Trung Quốc: dòng vốn chuyển hướng
Tại một đại lý xe hơi ở Qiqihar, Trung Quốc. Cho vay tiền mua xe hơi trả góp là một trong những cách làm cho khối nợ nần của người tiêu dùng Trung Quốc tăng nhanh. Ảnh: NYT |
Li Jing, 33 tuổi, nhân viên buôn bán xe hơi ở Qiqihar tỉnh Hắc Long Giang - một thị trấn nhỏ nằm giữa khu vực sản xuất công nghiệp đang suy thoái - là một trong hàng triệu người Trung Quốc đã vay tiền qua thế chấp nhà ở (mortgage) để chi trả cho lối sống trung lưu. Trong hai năm qua, cô Li và chồng bỏ ra 120.000 đô la Mỹ để nâng cấp căn hộ và mua hai chiếc xe hơi mới, mỗi chiếc 30.000 đô la; tất cả đều bằng tiền vay thế chấp.
Khoản vay thế chấp của vợ chồng cô Li có thời hạn 10 năm, tiền vốn và lãi phải trả mỗi tháng lấy đi của họ một phần ba tổng thu nhập - chuyện lạ ở một đất nước hầu như chỉ giao dịch bằng tiền mặt. “Tôi coi vay thế chấp như một hình thức tiết kiệm bởi vì sau 10 năm tôi sẽ sở hữu hoàn toàn căn hộ và xe hơi đó”, cô Li nói.
Vợ chồng cô Li lúc đầu tích cóp tài sản theo kiểu truyền thống. Khi lấy nhau năm 2003, vợ chồng cô mua một căn hộ rẻ tiền, chồng cô được cơ quan cấp cho một căn hộ nữa và họ cùng mua căn hộ thứ ba để đầu tư. Khi giá nhà đất tăng nhanh những năm gần đây, họ bán cả ba căn hộ rồi dồn tiền mua một căn hộ cao cấp ba phòng ngủ, bỏ ra thêm 30.000 đô la để sửa chữa trang trí và mua hai chiếc xe mới, một chiếc Honda Accord và một chiếc Volkswagen Tiguan. Một phần tiền trang trải cho các tiện nghi trung lưu này là tiền vay; và theo cô Li, một phần ba trong số các khách hàng mua xe của cô cũng vay tiền như vậy. “Khi tôi mua chiếc xe đầu tiên năm 2006, hầu như trong khu phố tôi ở chưa ai có xe, nhưng nay đường sá đã trở nên chật chội, đôi khi thật khó tìm được chỗ đậu xe”, cô Li nói.
***
Mua nhà và thế chấp bằng chính ngôi nhà đó để vay tiền chiếm tỷ lệ lớn trong giá trị tín dụng tiêu dùng của Trung Quốc; nhưng tỷ lệ mua xe thế chấp giấy chủ quyền xe còn tăng nhanh hơn và tiêu dùng bằng thẻ tín dụng cũng đang trở thành phổ biến. Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho thấy tín dụng tiêu dùng đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm ngoái, khi chính phủ khuyến khích cho vay tới hộ dân cư.
Trong nhiều năm qua, hầu như chỉ có các công ty quốc doanh lớn và chính quyền các địa phương quyền lực ở Trung Quốc mới có thể vay mượn hàng ngàn tỉ đô la để thực hiện những gì họ muốn. Nay thì dòng vốn tín dụng đó đang chuyển hướng sang hoạt động cho vay tiêu dùng mà cô Li Jing nói trên là một khách hàng tiêu biểu. Ý tưởng chiến lược của Bắc Kinh là vừa phòng ngừa rủi ro tín dụng tập trung ở khu vực doanh nghiệp nhà nước lớn nhưng làm ăn kém hiệu quả, vừa nỗ lực chuyển dịch nền kinh tế từ tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng của cư dân.
Vấn đề là dù cho vay đầu tư hay cho vay tiêu dùng thì xã hội Trung Quốc cũng đang tích lũy một khối nợ quá lớn và tốc độ tăng trưởng nợ quá nhanh làm cho rủi ro vỡ nợ ngày càng trở thành mối lo ngại của giới kinh doanh và đầu tư.
Thứ Năm tuần trước, tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Standard & Poor’s (S&P) đã hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc từ AA- xuống A+, sau khi cảnh báo rằng tỷ lệ nợ quá cao và sự gia tăng quá nhanh về nợ nần có nguy cơ gây bất ổn cho hệ thống tài chính quốc gia. Quan điểm của S&P cũng phù hợp với đánh giá của nhiều tổ chức tài chính quốc tế khác như Moody’s và Fitch Ratings. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc đang có xu hướng “nguy hiểm” và kêu gọi chính phủ nước này có “hành động quyết định”; Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) từ tháng 9 năm ngoái còn đưa ra nhận định, tăng trưởng tín dụng quá đà của Trung Quốc là dấu hiệu báo trước một cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ xảy ra trong vòng ba năm tới. Mới tháng trước, IMF dự báo khối nợ của khu vực phi tài chính của Trung Quốc sẽ lên tới mức 300% tổng sản lượng (GDP) vào năm 2022, từ mức 242% của năm ngoái.
Để ngăn chặn xu thế nguy hiểm này, IMF và nhiều định chế tài chính khác kiến nghị Trung Quốc nên chấm dứt tập trung vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang gây áp lực lên tăng trưởng tín dụng. “Theo quan điểm của chúng tôi, chừng nào [Trung Quốc không đạt được] các mục tiêu tăng trưởng do không có tăng trưởng tín dụng thật mạnh thì chừng ấy vẫn có cái gì đó làm suy yếu sự hỗ trợ của tín dụng đối với chính phủ”, ông Kim Eng Tan, Giám đốc cao cấp về xếp hạng tín dụng của S&P, nói với hãng tin Reuters về việc hạ một bậc tín nhiệm của Trung Quốc. Ông Tan cho biết thêm rằng, S&P đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc ngăn ngừa rủi ro tín dụng song cho rằng nỗ lực đó đã không mang lại kết quả và nợ nần vẫn tăng với tốc độ không bền vững.
Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc không đồng ý với những đánh giá như vậy của các tổ chức tài chính quốc tế. Ngay sau khi S&P hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc, bộ tài chính nước này lập tức phản đối; một bài viết trên trang web của bộ này tuyên bố: “Trung Quốc có khả năng duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính thông qua việc cho vay thận trọng, cải thiện sự giám sát của chính phủ và cơ chế kiểm soát rủi ro tín dụng”.
Chuyên gia Liu Shangxi, phụ trách Viện Hàn lâm khoa học tài khóa thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc nói với các nhà báo hôm thứ Sáu tuần trước rằng đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế đối với Trung Quốc là “một chiều”. “Tính bền vững về nợ nần của Trung Quốc rất khác với các nước phương Tây... nếu như bạn chỉ nhìn vào quy mô của khối nợ, tỷ lệ so với GDP để rút ra kết luận”, ông Liu nói và cho rằng, mức gia tăng nợ ở Trung Quốc không phải là mối quan tâm lớn vì phần lớn tín dụng được đổ vào cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị - những lĩnh vực sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
***
Công bằng mà nói, tăng trưởng tín dụng trong suốt năm 2016, cùng với các biện pháp kích thích của chính phủ đã góp phần giúp Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,9% trong nửa đầu năm nay. Vả lại, mức độ vay nợ bình quân của hộ gia đình Trung Quốc vẫn còn thấp, chỉ dưới 50% GDP, kém xa so với các nước phát triển như Nhật Bản, Đức (dưới 70% GDP), đặc biệt là Mỹ và Anh Quốc - nơi mà nợ của hộ dân cư tương đương với ba phần tư GDP.
Cho đến nay, tín dụng tiêu dùng đã và đang giúp người dân Trung Quốc vượt qua những khó khăn do tình trạng kinh tế bị chậm lại trong những năm gần đây. Ở Qiqihar - thành phố 5 triệu dân mà hoạt động kinh tế bị gián đoạn hai năm trước do nhà máy thép đóng cửa khiến hơn 40.000 công nhân mất việc - tình hình đang được cải thiện dần với những khu cao ốc văn phòng và căn hộ được xây dựng ồ ạt bên cạnh nhà ga xe điện cao tốc mới hoàn thành. Trong nửa đầu năm nay, kinh tế thành phố tăng trưởng 6,4%, chưa bằng mức 6,9% bình quân cả nước nhưng đã cao hơn đáng kể so với 5,6% cùng kỳ năm ngoái.
Người dân Qiqihar cho biết, tín dụng là đóng góp quan trọng. Nếu như ngày xưa, người mua nhà phải trả ngay 100% giá trị căn nhà bằng tiền mặt thì nay họ chỉ cần trả trước (down-payment) khoảng 20-30%, phần còn lại được ngân hàng cho vay thế chấp. “Chắc chắn ngày sẽ có thêm nhiều người chọn cách vay tiền khi họ muốn mua nhà, đổi nhà lớn hơn hoặc cần vốn kinh doanh”, Fu Shiqiang, một người môi giới bất động sản, cho biết. Còn Zhao Ying, một người môi giới khác, nói rằng anh đã mua chiếc Toyota Visos giá 21.000 đô la bằng món vay thế chấp có lãi suất 0%; trước đây anh đã mua căn hộ bằng tiền mặt nhưng sau này nếu phải đổi nhà chắc anh sẽ vay ngân hàng. “Chắc chắn tôi sẽ vay thế chấp vì nó rất tiện lợi, tiền dành dụm được tôi có thể dùng để kinh doanh hoặc đầu tư”, anh Zhao nói.
Điều mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc lo ngại là tăng trưởng dựa trên nợ nần luôn là xu thế không bền vững. Tăng trưởng tín dụng có thể sẽ không kéo theo tăng trưởng kinh tế mà còn gây nguy hiểm cho tình trạng tài chính của hộ gia đình. Vì thế đã có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang từng bước kiểm soát hoạt động cho vay tiêu dùng, một phần là nhằm kiềm chế giá nhà đất. Trong tuần qua, các ngân hàng ở Bắc Kinh đồng loạt nâng lãi suất cho vay thế chấp và ở hàng loạt thành phố lớn khác, ngân hàng được khuyến cáo không nên khuyến khích cho cá nhân vay để đầu cơ địa ốc và sáu thành phố lớn nhất Trung Quốc đã ban hành những quy định hạn chế người dân đầu cơ địa ốc để làm hạ nhiệt giá nhà.