Tranh cãi bản quyền thanh long ruột đỏ xuất khẩu sang Nhật Bản
Thanh long xuất khẩu sang Nhật vướng mã số vùng trồng
Ngày 16/2, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi họp thông tin về giống thanh long ruột đỏ xuất đi Nhật (LĐ1) trước yêu cầu mới về mã số vùng trồng.
Cụ thể, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ đi Nhật Bản tại Long An cho biết đơn hàng của họ bị dừng lại đột ngột do bản quyền giống thuộc về một doanh nghiệp tư nhân.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Võ Hữu Thoại, Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết năm 2017 giống thanh long ruột đỏ LĐ1 đã được Viện nhượng quyền bằng bảo hộ cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với thời gian 20 năm. Do vậy, doanh nghiệp muốn được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu thì phải làm việc với Công ty Hoàng Phát Fruit để có chứng nhận nguồn gốc giống.
Cũng theo đại diện Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, việc chuyển nhượng quyền bảo hộ giống LD1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit là hợp pháp. Viện còn lưu giữ số liệu cây giống đã chuyển cho nông dân ở các tỉnh Long An, Tiền giang, Bình Thuận để trồng khảo nghiệm.
Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác với Viện Cây ăn quả miền Nam, nhiều nông dân đã tự nhân giống thanh long ruột đỏ LĐ1 và phổ biến trên diện tích lớn, hiện đã lên tới hàng chục ngàn ha. Vấn đề phát sinh khi Nhật Bản cho phép thanh long Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này với yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải có mã số vùng trồng và muốn được cấp mã số vùng trồng, doanh nghiệp phải có bản quyền giống.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp thu mua thanh long từ những hợp tác xã, hộ nông dân tự nhân giống LĐ1 không được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật Bản. Việc này đang ảnh hưởng ít nhiều đến việc xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản và gây phản ứng từ phía nông dân trồng thanh long.
Doanh nghiệp sẽ chia sẻ lợi ích bản quyền giống thanh long ruột đỏ LĐ1
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, cho biết một số doanh nghiệp không xuất khẩu được thanh long ruột đỏ sang Nhật không phải do vấn đề bản quyền mà bởi các lý do khác như tiêu chuẩn, chất lượng.
Tuy nhiên, công ty sẽ hỗ trợ bản quyền miễn phí 5 năm về mã số vùng trồng giống thanh long LĐ1 tại thị trường nội địa. Nếu doanh nghiệp nào cần truy xuất nguồn gốc, Hoàng Phát sẵn sàng chia sẻ.
"Với những vùng đang trồng giống LĐ1 xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, công ty sẽ ký bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 20 - 30%. Hợp tác xã nào có sử dụng giống LĐ1 muốn mở rộng sản xuất, có nhu cầu xuất đi Nhật Bản, Hoàng Phát sẽ hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường. Còn xuất vào thị trường Nhật, Hàn, công ty sẽ thu phí", bà Thoa nói.
Cũng theo công ty này, mức phí sẽ áp dụng với những khối lượng xuất khẩu khác nhau. Cụ thể, đối với khoảng 5.000 - 15.000 tấn mức phí là 30 đồng/kg, (tức 30 triệu đồng/1.000 tấn) mức phí 20 đồng/kg cho 20.000 - 25.000 tấn và mức phí 10 đồng/kg cho trên 25.000 tấn.
"Doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu, công ty sẽ ký kết hợp đồng ba bên gồm chính quyền địa phương, công ty và bà con nông dân với giá bao tiêu sản phẩm giá 40.000 đồng/kg để xuất vào thị trường Nhật Bản và hỗ trợ 30% với sự chứng kiến ba bên đó", đại diện Hoàng Phát nói thêm.
Trực tiếp trao đổi, hợp tác để đảm bảo hài hòa lợi ích
Cũng là công ty có giống độc quyền thanh long LĐ5, ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, ủng hộ Luật sở hữu trí tuệ.
"Tôi kiến nghị làm sao đó để có sự hợp tác tốt. Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit nhượng quyền là phù hợp. Nó sẽ dễ dàng hơn để tất cả doanh nghiệp cùng kinh doanh sản xuất tốt. Tuy nhiên, mức giá 10, 20, 30 đồng không nhiều nhưng sản lượng lại nhiều. Số lượng thanh long cần giảm xuống 10.000 tấn để tất cả mọi người cùng làm", ông Hậu nói.
Ở góc độ Cục trồng trọt, cục trưởng Nguyễn Như Cường cũng đánh giá việc chuyển nhượng quyền bảo hộ giống thanh long LĐ1 của Viện Cây ăn quả miền Nam cho Công ty Hoàng Phát Fruit và việc Hoàng Phát Fruit yêu cầu các quyền lợi của đơn vị giữ bản quyền giống là đúng quy định theo Luật Sở hữu trí tuệ.
Theo ông Cường, ở các nước phát triển, việc tuân thủ sở hữu trí tuệ là điều bắt buộc. Tuy nhiên, trong bối cảnh diện tích thanh long LĐ1 do người dân tự nhân giống quá lớn, ông mong muốn các bên liên quan trực tiếp trao đổi, hợp tác để đảm bảo hài hòa lợi ích của nông dân, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.
Đồng thời, đề nghị công ty TNHH Hoàng Phát Fruit sớm có văn bản cam kết gửi Bộ Nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu thanh long trên địa bàn, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thanh long của Việt Nam ra thế giới.