|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc giảm mua nhiều hàng nông sản của Việt Nam

08:51 | 11/08/2016
Chia sẻ
7 tháng đầu năm 2016, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam ghi nhận mức giảm rất mạnh như gạo, sắn… Một trong những nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Việt Nam.

Theo báo cáo vừa công bố của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy, 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu nông lâm thủy sản có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2016 đạt 17,8 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên mức tăng này không đồng đều đối với các mặt hàng. Trong khi cà phê, điều... có lượng xuất khẩu tăng thì một số khác lại ghi nhận mức giảm rất mạnh như gạo, sắn… Một trong những nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu từ Việt Nam.

Cụ thể, như mặt hàng gạo: Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 năm 2016 ước đạt 274.000 tấn với giá trị đạt 120 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,93 triệu tấn và 1,32 tỷ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

trung quoc giam mua nhieu hang nong san cua viet nam
Trung Quốc giảm mua nhiều hàng nông sản của Việt Nam (Ảnh minh họa)

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016 với 35,1% thị phần.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 912,1 nghìn tấn và 420,2 triệu USD, giảm 23% về khối lượng và giảm 13,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân chính dẫn tới việc xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm mạnh là do phía Trung Quốc tiếp tục siết chặt quản lý xuất nhập khẩu gạo qua biên giới đất liền phía Bắc, chống buôn lậu gạo khiến việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch không thuận lợi.

Sắn và các sản phẩm từ sắn cũng là một trong các mặt hàng giảm mạnh về lượng xuất khẩu do Trung Quốc giảm mua.

Cụ thể, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 7 năm 2016 ước đạt 206 nghìn tấn với giá trị đạt 61 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các phẩm từ sắn 7 tháng đầu năm đạt 2,31 triệu tấn và 616 triệu USD, giảm 19% về khối lượng và giảm 28,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2015.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính trong 6 tháng đầu năm 2016 chiếm tới 86,1% thị phần sắn, giảm 23,5% về khối lượng và giảm 33% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015.

Theo ông Nghiêm Minh Tiến, Phó chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam, xuất khẩu sắn theo đường tiểu ngạch sang thị trường này gặp rất nhiều khó khăn do phía Trung Quốc đã đóng gần như các cửa khẩu biên giới 2 tháng nay. Cũng theo Bộ Nông nghiệp, Trung Quốc cũng giảm thu mua thịt heo từ Việt Nam. Xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc cũng đã bị dừng lại khoảng 3 tháng nay khiến giá heo cũng đã sụt giảm mạnh tại thị trường trong nước. Cụ thể, trong tháng 7, giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh phía Nam diễn biến theo xu hướng giảm. Tại Đồng Nai, giá lợn hơi bán ra tại các trại hiện chỉ còn 42.000 - 43.000 đ/kg, giảm 5.000 - 6.000 đ/kg so với mức giá cuối tháng 6.

Nếu so với thời điểm tháng 4 và đầu tháng 5, giá lợn hơi tại Đồng Nai đã giảm 12.000 - 13.000 đồng/kg, tương đương mức giảm hơn 23%. Tại một số địa phương như Vĩnh Long, An Giang, giá đã giảm 500 đồng/kg và 1.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 7, với giá 42.500 đồng/kg và 44.000 đồng/kg.

Nhóm ngành hút mạnh dòng tiền thời gian tới qua lăng kính các nhà quản lý quỹ
Theo các chuyên gia, một số nhóm ngành được kỳ vọng thu hút dòng tiền đầu tư thời gian tới kể đến tiêu dùng, bán lẻ, ngân hàng, công nghệ thông tin, đầu tư công…