Trung Quốc điều tra chống bán phá giá thịt heo nhập khẩu từ EU
Theo Bloomberg, Trung Quốc là thị trường nước ngoài tiêu thụ thịt heo lớn nhất của EU, ngay cả khi khối lượng xuất khẩu đã giảm trong những năm gần đây do dư cung trong nước và giá thấp. Thương mại trị giá 1,83 tỷ USD vào năm ngoái, trong đó nông dân ở Tây Ban Nha, Đan Mạch và Hà Lan là những người hưởng lợi lớn nhất.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ khối này. Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 282 tỷ USD từ EU vào năm ngoái.
Việc nhắm vào mặt hàng thịt heo được xem là phản ứng của Trung Quốc sau khi EU lên tiếng áp thuế ô tô điện nhập khẩu từ tháng 7. Trước đó, vào tháng 1, Trung Quốc công bố điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh của châu Âu.
Phản ứng của Trung Quốc
Trong những ngày kể từ quyết định của EU về xe điện, Bắc Kinh đã chỉ trích mạnh mẽ và tiếp tục cáo buộc khối này có chủ nghĩa bảo hộ.
Cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia đã công bố ba bài bình luận liên tiếp chỉ trích EU và gọi hành động của họ là “vũ khí hóa” và “chính trị hóa” thương mại. Trong một bài viết, họ lưu ý rằng một số thương hiệu ô tô châu Âu – như Volkswagen và Mercedes Benz – chiếm hơn 30% doanh số bán hàng tại Trung Quốc.
Hiện tại, khó để đánh giá hậu quả của cuộc điều tra sẽ như thế nào. Tuy nhiên, Ulrik Bremholm, phó chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch cho biết, nếu Trung Quốc áp thuế sẽ tác động “cực kỳ khó khăn” đến ngành công nghiệp thịt của Đan Mạch. Ông kêu gọi tất cả bên liên quan xem xét hậu quả đối với việc làm và an ninh lương thực.
Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas cho biết: “Xung đột thương mại không tốt cho bất kỳ ai và đặc biệt là liên quan đến các sản phẩm nông sản thực phẩm”. Ông hy vọng có thể tránh được thuế quan và ông sẽ “làm mọi cách” để tránh một cuộc chiến thương mại.
Pedro Mataranz, người giám sát ngành thịt heo tại hiệp hội nông dân Tây Ban Nha UPA, cho biết: “Phải có đối thoại trực tiếp với Trung Quốc để đảm bảo rằng tất cả những điều này ảnh hưởng đến chúng tôi ít nhất có thể”.
Nông nghiệp thường là mảnh đất màu mỡ cho các xung đột thương mại - đặc biệt đối với các sản phẩm mà nhiều nước có thể cung cấp, giảm thiểu sự phụ thuộc quá nhiều vào một nguồn cung. Trung Quốc áp thuế đối với đậu nành nhập khẩu của Mỹ vào thời điểm cuộc chiến thương mại với chính quyền ông Donald Trump lên đến đỉnh điểm. Tranh chấp gần đây liên quan đến các biện pháp thương mại chống lại lúa mạch, thịt bò, bông và tôm hùm cũng như rượu vang của Australia.
Trong trường hợp lúa mạch và rượu vang của Australia, Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu chính nên mức thuế áp đặt gây thiệt hại nặng nề, nhưng người mua Trung Quốc vẫn có thể tìm được các nhà cung cấp khác. Nước này cũng có nhiều nguồn cung thịt heo khác, trong nước hoặc nước ngoài. Và giờ đây, thuế quan của Trung Quốc đối với rượu vang Australia đã được dỡ bỏ và có thể thay thế các chai rượu vang của châu Âu nếu nó bị đánh thuế.
Thương mại thịt heo EU
Trước thông báo của Bắc Kinh hôm thứ Hai, nhu cầu thịt heo của Trung Quốc đã suy yếu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước chậm lại và đàn heo của quốc gia phục hồi mạnh mẽ. Xuất khẩu thịt heo của EU sang Trung Quốc đã giảm 16% so với cùng kỳ trong hai tháng đầu năm 2024.
Đầu năm nay, nhà sản xuất thịt heo lớn nhất châu Âu Danish Crown A/S cho biết họ có kế hoạch chuyển sang kinh doanh hướng tới người tiêu dùng nhiều hơn, chẳng hạn như các bữa ăn sẵn ở châu Âu, khi xuất khẩu sang Trung Quốc trở nên kém cạnh tranh hơn.
Pháp gần đây đã ký một thỏa thuận bán thịt heo và rượu vang cho Trung Quốc. Theo hiệp hội công nghiệp Inaporc, quốc gia này là điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu thịt heo của Pháp và cho biết họ đang theo dõi cuộc điều tra chặt chẽ.