|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Triển vọng tăng trưởng lạc quan của khu vực ASEAN+3 trong năm 2020

20:20 | 17/01/2020
Chia sẻ
Theo dự báo trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 sẽ tích cực trong bối cảnh các trở ngại rủi ro địa chính trị và tình hình mất ổn định thương mại đang trở nên dịu bớt.
Triển vọng tăng trưởng lạc quan của khu vực ASEAN+3 trong năm 2020 - Ảnh 1.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: CNBC)

Ngày 17/1, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) có trụ sở tại Singapore đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Khu vực ASEAN+3 (gồm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và ba quốc gia Đông Bắc Á), trong đó đánh giá các thách thức, nguy cơ toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, với rủi ro địa chính trị trở nên ngày càng lớn hơn bên cạnh các mối quan ngại về sự ổn định của thương mại và tài chính.

Trong ngắn hạn, AMRO cho rằng sự gia tăng căng thẳng trong thương mại toàn cầu, sự giảm tốc mạnh tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và nguy cơ căng thẳng địa chính trị sẽ có tác động đáng kể đến kinh tế khu vực ASEAN+3. Về dài hạn, yếu tố duy trì tỷ lệ lãi suất thấp kéo dài sẽ gây ra những tác động, ảnh hưởng nhất định đến kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, báo cáo của AMRO đã đưa ra những dự báo có tính tích cực đối với kinh tế khu vực trong bối cảnh các trở ngại đang trở nên dịu bớt. Theo đó, AMRO dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2020 sẽ ở mức 4,9%, nhóm các nước ASEAN 4 gồm Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam tăng trưởng khoảng 5%.

Trong khi đó, nếu tính riêng từng quốc gia, AMRO dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6,1% trong năm 2020, Nhật Bản (0,5%) và Hàn Quốc (2,4%). Trong khối ASEAN, ba nước được dự báo có tốc độ tăng trưởng cao nhất là Myanmar với 7,1%, Campuchia (7,0%) và Việt Nam (6,9%).

Năm 2020, AMRO nhận định tỷ lệ lạm phát của khu vực ASEAN+3 sẽ vào khoảng 2,3%. Trong khối ASEAN, Myanmar được dự báo có tỷ lệ lạm phát cao nhất, khoảng 7,9%, tiếp đến là Việt Nam (3,3%), Indonesia và Philippines có cùng tỷ lệ lạm phát khoảng 3%.

Theo đánh giá của AMRO, mặc dù lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ vẫn duy trì được tính tích cực, nhưng lĩnh vực xuất khẩu của khu vực nói chung đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ các căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. 

Bên cạnh đó, sự bất ổn xung quanh việc hoạch định chính sách trên phạm vi toàn cầu do những diễn biến thương mại thay đổi đột ngột có xu hướng tác động tới cả tâm lý thị trường và các hoạt động kinh tế.

AMRO cho rằng ngoài việc một số nước bị ảnh hưởng tiêu cực từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, có những nền kinh tế khác trong khu vực đã được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi, dịch chuyển thương mại, dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng từ những sự thay đổi thuế quan.

Các nguy cơ suy giảm đối với thương mại và tâm lý thị trường đã được trấn an phần nào với việc Mỹ và Trung Quốc vừa ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Tuy nhiên, việc giá dầu tăng mạnh do căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đã gây ra rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế khu vực.

Bên cạnh đó, AMRO cho rằng sự yếu kém trong các hoạt động sản xuất chế tạo dường như đã ở điểm đáy và nhu cầu trong nội địa tiếp tục được duy trì tính hỗ trợ trong khu vực ASEAN +3 là những yếu tố dự báo xu hướng tăng trưởng tích cực.

Trong báo cáo của mình, AMRO đã ra một số khuyến nghị có tính chính sách để hỗ trợ tăng trưởng gồm: xem xét, cân nhắc nới lỏng chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế có mức lạm phát nhẹ; tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện tại ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương từ bên ngoài; duy trì các chính sách hỗ trợ cho tăng trưởng bền vững, tái ưu tiên chi tiêu ở các nền kinh tế tuân thủ chặt chẽ các quy định tài khóa; duy trì chính sách thắt chặt nhằm chống lại sự gia tăng mất cân bằng tài chính; củng cố năng lực và sự kết nối nhằm thúc đẩy tiềm năng và khả năng tự bảo vệ trong tương lai; cải thiện trình độ lực lượng lao động và công nghệ nhằm củng cố các lợi thế so sánh hiện tại, đón nhận những hình thái kinh tế mới, kinh tế số nhằm đạt được tăng trưởng cao. 

Nguyễn Thúy-Thế Vũ