|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Trở lại nơi từng là tâm 'sốt ảo' đất nền TP HCM

08:08 | 29/11/2017
Chia sẻ
Những biển bán đất nền đã nhòe mực, các công ty môi giới bắt đầu đóng cửa, giá đất đi xuống… Đó là những gì đang diễn ra tại những nơi từng là tâm điểm của “cơn sốt” đất nền tại TP HCM xảy ra nửa đầu năm nay.
tro lai noi tung la tam sot ao dat nen tp hcm
Nhiều nhà đầu tư rao bán lại các khu đất nền tại quận 9 (TP HCM) hàng tháng nay, nhưng chưa có người mua. (Ảnh: Gia Huy)

6 tháng “bão đất”

Cơn sốt đất nền tại TP HCM bắt đầu từ cuối năm 2016, xuất phát từ những thông tin quy hoạch, xây cầu đường của Thành phố liên tục được công bố. Ăn theo thông tin quy hoạch, cơn sốt đất bắt đầu từ quận 9, trong đó trọng tâm là ở đường Nguyễn Xiển, rồi lan tới huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và tới cả huyện đảo Cần Giờ…

Ông Trần Tuấn, một nhà đầu tư bất động sản “trúng đậm” từ cơn sốt đất nền này cho biết, thực chất, cơn sốt lần này là một kịch bản mà giới đầu cơ bất động sản tạo ra. Chiêu thức chính của giới đầu cơ là do biết trước được thông tin về quy hoạch, trước đó 2 tháng, họ đã mua những lô đất có diện tích lớn, rồi xin chuyển mục đích sử dụng và phân nhỏ. Tuy nhiên, việc đầu cơ này không thể làm một mình, mà có sự liên kết giữa nhiều nhà đầu cơ cùng các sàn giao dịch để thực hiện.

“Trước khi gom đất, chúng tôi đã biết được vào thời điểm nào sẽ công bố quy hoạch để đẩy giá đất lên. Trong thời gian đợi thông tin quy hoạch, việc tiếp theo mà nhà đầu tư thứ cấp như tôi phải làm là tạo ra sự sôi động của thị trường bằng cách thực hiện nhiều giao dịch mua bán, cũng như cho người vào hỏi mua đất để tạo cầu ảo, đẩy giá lên cao và tạo sự sôi động cho thị trường. Tới thời điểm thông tin quy hoạch được đưa ra, giá đất đã lên cao và thị trường sôi động rồi, thì việc bán ra sẽ được các công ty môi giới thực hiện”, ông Tuấn kể.

Với chiêu thức này, cơn sốt đất nền tại TP HCM đã lây lan nhanh chóng tới nhiều quận, huyện và chỉ lắng xuống khi các nhà đầu tư thứ cấp đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng, rút khỏi thị trường. Đặc biệt, sau khi lãnh đạo UBND TP HCM ra văn bản yêu cầu xử lý hình sự với những nhà đầu tư thứ cấp lũng đoạn thị trường, cùng với việc nhiều lãnh đạo quận 9 bị kỷ luật, cơn sốt này mới chính thức chấm dứt.

Nhớ về cơn sốt đất nền 6 tháng đầu năm 2017 tại TP HCM, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, ông đã rất bất ngờ, bởi nó đến quá nhanh và đi cũng quá nhanh, nhưng hậu quả để lại không hề nhỏ…

Thực tế, nhiều nhà đầu tư vào sau đã bị mắc kẹt, không thể thoát hàng và lâm vào cảnh nợ nần. Đơn cử như trường hợp bà Lê Thị Huyền, ngụ quận Phú Nhuận. Chạy theo cơn sốt, bà Huyền mua nhiều nền đất tại quận 9, huyện Nhà Bè, huyện Hóc Môn để lướt sóng kiếm lời. Tuy nhiên, vì mua sau, khi giá đất đã được đẩy lên cao và sau 1 tuần, khi chưa kịp ra hàng, thì thị trường đi xuống, số đất nền bà Huyền mua không thể bán được.

“Tôi cầm cố nhà, vay bạn bè tiền để đầu tư đất nền, tưởng đâu lướt sóng kiếm lời, nhưng lời đâu không thấy, giờ chỉ thấy nợ”, bà Huyền than thở.

Vào nơi từng là tâm sốt đất nền

Trở lại quận 9, nơi được cho là tâm điểm của cơn sốt đất nền TP HCM nửa đầu năm nay, theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, mặc dù là những tháng cuối năm, thời điểm được cho là mùa kinh doanh sôi động nhất của thị trường bất động sản, nhưng thị trường đất nền tại khu vực vẫn im hơi lặng tiếng.

Chẳng hạn, trên đường Nguyên Xiển, tâm điểm một thời của thị trường hiện chỉ còn những thông tin bán đất và số điện thoại viết bằng sơn lên tường nhà dân đã bị mờ đi. Các nền đất từng được mua qua bán lại của giới đầu tư, giờ vẫn là khu đất trống, cỏ mọc um tùm, làm nơi chăn thả gia súc của người dân địa phương.

Còn nhớ, những tháng đầu năm 2017, dọc con đường này tấp nập dân môi giới đứng ra chào bán đất, nhưng giờ đây, con đường này trở lại với cảnh thanh bình, vắng lặng. Một số công ty bất động sản từng làm mưa làm gió tại đây, giờ cũng không còn. Một người dân cho biết, những công ty này thuê nhà của dân làm trụ sở, từ tháng 7 tới nay, họ bắt đầu trả mặt bằng và rút đi.

tro lai noi tung la tam sot ao dat nen tp hcm

“Giá đất hiện nay đã giảm xuống còn 17 - 19 triệu đồng/m2, thấp hơn nhiều so với mức giá 26 triệu đồng/m2 hồi tháng 5”, ông Thành, giám đốc một sàn bất động sản hiếm hoi còn trụ lại trên tuyến đường Nguyễn Xiển cho biết.

Cũng theo ông Thành, công ty ông hiện có khá nhiều đất nền mà người dân gửi bán, nhưng cả tháng nay mới bán được 2 nền. Lý do là bởi khách hàng giờ chuyển qua mua những dự án phân lô bán nền có cơ sở pháp lý rõ ràng, không chọn chỗ này nữa.

Tại Hóc Môn, cảnh đìu hiu còn nặng nề hơn. Những tuyến đường như Xuân Thới Thượng, hay Tân Thới Nhất…, những nơi từng sôi động nhất về đất nền của Hóc Môn, nay không còn bất cứ cảnh mua bán nào. Hay tại huyện Củ Chi, hiện cũng chỉ có người chào bán mà không có người mua.

Tương tự, thị trường nhà đất huyện Bình Chánh, Cần Giờ cũng đã hoàn toàn yên ắng trở lại. Giá đất đi xuống nhanh, chỉ còn dưới 10 triệu đồng/m2, thay vì giá trên 20 triệu đồng, thậm chí hơn 30 triệu đồng/m2 như 6 tháng đầu năm.

Gọi vào số điện thoại trong biển bán đất tại huyện Nhà Bè, chỉ 5 phút sau, nhân viên môi giới đã có mặt, chào mời chúng tôi hàng chục lô đất nền giá rẻ.

Nhân viên chỉ tay về phía đối diện, giới thiệu lô đất biệt thự nói: “Hiện tại, cũng có nhiều người đặt mua nền đất này rồi, nếu anh mua sớm thì sẽ được chọn những vị trí tốt nhất. Đương nhiên, giá sẽ rẻ, chỉ ở mức 15 - 18 triệu đồng/m2, về sau giá sẽ nhỉnh hơn. Đất khu này đang sốt, anh phải mua sớm mới được giá 'hời'".

Cũng theo nhân viên này, mảnh đất do công ty mua lại từ người dân, nên mới có giá rẻ như vậy. Người mua sẽ trả 60% số tiền của lô đất mình chọn, sau đó công ty tiến hành làm giấy tờ. Đến khi thủ tục hoàn thành, công ty sẽ giao đất và người mua phải “chồng” 40% số tiền còn lại…

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, thị trường bất động sản nóng sốt chỉ ở phân khúc đất nền cho thấy có chiêu trò của giới đầu cơ. Một phần cũng do tâm lý thích nhà đất của người Việt. Kết quả là chỉ người dân chịu thiệt, quy hoạch bị phá vỡ.

“Cơn sốt ảo đất nền nửa đầu năm 2017 tại một số quận, huyện ngoại thành của TP HCM đã được hạ nhiệt kịp thời nhờ có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố và sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành chức năng. Các biện pháp quyết liệt và việc minh bạch thông tin về quy hoạch, về chính sách tách thửa đất ở của TP HCM được người dân đồng tình, hoan nghênh. Tuy nhiên, hiện nay, do khan hiếm nguồn cung, nên đang có dấu hiệu sốt giá đất nền quay trở lại ở khu vực vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè…”, ông Châu đánh giá.

tro lai noi tung la tam sot ao dat nen tp hcm Thị trường đất nền TP HCM, sóng ngầm trở lại

Không chỉ phân khúc căn hộ, khu Đông TP HCM cũng đang đón nhận sự trở lại của phân khúc đất nền. Qua ghi nhận ...

Gia Huy