'Trật tự vốn hóa thị trường chứng khoán 2 năm tới sẽ có nhiều xáo trộn'
Tính đến đầu tháng 11/2016, quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đạt khoảng 1,77 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 38,5% GDP.
So với đầu năm, quy mô TTCK Việt Nam đã tăng gần 18%. Tuy nhiên, nếu so sánh với quy mô các TTCK phát triển hơn trong khu vực Đông Nam Á thì quy mô TTCK Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Về quy mô của 3 sàn niêm yết hiện nay là HOSE, HNX và UPCOM: tổng vốn hóa HOSE đạt 1.378.347 tỷ đồng, hiện chiếm tới 78% tổng vốn hóa toàn thị trường.
Đáng chú ý là vốn hóa sàn UPCOM đã tăng mạnh 74% chỉ trong vòng 1 tháng qua và tăng tới 4,24 lần tính từ đầu năm 2016 nhờ hưởng lợi từ lộ trình đầy mạnh niêm yết và thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước. Với sự góp mặt của hai tân binh là ACV (vốn hóa 76.200 tỷ đồng) và BHN (vốn hóa trên 24.800 tỷ đông), sàn UPCoM đã vượt qua HNX trở thành sàn giao dịch có vốn hóa lớn thứ 2 tại Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng vốn hóa hồi phục từ 2013
Sau khi chạm đáy với mức tăng khiêm tốn 9% trong năm 2013, tốc độ tăng trưởng quy mô vốn hóa của TTCK Việt Nam đã hồi phục trở lại mức 15% trong năm 2015 và đạt 18% trong 11 tháng đầu năm 2016.
Cùng với đó, số mã niêm yết cũng tăng nhanh trở lại, với số mã niêm yết tăng trong 11 tháng năm 2016 đạt 110 mã, cao nhất trong 6 năm qua.
Điều này xuất phát từ tham vọng tăng quy mô TTCK Việt Nam lên khoảng 70% GDP vào năm 2020 và từng bước đưa TTCK Việt Nam vào nhóm TTCK mới nổi.
Hiện Chính phủ vẫn đang đẩy mạnh tiến hành IPO, thoái vốn các doanh nghiệp Nhà Nước (DNNN) không thuộc diện nắm giữ và đưa lên niêm yết trên TTCK. Việc thoái vốn các tập đoàn, tổng công ty lớn do vậy sẽ góp phần làm tăng nhanh quy mô TTCK Việt Nam.
Tổng lượng vốn hóa ước tính đối với 19 doanh nghiệp lớn trên lên tới hơn 611.453 tỷ đồng, tương đương khoảng 27,1 tỷ USD, tương đương với 35% tổng vốn hóa TTCK Việt Nam hiện tại.
Theo ước tính của VND, quy mô TTCK Việt Nam có thể tăng trưởng xấp xỉ 1,7 lần trong vòng 2 năm tới. Quy mô TTCK Việt Nam sẽ tăng nhanh từ mức 38,5%/GDP (năm 2016) lên mức 46,5%/GDP (năm 2017) và 56,3%/GDP (năm 2018).
Trật tự mới trong vài năm tới
Cùng với sự xuất hiện của các ông lớn, trật tự các mã vốn hóa lớn trên TTCK sẽ có sự thay đổi lớn trong vòng hai năm tới.
Theo đó, top 5 mã vốn hóa lớn nhất vẫn có 4 mã lớn nhất vẫn bao gồm VNM, VCB, GAS, VIC. Thành viên mới trong top 5 có thể là Sabeco hoặc Masan Consumer (2 mã có kế hoạch niêm yết sớm hơn so với Thaco và Mobifone).
Trong khi đó, ở top 10 mã vốn hóa lớn nhất, những ứng viên mới thể góp mặt là Sabeco, Masan Consumer, Thaco, Mobifone và Vietnam Airlines.
Ngoài ra, còn một số ứng cử viên nặng ký cần lưu ý là Lọc hóa dầu Bình Sơn, Petrolimex hay Vietjet.