|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trích lập dự phòng “đè” cổ tức ngân hàng

21:35 | 15/03/2017
Chia sẻ
Mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 đang tới gần. Điều mong mỏi nhất của cổ đông là cổ tức. Năm 2016, nhiều ngân hàng đã khởi sắc trở lại nhưng mức cổ tức chia cho cổ đông là bao nhiêu?
trich lap du phong de co tuc ngan hang

Dự phòng vẫn “ăn mòn” lợi nhuận

Cùng với giá cổ phiếu đang lình xình, cổ tức ngân hàng năm nay không kỳ vọng chia bằng tiền mặt nhiều, mức cổ tức 10% là cao đối với ngành này vài năm trở lại đây.

Điều đáng quan tâm là nợ xấu ngân hàng vẫn là nỗi lo khi chưa thể xử lý dứt điểm và việc trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu là việc bắt buộc, nếu không sẽ không được chia cổ tức.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trong buổi hội nghị gặp gỡ với các ngân hàng đầu năm 2017 đã nhấn mạnh việc xử lý nợ xấu trách nhiệm đầu tiên thuộc về ngân hàng, Ngân sách Nhà nước sẽ không dành cho việc này.

trich lap du phong de co tuc ngan hang
Tỷ trọng lợi nhuận để trích lập dự phòng của các ngân hàng 2016. Nguồn: BizLIVE

Do đó, các ngân hàng vẫn mạnh tay chi phần lớn lợi nhuận cho trích lập dự phòng. Chẳng hạn như Eximbank dành tới 70% lợi nhuận năm vừa qua để trích lập dự phòng. Cụ thể, lợi nhuận trước trích lập của Eximbank là 1.479 tỷ đồng, ngân hàng dành tới hơn 1.000 tỷ đồng trích lập, lợi nhuận trước thuế còn 390 tỷ đồng.

Năm 2016, ghi nhận số nợ xấu của Exixmbank tăng mạnh 63% lên 2.558 tỷ đồng, so với mức 1.574 tỷ đồng của năm 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn đạt 1.132 tỷ đồng, tăng 41% so với con số 802 tỷ đồng năm 2015. Đặc biệt, nợ dưới tiêu chuẩn tăng đột biến gần 5 lần lên mức 1.069 tỷ đồng so với 181 tỷ đồng của năm 2015.

Tiếp theo, Sacombank cũng dành tới 57% tiền lời kiếm được ( 1.232 tỷ đồng) để trích lập 700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế còn 531 tỷ đồng. Nợ xấu ở mức 5,4% do nợ xấu của ngân hàng Phương Nam chuyển sang.

Đáng chú ý là NCB năm 2016, lợi nhuận trước dự phòng rủi ro đạt 211 tỷ đồng, trích lập dự phòng 82 tỷ đồng, tăng so với mức 31 tỷ đồng của cả năm 2015. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế năm 2016 chỉ vỏn vẹn 16,5 tỷ đồng (chiếm 8% số lợi nhuận kiếm được), nguyên nhân NCB đã dùng tới gần 112 tỷ đồng tiền lãi kiếm được để dùng cho "Các khoản xử lý theo đề án tái cấu trúc ngân hàng".

Nợ xấu năm 2016 của NCB chiếm tỷ lệ 1,54% tương ứng 389 tỷ đồng, giảm so với tỷ lệ 2,1% năm 2015. Tuy nhiên, nợ cần chú ý năm 2016 tăng vọt 1,6 lần lên mức 1.486 tỷ đồng, so với con số 569 tỷ đồng của năm 2015.

Đối với khối ngân hàng có cổ phần Nhà nước chi phối như BIDV, Vietcombank và Vietinbank cũng dùng khá lớn lợi nhuận ngân hàng từ khoảng 40-55% để chi cho trích lập dự phòng. Vì dù tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng con số tuyệt đối cao.

Năm 2016, BIDV đạt lợi nhuận trước dự phòng đạt 17.009 tỷ đồng, sau khi trích lập 9.274 tỷ đồng, tương đương gần 55% lợi nhuận thì lợi nhuận trước thuế còn 7.735 tỷ đồng, không đạt kế hoạch đề ra.

Tính đến ngày 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,96% và ở con số 14.178 tỷ đồng, tăng so với mức 1,66% ở thời điểm cuối năm 2015. Mặt khác, hai khoản nợ lớn trong cơ cấu nợ là nợ phải trả Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đạt 43.392 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2015, nợ các tổ chức tín dụng khác tương đương 59.352 tỷ đồng.

Vietcombank cũng dành tới 43% trong tổng số 14.927 tỷ đồng lợi nhuận kiếm được cho trích lập, lợi nhuận trước thuế năm 2016 của Vietcombank đạt 8.517 tỷ đồng. Nợ xấu đến cuối năm 2016 là 6.835 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,48% tổng dư nợ.

Chỉ dành 37% của lợi nhuận kiếm được là 13.552 tỷ đồng, Vietinbank là ngân hàng chi thấp nhất trong khối Nhà nước chi cho khoản này. Do đó, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng còn 8.530 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nợ xấu lại tăng lên 1,01% và ở mức 6.741 tỷ đồng, so với mức 0,92% năm 2015. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng hơn 1.000 tỷ đồng (37%) lên 3.819 tỷ đồng so với 2.795 tỷ đồng. Nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng 49% lên 2.111 tỷ đồng, nợ cần chú ý tăng 73% lên 5.558 tỷ đồng so với năm 2015.

VIB năm nay cũng trích mạnh dự phòng tới 46% lợi nhuận vì nợ xấu tăng lên 2,6% so với mức 2% của năm 2016. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng 77% lên con số 1.341 tỷ đồng so với 755 tỷ đồng năm 2015.

Ngóng cổ tức ngân hàng

Mức cổ tức của ngân hàng đã thấp, nhiều ngân hàng lại chia bằng cổ phiếu cho kết quả kinh doanh 2015 khiến nhiều cổ đông bức xúc.

Mùa đại hội đồng cổ đông năm 2017 khi các ngân hàng phân chia lợi nhuận của năm 2016 cho các cổ đông dự kiến sẽ vẫn có nhiều ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu.

trich lap du phong de co tuc ngan hang
Cổ tức ngân hàng 2015 -2016. Nguồn: BizLIVE.

Nhiều ngân hàng trong khi lập kế hoạch kinh doanh năm 2016 đã dự kiến được mức cổ tức chia trong năm 2016. Cụ thể, Vietcombank, MBB và ACB đều dự định chia mức cổ tức năm 2016 là 10%, bằng với năm 2015.

Hay Vietinbank cũng chỉ dự định chia cổ tức 2016 cũng 7%, bằng với 2015. NamABank dự kiến chia cổ tức cũng bằng 2015 ở mức 5%.

Có KienLongBank và LienVietPostBank mạnh dạn nâng mức cổ tức 2016 lên tương ứng là 8% và 6%. Đối với KienLongBank mức cổ tức 8% cũng là để bù lại mức cổ tức năm 2015 khi chỉ chia cho cổ đông mức 4%, trong khi kế hoạch là 8%.

Còn những ngân hàng chưa có con số cổ tức dự kiến cho năm 2016 nguyên nhân còn phụ thuộc vào kết quả kinh doanh năm 2016, trình Ngân hàng Nhà nước duyệt dựa trên “sức khỏe” tài chính mới dám đưa ra trình cho cổ đông xem xét.

Đặc biệt, mấy năm gần đây, đã có nhiều ngân hàng không chia một đồng cổ tức cho cổ đông. Đó là SCB, Techcombank và MaritimeBank. Không những thế riêng cổ đông của Techcombank và MaritimeBank chưa được “nếm mùi” cổ tức 04 năm qua dù ngân hàng vẫn báo lãi.

Riêng Sacombank và Eximbank vì chưa hoàn thành đại hội đồng cổ đông năm 2016 nên chưa có kế hoạch cổ tức 2015 và 2016.

Vì sao cổ tức ngân hàng lại “khan hiếm”? Nguyên nhân nhiều ngân hàng hiện nay vẫn đang đối mặt với vấn đề tăng vốn điều lệ để tăng các chỉ số an toàn hoạt động. Trong năm 2016, nhiều ngân hàng không hoàn thành kế hoạch tăng vốn như dự kiến vì giá cổ phiếu ngân hàng mà thị trường trả quá thấp.

Do đó, chia tiền mặt hay cổ tức? Đối với cổ đông ngân hàng thì cổ tức chỉ là sự an ủi, vì chia bằng tiền mặt thì cao nhất cũng chỉ 10%. Chia bằng cổ tức thì thị giá đang thấp, gần như cao hơn mức đáy một chút và gần không có “sóng”.

Duy chỉ có cổ phiếu VCB của Vietcombank năm 2015 đã tạo đỉnh 54.000 đồng/cổ phiếu, giá sau điều chỉnh còn 35.000 đồng/cổ phiếu vì thông tin chia cổ phiếu thưởng 35%. Đầu năm 2017, VCB cũng “lên sóng” tới gần 40.000 đồng/cổ phiếu nhưng rồi lại rút êm về mức 37.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Lan Anh

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.