Trump họp với giới CEO thung lũng Silicon
Nhà đầu tư công nghệ, giám đốc Facebook Peter Thiel là đại diện hiếm hoi của giới công nghệ công khai ủng hộ Trump. Ảnh: AFP |
Cuộc gặp được kỳ vọng sẽ giải quyết mối quan hệ phức tạp giữa Nhà Trắng với các công ty giá trị nhất nước Mỹ.
Nguồn tin thân cận nói với Wall Street Journal rằng trong số những người tham dự sẽ có CEO Apple Tim Cook, COO của Facebook Sheryl Sandberg, CEO Microsoft Satya Nadella, CEO Tesla Motors Elon Musk, CEO cùng chủ tịch của Google Larry Page và Eric Schmidt. Ngoài ra, có thể có thêm CEO của Intel, IBM, Oracle, Cisco.
Từ khi Trump trúng cử, giới công ty công nghệ lo lắng về chính sách nhập cư, chính sách chống độc quyền và những yêu cầu dữ liệu từ chính phủ dưới thời Tổng thống mới.
Về phần mình, Donald Trump nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gia tăng việc làm cho người Mỹ, một chủ đề đẩy các công ty công nghệ vào cảnh lo lắng.
Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon và Facebook là 5 trong số 7 công ty giá trị nhất nước Mỹ, nhưng lại thuê ít người hơn các công ty lớn trong các ngành khác. Tổng cộng, 5 công ty trên có 600.000 nhân công, trong đó nhiều người làm việc ở nước ngoài.
Trong khi đó, riêng chuỗi siêu thị Wal-Mart đã thuê 1,5 triệu nhân công tại Mỹ. Không giống như các ngành sản xuất, bán hàng, phân phối và dịch vụ, sự phụ thuộc vào phần mềm đã giới hạn nhu cầu cần nhân công trong ngành công nghệ.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Donald Trump chỉ trích các công ty Appple, IBM khi mang việc làm ra nước ngoài. Ông từng nói "sẽ khiến Apple phải sản xuất máy tính và các sản phẩm khác" ở ngay nước Mỹ. Đáp lại, Apple cho biết họ đang thuê 80.000 nhân công Mỹ và tạo ra hơn 2 triệu việc làm gián tiếp khác tại đây.
Giới công nghệ cũng công khai phản đối Donald Trump khi còn vận động tranh cử. Ví dụ, COO của Facebook, bà Sandberg lên tiếng ủng hộ Hillary Clinton. Tim Cook tổ chức một buổi gây quỹ cho nữ ứng viên Đảng Dân chủ. Còn Schmidt hỗ trợ cho chiến dịch tranh cử của bà. Giám đốc Facebook Peter Thiel, người giúp tổ chức cuộc họp thứ Tư tới, là một trong số ít cái tên hiếm hoi ở Thung lũng Silicon ủng hộ Trump.
Một trong những chủ đề được quan tâm khi giới CEO họp với Trump là cải cách thuế. Trump được cho là sẽ thúc đẩy cải cách thuế doanh nghiệp, có thể khiến các công ty công nghệ Mỹ mang về nước hàng trăm tỷ USD đang cất giữ ở nước ngoài. Riêng Apple hiện cất 91% trong tổng số 237,6 tỷ USD tiền mặt ở bên ngoài nước Mỹ.
Còn Alphabet được dự báo sẽ nêu lên bất cứ vấn đề gì có thể gây hại cho giá trị của họ. Trong số những chính sách Alphabet đang theo dõi là tính trung lập Internet, chống độc quyền và chính sách nhập cư, do Alphabet và nhiều công ty công nghệ khác đang thuê nhiều nhân công nước ngoài.
Ông Donald Trump ra mặt chỉ trích cái gọi là "tính trung lập của Internet". Trong khi đó, các công ty như Alphabet, Netflix lại ủng hộ quy định này vì nó bảo vệ cho dịch vụ video-streaming của họ. Trong khi đó, các nhà cung cấp băng thông rộng như Comcast hay AT&T lại phản đối.
Về chống độc quyền, chính sách của chính quyền mới vẫn chưa rõ ràng nhưng ông Trump đã ra tín hiệu có thể siết chặt quy định. Điều này có thể khiến Amazon và Alphabet lo lắng vì hai công ty này nắm giữ quyền lực lớn trong ngành bán lẻ và tìm kiếm trực tuyến.
Alphabet đã vượt qua một vài cuộc điều tra của Ủy ban Thương mại liên bang dưới thời Obama về vấn đề độc quyền và vẫn đang trong quá trình điều tra về độc quyền tại châu Âu. Trong chiến dịch tranh cử, Trump đã gọi Amazon là "một rắc rối khổng lồ về độc quyền".
Công nghệ là một trong những ngành chăm vận động chính trị nhất thời gian qua. Từ đầu năm đến tháng 10, ngành này được cho là chi ít nhất 162 triệu USD vận động hành lang, theo số liệu từ Trung tâm Ứng đáp chính trị Mỹ.
Riêng Alphabet có 85 nhà vận động được đăng ký, chi 11,9 triệu USD trong việc vận động hành lang cho các vấn đề như chống độc quyền, lao động và bằng sáng chế. Công ty chi nhiều thứ hai là Amazon, với 54 nhà vận động và chi 8,6 triệu USD vận động cho các vấn đề trong ngành thương mại, thuế, di cư và cấp phép cho máy bay drone.