao khi xuất khẩu sang Mỹ nên họ sang Việt Nam để được hưởng lợi từ việc miễn thuế khi TPP, EVFTA có hiệu lực. “Doanh nghiệp biết, hiệp hội biết việc này nhưng chúng tôi không làm gì được”, ông Quyền nói.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) gần đây, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), cho hay rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư chui thông qua việc mua lại các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn thua lỗ hoặc đã phá sản. Thậm chí, họ còn để người Việt Nam đứng tên các công ty này.

“Tôi đã trao đổi với lãnh đạo hải quan, họ nói rằng đây là tình trạng rất khó kiểm soát”, ông Hạnh nói và cảnh báo: “Nếu có sự gia tăng đột biến trong một ngành hàng nào đó, một sản phẩm cụ thể nào đó thì chúng ta sẽ bị kiện chống bán phá giá. Ngoài ra, Việt Nam vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường nên khả năng có thể bị kiện kép là chống trợ cấp. Đây là điều nguy hiểm cho nền kinh tế”.

Xuất khẩu gặp nhiều khó khăn

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, ước tính giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ 7 tháng đầu năm 2016 đạt 3,8 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, đây là mức tăng rất thấp, khi mà những năm trước, bình quân xuất khẩu gỗ tăng 7-8%.

Ông Quyền cho hay, có hai nguyên nhân dẫn tới việc kim ngạch xuất khẩu gỗ không tăng trưởng như kỳ vọng là do xuất khẩu hai mặt hàng là dăm mảnh và đồ gỗ ngoài trời gặp nhiều khó khăn.

Đối với dăm mảnh, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu được khoảng 7,5 triệu tấn dăm khô nhưng trong 6 tháng đầu năm nay chỉ xuất khẩu được khoảng 1,8 triệu tấn, chủ yếu là do thị trường Trung Quốc giảm mua. Thứ hai là xuất khẩu sản phẩm bàn ghế ngoài trời giảm mạnh, chủ yếu là thị trường EU do tác động của Brexit và khủng hoảng nhập cư.

Ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ Bình Định, cho hay 85% sản phẩm gỗ xuất khẩu của Bình Định là bàn ghế ngoài trời, còn lại 15% là gỗ nội thất trong nhà. Do tác động của Brexit nên nhiều khách hàng châu Âu đã yêu cầu phía Việt Nam giảm giá đơn hàng 6-7%. Không chỉ giảm giá, mà họ còn giảm đơn hàng do nhu cầu tiêu thụ yếu.

Do đó, theo Vifores, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 7,6 tỉ đô la Mỹ trong năm nay khó lòng đạt được.

Sản phẩm gỗ của Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá rất cao khi xuất khẩu sang Mỹ nên họ sang Việt Nam để được hưởng lợi từ việc miễn thuế khi TPP, EVFTA có hiệu lực. “Doanh nghiệp biết, hiệp hội biết việc này nhưng chúng tôi không làm gì được”, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) nói.