'Trao tay' trăm tỉ chứng chỉ quỹ, tự doanh CTCK cùng khối ngoại mua ròng hơn 470 tỉ đồng tuần qua
Khối tự doanh mua ròng 175 tỉ đồng tuần qua, mạnh tay 'xả' CCQ gần 400 tỉ
Thống kê giao dịch tuần vừa qua (10 – 14/6), bộ phận tự doanh của công ty chứng khoán mua ròng 174,8 tỉ đồng. Hoạt động mua ròng diễn ra mạnh nhất vào thứ hai, khối này cũng mua ròng trong phiên thứ ba và thứ tư nhưng bán ròng các ngày còn lại.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro
Tâm điểm giao dịch cổ phiếu của khối tự doanh là MSN khi mã này đồng thời được mua vào và bán ra nhiều nhất, giá trị tương ứng 344,5 tỉ đồng và 123,8 tỉ đồng.
Cùng chiều mua vào, cổ phiếu SCR đứng thứ hai với giá trị 152 tỉ đồng. Trong một diễn biến mới đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) chính thức trở thành cổ đông lớn độc lập đầu tiên của Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land) vào ngày 12/6. Theo đó, VCSC đã chi khoảng 150 tỉ đồng để mua 19 triệu cổ phiếu SCR, nâng tỉ lệ sở hữu lên 5,6% vốn cổ phần.
Bên cạnh đó, khối tự doanh cũng mua vào trăm tỉ cổ phiếu VIC (148 tỉ đồng). Trong nhóm các cổ phiếu được mua vào nhiều nhất còn có VHM, VNM, HPG, TCB, MBB, MWG và VJC.
Ngược lại, khối này 'xả' mạnh 393,5 tỉ đồng chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30. Tại giao dịch cổ phiếu, ngoài MSN, các mã VHM và EIB đều bị bán ròng 100 tỉ đồng. Thông tin gần nhất về vụ lùm xùm xung quanh 'ghế nóng' Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VIệt Nam (Eximbank), cổ đông ngân hàng là CTCP Rồng Ngọc (sở hữu 1,99% vốn điều lệ) đã gửi đơn lên tòa án yêu cầu đình chỉ thực hiện nghị quyết 231 của ông Lê Minh Quốc trong ngày 20/5về việc hủy bỏ nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú vào ghế Chủ tịch HĐQT thay thế ông Quốc. Chưa hết, cổ đông lớn Nhật Bản Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC, nắm 15% vốn điều lệ) có công văn không xem những quyết định của cuộc họp ngày 20/5 là hợp lệ.
Một số mã chịu áp lực bán ra còn có TCB (38,3 tỉ đồng), NBB (33,4 tỉ đồng), VNM, VIC và VPB.
Khối ngoại mua ròng 257 tỉ đồng tuần qua trên HOSE, tập trung 'gom' CCQ
Thống kê trên sàn HOSE tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 257 tỉ đồng tuần qua với khối lượng 15 triệu đơn vị.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro
Đáng chú ý, ngược chiều tự doanh, khối ngoại 'gom' 390 tỉ đồng chứng chỉ quỹ E1VFVN30. Về top cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất, VRE dẫn đầu với giá trị 137,4 tỉ đồng, theo sau là SCS (95,2 tỉ đồng), BVH (77,7 tỉ đồng) và VIC (65,4 tỉ đồng). Ngoài ra, khối ngoại bán ròng dưới 50 tỉ đồng cổ phiếu VCB, NVL, AST, BID và KBC.
Top10 cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng chủ yếu, VNM có giá trị cao nhất (188,5 tỉ đồng). Theo thông tin mới đây, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đăng ký đầu tư, triển khai dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt trên địa bàn huyện Hương Khê với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỉ đồng trên tổng diện tích đất khoảng từ 300 – 350 ha.
Cùng đạt mức bán ròng trên trăm tỉ còn có VHM (163,6 tỉ đồng) và HPG (148,6 tỉ đồng) bất chấp tình hình kinh doanh của Hòa Phát có cải thiện trong 5 tháng đầu năm 2019. Cụ thể, trong tháng 5, sản lượng bán hàng của Ống thép Hòa Phát đạt trên 65.000 tấn, tăng gần 10% so với tháng 4. Lũy kế 5 tháng đầu năm, sản lượng bán hàng của Ống thép Hòa Phát đạt 297.000 tấn, tăng trưởng 10% so với cùng kì năm 2018, chiếm gần 30% thị phần.
Mới đây, bà Huỳnh Bích Ngọc, mẹ ruột bà Đặng Huỳnh Ức My – Thành viên HĐQT, đồng thời là cổ đông lớn của Thành Thành Công – Biên Hoà có thông báo muốn mua 10 triệu cổ phiếu SBT từ ngày 19/6 đến 18/7 nhằm tăng tỉ lệ sở hữu lên 2,96% vốn điều lệ. Bà Huỳnh Bích Ngọc cũng được biết đến là vợ ông Đặng Văn Thành. Trước thông tin mua vào của cổ đông liên quan đến người nội bộ, cổ đông nước ngoài vẫn bán ròng 91,3 tỉ đồng cổ phiếu SBT trong tuần qua. Không ngoại trừ những mã HDB, GAS, CTG, NBB, SAB và VHM đều lọt top bán ròng trên HOSE.
Khối ngoại mua ròng gần 13 tỉ đồng trên HNX, chủ yếu là SHB và TNG
Trên HNX, khối ngoại mua ròng 13 tỉ đồng với khối lượng hơn 790.000 đơn vị.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro
Khối ngoại chủ yếu mua ròng SHB (6,1 tỉ đồng), ngoài ra có TNG (3,9 tỉ đồng), SHS (3,8 tỉ đồng), BCC (2,7 tỉ đồng). Cổ phiếu còn lại được mua ròng trên tỉ đồng là CEO (1,8 tỉ đồng). Được biết, CEO Group vừa thông báo chào bán 102,9 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu để theo tỉ lệ 3:2, dự kiến huy động 1.029,4 tỉ đồng để đầu tư dự án River Silk City phân kỳ IV + V + VI; góp vốn vào các công ty con gồm CTCP Xây dựng C.E.O, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vân Đồn, CTCP Đầu tư và Phát triển Nha Trang và bổ sung vốn lưu động. Khối này còn mua ròng cổ phiếu TIG, MKV, ONE, DGC và NET.
Trong khi đó, mã DBC đứng đầu về giá trị bán ròng trên HNX (2,9 tỉ đồng), kế tiếp là CSC (1 tỉ đồng). Những mã ghi nhận giá trị bán ròng dưới 1 tỉ đồng gồm INN, WCS, HKB, VGS, PMP, VBC, PTI, PVS.
Tại thị trường UPCoM, nhà đầu nước ngoài mua ròng gần 28 tỉ đồng, cổ phiếu VEA 'hút' tiền
Trong tuần vừa qua, khối ngoại mua ròng 27,7 tỉ đồng trên UPCoM, khối lượng mua ròng 195.000 đơn vị.
Nguồn: Ánh Hường tổng hợp từ FiinPro
Trong đó, cổ phiếu VEA 'hút' dòng tiền ngoại nhiều nhất, giá trị mua ròng 27,6 tỉ đồng bởi tiềm năng của VEAM khi đang sở hữu 3 liên doanh "siêu lợi nhuận" với Toyota, Ford và Honda. Theo đó, doanh số bán hang 5 tháng đầu năm của Honda tăng 50%, doanh số hai dòng xe của Toyota gồm Toyota (37%) và Lexus (7 lần), doanh số Ford (54%). Do đó, công ty tỏ ra tự tin vào mục tiêu kinh doanh của các liên doanh này trong năm 2019 với kế hoạch doanh thu tài chính kỳ vọng đạt 7.243 tỉ đồng, tăng trưởng 32%. Qua đó, lợi nhuận sau thuế của Veam dự kiến đạt kỉ lục 6.402 tỉ đồng, tăng trưởng 23%.
Ngoài ra, khối ngoại còn chú ý các mã VTP (15,2 tỉ đồng), GVR (6,2 tỉ đồng), NTC (4,4 tỉ đồng), CTR (2,9 tỉ đồng)… Một trong những cổ phiếu nổi bật tuần qua là NTC trong nhóm khu công nghiệp. Ghi nhận trong một năm qua, giá cổ phiếu NTC có mức tăng trưởng ấn tượng 170,9%, đóng cửa tại mức giá 150.100 đồng/cp phiên đầu tuần (10/6). Tuy nhiên, sau thông tin Nam Tân Uyên đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận giảm sâu 55% và 72% so với cùng kì, cổ phiếu này đã mất 13,4% giá trị sau phiên ngày 14/6. Như vậy, vốn hóa của Nam Tân Uyên giảm hơn 320 tỉ đồng tuần qua.
Diễn biến trái chiều, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng các mã ACV (21,3 tỉ đồng) trước dự báo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC) về việc lượng khách từ Trung Quốc đến Việt Nam chững lại gây ảnh hưởng đến hoạt động của ACV khi doanh thu dịch vụ hành khách quốc tế đóng góp khoảng 40% tổng doanh thu công ty. Nhóm các mã bị bán ròng trên UPCoM còn có măt BSR, MPC, VGI, TCI…