Trợ lực từ ngân hàng sau bão Yagi
Hơn hai tuần sau khi cơn bão số 3 (Yagi) đi qua, tại khu nhà kho chứa vật liệu xây dựng và các thiết bị phòng cháy chữa cháy dùng để cung cấp cho các công trình xây dựng của Công ty TNHH một thành viên Văn Tịnh (Lào Cai) vẫn là một đống đổ nát. Sạt lở đất từ quả đồi phía sau đã khiến cả dãy phố bị ảnh hưởng, hàng chục ngôi nhà bị nghiêng ngả, đổ sập, rất may ở khu phố này không có thiệt hại về người.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Xuân Tịnh - Giám đốc Công ty Xuân Tịnh cho biết trong hơn 10 năm kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng với quy mô hơn 120 nhân sự, chưa bao giờ công ty đứng trước thiệt hại lớn như vậy, ước tính thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Ngoài ra, công ty còn có các công trình bị ảnh hưởng do mưa, sạt lở và hiện tại cũng đã được khắc phục.
"Khi nhận được tin tôi cũng rất bàng hoàng, tôi không nghĩ là một công trình ở giữa thành phố mà lại bị sạt lở. Không phải chỉ riêng chúng tôi mà có 53 hộ dân ở phường Nam Cường (Lào Cai) bị thiệt hại nặng nề", ông Tịnh chia sẻ.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, phía ngân hàng có quan hệ lâu năm với doanh nghiệp là SHB chi nhánh Lào Cai đã nhanh chóng liên hệ, động viên chia sẻ, tư vấn giải pháp để doanh nghiệp có thểvượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động kinh doanh.
"SHB đã có những chính sách ưu đãi, giảm lãi phải trả và giảm phí bảo lãnh dự thầu. Đặc biệt, ngân hàng có chính sách gói vay cố định với lãi suất 4,5%/năm. Với sự hỗ trợ về lãi phải trả và các khoản vay ưu đãi, chúng tôi sẽ nỗ lực để thi công các công trình, khắc phục lại nhà xưởng, nhà kho để từ đó tạo công ăn việc làm cho cán bộ công nhân viên và có nguồn chi trả cho ngân hàng", ông Bùi Xuân Tịnh khẳng định.
Bão số 3 đã gây thiệt hại khổng lồ về người và tài sản cho tỉnh Lào Cai, ước tính thiệt hại ban đầu do thiên tai gây ra là trên 6.640 tỷ đồng. Riêng đối với ngành ngân hàng trên địa bàn, ông Đỗ Quang Huy, Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết, tính đến ngày 20/9/2024, tổng hợp báo cáo sơ bộ của các ngân hàng trên địa bàn có 3.744 khách hàng đang vay vốn ngân hàng bị thiệt hại; dư nợ 5.100 tỷ đồng.
Công ty Văn Tịnh chỉ là một trong hàng trăm khách hàng bị ảnh hưởng do bão Yagi của SHB nói chung và tại Lào Cai nói riêng nhận được sự hỗ trợ sớm từ phía ngân hàng.
Tại Nhà máy Thuỷ điện Đông Nam Á - Nậm Lúc (Lào Cai), công tác dọn dẹp vẫn đang được tiến hành, nhà máy vẫn đang trong tình trạng dừng phát điện. Thủy điện Nậm Lúc là một trong những khách hàng lớn của SHB trên địa bàn Lào Cai với dư nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Chưa hết bàng hoàng, ông Nguyễn Tất Anh, Quyền Giám đốc điều hành của nhà máy chia sẻ, do mưa lớn nhiều ngày trên địa bàn đã dẫn tới sạt lở đất đá từ trên sườn núi xuống nhà điều hành của nhà máy bị san phẳng hoàn toàn, 5 cán bộ nhân viên (bao gồm cả Giám đốc) của nhà máy bị thiệt mạng.
Nước lũ tràn vào ngập toàn bộ thiết bị mà tới nay vẫn chưa có điện, công ty phải dùng máy phát điện để bơm hút nước, vệ sinh nhà máy nên công việc tiến hành khá chậm. Máy móc nhiều khả năng không thể sửa chữa để sử dụng lại mà có thể phải thay mới.
Khi bão đến, hai tuyến đường đi vào nhà máy bị cô lập hoàn toàn, sau vài ngày mới có thể đi bộ vào nhà máy. Trên tuyến đường vào nhà máy, nhiều điểm vẫn bị nguy cơ sạt lở cao, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng chưa tính thời gian dừng vận hành không có doanh thu để sửa chữa nhà máy trong ít nhất 3 tháng tới.
"Đây là một cú sốc lớn với doanh nghiệp của chúng tôi với những thiệt hại không ngờ tới. Ước tính thiệt hại về tài sản hạ tầng trên 100 tỷ đồng, chưa kể đến việc trong thời gian dừng vận hành để sửa chữa thuỷ điện sẽ không có doanh thu", ông Nguyễn Tất Anh chia sẻ.
Nắm được thông tin về khách hàng, ông Hoàng Văn Sỹ - Giám đốc SHB chi nhánh Lào Cai cho biết ngân hàng đã ngay lập tức thăm hỏi, động viên khách hàng. Thấu hiểu khó khăn trước mắt của nhà máy, ngay trong tháng 9, SHB cam kết sẽ tiến hành giảm lãi trong 4 tháng cuối năm 2024, riêng tháng 9, số tiền giảm lãi là 5 tỷ đồng.
Cùng với đó, ngân hàng đã quyết định cho doanh nghiệp vay số tiền 50 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi 4,5%/nămđể doanh nghiệp có nguồn kinh phí thay thế, sửa chữa máy móc, sớm đưa nhà máy đi vào vận hành.
"Sau bão, SHB đã chủ động đến với khách hàng để nắm bắt tình hình thực tế, từ đó xây dựng chính sách và ban hành các chương trình kịp thời hỗ trợ khách hàng, chứ không chờ đợi khách hàng đề xuất", ông Hoàng Văn Sỹ chia sẻ.
Đánh giá về những chính sách này, ông Nguyễn Tất Anh Quyền Giám đốc điều hành thuỷ điện Nậm Lúc chia sẻ: "Ngân hàng đã đưa những gói hỗ trợ hết sức thiết thực. Đây là điểm tựa về tài chính để chúng tôi cố gắng khắc phục và vượt qua giai đoạn khó khăn này."
Đồng hành và cùng chia sẻ khó khăn với khách hàng cũng là mục tiêu được ngành ngân hàng đặt ra trước đó. Tại hội nghị tìm giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sau bão mới đây, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, toàn ngành ngân hàng thể hiện chia sẻ, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
"Mỗi nhà băng phải chủ động tìm đến khách hàng, theo tinh thần “Đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”, tránh câu chuyện “muốn vay lãi suất thấp thì lên tivi”, phải thực hiện đồng bộ từ hội sở chính cho đến các chi nhánh", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành chỉ thị số 04 về các giải pháp của ngành ngân hàng nhằm góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng khẩn trương hỗ trợ cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi bão Yagi như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay cho vay khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành.
Đồng thời, các TCTD thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ, khoanh nợ, cho vay mới đối với khách hàng thuộc đối tượng thuộc lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Các TCTD chủ động báo cáo NHNN chi nhánh để tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức, các nhân liên quan hoàn thiện hồ sơ, trình tự, thu tục khoanh nợ…
Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua tại đất liền. Cơn bão đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế, theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%.
Tại hội nghị tổng kết sau bão Yagi, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết theo đánh giá của các nhà băng toàn hệ thống, đến ngày 25/9, dư nợ bị ảnh hưởng của bão số 3 tại tất cả tỉnh thành lên tới 165.000 tỷ đồng. Số khách hàng chịu ảnh hưởng là hơn 94.000.
Đã có 32 tổ chức tín dụng trên 26 tỉnh thành phía Bắc đã công bố các gói tín dụng để hỗ trợ khách hàng. Tổng trị giá các gói là 405.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn cho vay thông thường 0,5 - 2%.
Để tăng nguồn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, NHNN đề xuất cấp thẩm quyền bố trí nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách đang thực hiện ở Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp cần thiết, Thống đốc đề xuất các bộ ngành trình Thủ tướng bổ sung chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong năm 2024 - 2025.