TRC hưởng lợi khi giá cao su phục hồi
Nguồn: BizLIVE |
Diễn biến giao dịch của TRC trong thời gian gần đây
2 lần phục hồi mạnh của giá cao su trong năm nay cho thấy những tín hiệu tạo đáy ngày càng rõ rệt hơn. Đường giá cổ phiếu cao su có vẻ “mịn” hơn đôi chút nhưng lúc phục hồi thì cũng đầy hưng phấn.
Vượt lên những biến động khó lường của thị trường trong tuần qua, TRC đạt mức lợi nhuận gần 10%. Khối lượng giao dịch cũng vì thế mà tăng mạnh đạt 286 nghìn đơn vị/phiên. Trong khi đó, khối lượng giao dịch trung bình một năm chỉ ở mức 36 nghìn đơn vị.
Nếu dự báo sóng sớm hơn đôi chút nhà đầu tư có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận hơn 21% chỉ trong vòng một năm. Còn với thời gian xa hơn, TRC đã tăng 57% trong vòng một năm qua, không kém cạnh với bất kỳ công ty tăng trưởng nào.
Tuy chỉ đứng thứ 2 về tốc độ tăng trong thời gian vừa qua, nhưng TRC có lợi nhuận phần lớn đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Sản phẩm có biên lợi nhuận cao và ít cạnh tranh
Tính tới thời điểm hiện tại giá cao su thiên nhiên đang được giao dịch ở mức 208 JPY/kg. Như vậy trong một tuần qua giá hàng hóa này đã tăng gần 17%, trong vòng một năm trở lại đây giá cao su cũng tăng hơn 33%.
CTCP Cao su Tây Ninh (TRC- HOSE), tiền thân là đồn điền cao su của Pháp được thành lập năm 1945. Với mức vốn điều lệ 300 tỷ đồng, TRC là doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thứ 3 trong các doanh nghiệp niêm yết, với diện tích đứng thứ 3 trong ngành.
Sản phẩm chủ lực của TRC là Latex, phục vụ cho sản xuất các găng tay y tế chiếm tỷ trọng 60% ‐ 80% tổng sản lượng cao su sản xuất của TRC. Sản phẩm này có các yêu cầu đầu vào cao, do được sử dụng trong công nghiệp, y tế.
Nguồn: BizLIVE |
Đặc biệt, trong quá trình sản xuất ly tâm, công nghệ chế biến Latex đồng thời tạo ra sản phẩm mủ kim, là sản phẩm có giá trị thấp. Do vậy nếu tính trung bình, cao su Latex và mủ kim có mức giá bán tương đương các sản phẩm cao su cao cấp khác như CV50,60, nhưng lợi thế của sản phẩm là thị trường đầu ra bền vững, ổn định và không phụ thuộc vào nhu cầu sản xuất lốp xe của Trung Quốc.
Theo đó, TRC có một vị thế trên thị trường nhờ việc chủ động đầu tư công nghệ từ giai đoạn đầu 1993-1994. Đến giai đoạn này, công ty đã xây dựng được một hệ thống khách hàng lâu dài và uy tín, với 50% sản lượng sản xuất được phân phối trực tiếp tới các nhà sản xuất.
Đánh giá về sản phẩm của TRC, các nhà phân tích của Công ty chứng khoán BIDV chỉ ra rằng TRC có vị thế tốt là nhờ vào tỷ lệ sản phẩm cao cấp lớn.
Cụ thể, các sản phẩm của Latex và SVR CV50, 60 có mức giá bán cao nhất trong số các sản phẩm cao su trên thị trường Việt Nam. Xét về cơ cấu sản lượng 2015, TRC có cơ cấu sản phẩm cao cấp lớn nhất (58% cho latex và 7% CV 50,60), trong khi tổng giá trị sản phẩm cao cấp của DPR và PHR lần lượt chỉ ở mức 32% và 52%.
Trong quý III/2016, TRC ghi nhận 14,7 tỷ đồng lợi nhuận trước thế tăng 25,8% so với cùng kỳ, nâng tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng 2016 lên 39,1 tỷ đồng. Nếu tính riêng lợi nhuận từ hoạt động sản xuất cao su, công ty ghi nhận mức tăng tưởng mạnh 51% so với cùng kỳ.
Dự phóng cho quý IV/2016, các nhà phân tích đưa ra ước tính cả năm 2016 là 74,4 tỷ đồng, tương đương với EPS 2016 là 2.046 VND/cp (đã loại trừ 20% trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi).