|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Trung Quốc không bỏ vị thế 'nước đang phát triển' trong WTO bất chấp sức ép của Mỹ

08:21 | 07/04/2019
Chia sẻ
Dù Mỹ gây áp lực, Trung Quốc tuyên bố họ sẽ vẫn sát cánh với các nước đang phát triển để thực hiện những cải cách vì tương lai của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

WTO xếp Trung Quốc vào nhóm quốc gia đang phát triển, nghĩa là Bắc Kinh hưởng "sự đối xử đặc biệt và khác biệt" - như có quyền trợ cấp nông nghiệp, đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn để tiếp cận thị trường nội địa so với nhóm nước giàu.

Từ lâu Mỹ đã đề nghị WTO tước những đặc quyền về thương mại dành cho Trung Quốc và một số quốc gia đang phát triển. Nhưng hôm 6/4, Trung Quốc tuyên bố họ sẽ không từ bỏ vị thế "quốc gia đang phát triển" trong WTO.

Mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc phản ảnh sự chia rẽ cơ bản trong WTO, đe dọa tương lai của hệ thống mậu dịch đa phương toàn cầu.

Trung Quốc không bỏ vị thế nước đang phát triển trong WTO bất chấp sức ép của Mỹ - Ảnh 1.

Trung Quốc không từ bỏ "sự đối xử đặc biệt và khác biệt" trong khuôn khổ WTO. Ảnh: Japan Times

Mỹ luôn phàn nàn rằng khoảng 2/3 nước thành viên WTO tự phân loại họ là "quốc gia đang phát triển" để tận dụng những điều khoản ưu đãi trong thương mại toàn cầu. Tổng thống Donald Trump chỉ trích WTO, gọi tổ chức này là "một thảm họa".

Mặc dù vậy, một số nước - như Ấn Độ và Trung Quốc - khẳng định ưu đãi dành cho nhóm nước đang phát triển là một trụ cột quan trọng của hệ thống mậu dịch toàn cầu. Cì thế, dù đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và nước xuất khẩu lớn nhất hành tinh, Bắc Kinh vẫn tự gọi họ là "quốc gia đang phát triển lớn nhất thế giới".

Gao Feng, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 4/4 rằng Trung Quốc sẽ vẫn giữ vị thế "quốc gia đang phát triển" dù Brazil đã đồng ý bỏ vị thế này để nhận sự ủng hộ của Mỹ trong việc gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

"Quan điểm của Trung Quốc đối với cải cách WTO luôn rõ ràng. Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất thế giới. Chúng tôi sẽ không né tránh những trách nhiệm quốc tế và sẵn sàng đảm nhận những nghĩa vụ trong WTO phù hợp với trình độ phát triển kinh tế và khả năng của Trung Quốc. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ hợp tác với các nước đang phát triển khác để duy trì những quyền cơ bản của chúng tôi, bảo vệ tiếng nói và lợi ích phát triển của những nước đang phát triển", người phát ngôn nhấn mạnh.

Washington nhận định những quy định gần đây của WTO đã quá "thoáng", tạo điều kiện để Trung Quốc trợ giá nhiều ngành công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước và phân biệt đối xử với nhà đầu tư nước ngoài, làm trầm trọng hơn một số vấn đề như ép buộc doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ nếu muốn vào thị trường Trung Quốc và lấy cắp sở hữu trí tuệ.

Trung Quốc không bỏ vị thế nước đang phát triển trong WTO bất chấp sức ép của Mỹ - Ảnh 2.

Một phiên họp tại trụ sở của Tổ chức Thương mại Thế giới ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: iisd.org

Phát biểu trong Diễn đàn châu Á Bác Ngao tại đảo Hải Nam vào tuần trước, ông  Chu Tiểu Xuyên, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc, thừa nhận một số lời chỉ trích của Mỹ dành cho Trung Quốc phản ánh đúng thực tế. Song ông cũng lưu ý rằng một số thành viên WTO đã hiểu nhầm chính sách thương mại của Bắc Kinh.

 "Chúng tôi đã giảm mạnh sự méo mó của thị trường và trợ cấp không hợp lý. Nhưng do đây là quá trình chuyển đổi nên nó phải diễn ra trong nhiều năm. Vì thế, một số hình thức méo mó của thị trường vẫn tồn tại", ông Chu nói.

Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng tăng tốc quá trình cải cách để loại bỏ sự méo mó của thị trường. Vì thế, chắc chắn tình trạng méo mó sẽ biến mất. Những lời chỉ trích đối với Trung Quốc có thể gây hiểu nhầm.

"Trung Quốc là một nước lớn. Trong quá trình thực thi cải cách, chúng tôi có thể thực hiện những hành động không nhất quán ở cấp độ địa phương, và nhiều chính quyền địa phương hành xử không phù hợp, nhưng đó không phải là lập trường của chính phủ Trung Quốc", ông Chu giải thích.

Nam Phi, Ấn Độ, Trung Quốc và Venezuela từng phản đối một đề xuất mà Mỹ đưa ra nhằm thay đổi sự đối xử "khác biệt và đặc biệt" dành cho quốc gia đang phát triển.

4 nước đã gửi một văn bản lên WTO để tuyên bố việc các nước đang phát triển tự phân loại vị thế của họ là một chính sách lâu đời của WTO và phục vụ hiệu quả nhất những mục tiêu của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh.

Nhạc Dương

Cơn sốt sau bầu cử hạ nhiệt: Dow Jones mất hơn 380 điểm, S&P 500 đứt chuỗi tăng 5 phiên
Cả ba chỉ số chính đều rời khỏi đỉnh lịch sử sau khi động lực tăng giá hậu bầu cử dần biến mất. Hiện thị trường đang chuyển sự chú ý sang loạt dữ liệu kinh tế quan trọng sắp được công bố.