Trung Đông ghi nhận mức nợ kỷ lục với 47,9 tỷ USD
Trung Đông ghi nhận mức nợ kỷ lục với 47,9 tỷ USD. Ảnh: Bloomberg. |
Theo đó, Saudi Arabia đã huy động được 12,5 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu phiếu chính phủ, gồm cả trái phiếu thời hạn 30 năm. Trước đó, quốc gia này cũng đã ghi nhận kỷ lục huy động vốn từ phát hành trái phiếu hồi tháng 10/2016, khi vay giới đầu tư 17,5 tỷ USD.
Theo Financial Times, Arab Saudi tăng vay nợ để hỗ trợ giải quyết việc giá dầu giảm trong 3 năm qua, khiến tài chính của quốc gia chịu áp lực và buộc quốc gia Trung Đông phải sử dụng nguồn tài chính dự trữ được trong những năm giá dầu ở mức trên 100 USD.
Trong khi đặt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2020, Arab Saudi cũng lên kế hoạch cải cách quy mô lớn để thúc đẩy khu vực tư nhân và đa dạng hóa nguồn thu của chính phủ.
Thái tử Mohammed bin Salman của Arab Saudi đã công bố kế hoạch bán 200 tỷ USD cổ phần các doanh nghiệp nhà nước, mở đầu qua vụ chào bán 5% cổ phần của người khổng lồ năng lượng Saudi Aramco lần đầu tiên ra công chúng.
Việc phát hành trái phiếu của các nước Trung Đông bắt nguồn từ làn sóng nhu cầu đối với nợ trên thị trường mới nổi, khi lãi suất thấp tại các nền kinh tế phát triển lớn khiến giới đầu tư phải tìm đến những khoản lợi nhuận cao hơn ở nơi khác.
Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết, Arab Saudi có thể giảm lợi suất cần thiết để thu hút các nhà đầu tư. Đợt phát hành 4,5 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 30 năm có lợi suất là 180 điểm cơ bản, thấp hơn mức giá dự kiến ban đầu là 200 điểm cơ bản. Lợi suất trái phiếu 5 năm và 10 năm là 110 và 145 điểm cơ bản.
Số liệu từ Dealogic cho thấy, đợt vay nợ mới nhất của Arab Saudi đã đưa giá trị phát hành trái phiếu từ các quốc gia Trung Đông lên mức cao kỷ lục. Tổng số nợ đã vay trong năm tính tới thời điểm hiện tại của khu vực là 47,9 tỷ USD, tăng từ mức 37 tỷ USD năm 2016.
Tháng 8, Iraq đã phát hành trái phiếu độc lập trị giá 1 tỷ USD lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ, với mức đặt mua đạt 6,6 tỷ USD. Ngoài ra, đầu tháng này, Bahrain cũng đã thu hút 15 tỷ USD đơn đặt mua cho đợt phát hành trái phiếu 3 tỷ USD. Trong khi Jordan, Oman và Kuwait đều tiến hành vay nợ từ thị trường quốc tế trong năm nay. Hồi tháng 4, Arab Saudi cũng đã vay 9 tỷ USD thông qua một loại trái phiếu Hồi giáo. Theo Financial Times, quốc gia này đã huy động khoảng 19 tỷ USD thông qua phát hành trái phiếu Hồi giáo nội địa và quốc tế trong năm nay. Sự phục hồi của giá dầu trong thời gian gần đây và chính sách thắt chặt chi tiêu đã giúp Bộ Tài chính Arab Saudi giảm dự báo thâm hụt trong nửa đầu năm 2017 xuống 19,4 tỷ USD. Bộ này dự kiến thâm hụt ngân sách trong năm 2017 là 53 tỷ USD.
Ngoài ra các cơ quan xếp hạng tín nhiệm hàng đầu là Moody’s và Fitch lần lượt xếp hạng nợ của quốc gia này ở A1 và A+.