|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Trái phiếu chính phủ Mỹ: Nguyên nhân nào khiến đường cong lợi suất đảo ngược

20:45 | 25/03/2019
Chia sẻ
Tuần vừa qua, chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ (TPCP) Mỹ kỳ hạn 3 tháng và 10 năm đã giảm về bằng 0. Cả hai loại trái phiếu này được giao dịch quanh ngưỡng 2,44% đã khiến đường cong lợi suất TPCP Mỹ đảo ngược.

Lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu trong tương lai, cùng dự tính về chu kỳ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khiến giới đầu tư chuyển sang nắm giữ các TPCP kỳ hạn trung và dài hạn.

Trái phiếu chính phủ Mỹ: Nguyên nhân nào khiến đường cong lợi suất đảo ngược - Ảnh 1.

Đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Nguồn: Reuters

Thực tế một phần đường cong lợi suất TPCP Mỹ đã đảo ngược suốt từ đầu tháng Ba năm nay khi lợi suất TPCP kỳ trung hạn đã nằm dưới các mức lợi suất TPCP ngắn hạn. Ngày 7-3-2019, lợi suất TPCP kỳ hạn 6 tháng tăng lên mức 2,52%; trong khi các kỳ trung hạn, lợi suất đã giảm thấp hơn, kỳ 2 và 3 năm, lợi suất lần lượt chạm mốc 2,47% và 2,45%. Vậy nguyên nhân do đâu:

Động thái ngừng tăng lãi suất của Fed và lo ngại về tăng trưởng kinh tế yếu

Những đồn đoán về khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) vào ngày 21-3 đã trở nên phổ biến hơn. Triển vọng kém lạc quan về nền kinh tế Mỹ 2019, cùng những dự báo về tăng trưởng toàn cầu yếu hơn trong năm nay đã khiến các nhà đầu tư dịch chuyển kênh đầu tư sang trái phiếu do kho bạc phát hành vốn được coi là phi rủi ro.

Bên cạnh đó, những tuyên bố của Fed về việc dừng hẳn gói thắt chặt tiền tệ trong năm 2020, và sẽ giảm lãi suất trong tương lai là những dấu hiệu về một mặt bằng lãi suất thấp hơn trong trung hạn. Hai lý do này đã làm cầu trái phiếu các kỳ trung hạn tăng đáng kể, đẩy lợi suất TPCP kỳ 2, 3 năm xuống khoảng 10 điểm, nằm dưới cả lợi suất TPCP kỳ hạn 6 tháng tại thời điểm đó.

Ngày 21-3, cuộc họp Fed kết thúc còn hơn cả dự đoán của thị trường, Fed dừng tăng lãi suất trong cả năm 2019, kết thúc gói thắt chặt định lượng (QT). Thay vào đó có thể là khả năng cắt giảm lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế sau dữ liệu sản xuất yếu được đưa ra cùng cái nhìn thiếu lạc quan của Fed về tăng trưởng Mỹ 2019.

Những động thái này đã khiến giới đầu tư kỳ vọng vào một cuộc suy thoái trong những năm tới, cùng các gói nới lỏng tiền tệ hứa hẹn về một mặt bằng lãi suất thấp hơn bắt đầu từ năm 2020. Chu kỳ một cuộc suy thoái kéo dài trong 10 năm như đã diễn ra trong lịch sử, kèm với đó là các gói cắt giảm lãi suất liên tục trong 10 năm. Điều này khiến cầu TPCP kỳ trung và dài hạn tăng mạnh, đặc biệt kỳ 10 năm.

Lợi suất TPCP kỳ 10 năm đã giảm 10 điểm về mức 2,43% ngay sau khi cuộc họp Fed diễn ra vào 21-3, và lần đầu tiên kể từ 2007, lợi suất TPCP kỳ 10 năm và 3 tháng bằng nhau vào ngày 25-3 khiến đường cong lợi suất bị đảo ngược.

Chính sách tiền tệ của Fed trong quá khứ

Như vậy, có thể thấy các nhà đầu tư đang chuyển từ việc nắm giữ các TPCP kỳ ngắn sang kỳ dài hơn do dự tính về một mặt bằng lãi suất thấp hơn trong tương lai, và đẩy lợi suất TPCP kỳ trung và dài hạn giảm đáng kể. Tuy nhiên có một yếu tố quan trọng góp phần khiến lợi suất TPCP kỳ ngắn và kỳ dài ngang bằng nhau đó là việc Fed tăng lãi suất trong suốt 2018 đã đẩy lãi suất kỳ ngắn tăng cao.

Trái phiếu chính phủ Mỹ: Nguyên nhân nào khiến đường cong lợi suất đảo ngược - Ảnh 2.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ 3 tháng và 10 năm. Nguồn: Bloomberg


Lợi suất TPCP kỳ ngắn có độ nhạy cảm lớn với lãi suất ngắn hạn trên thị trường tiền tệ. Do đó, việc Fed tăng lãi suất mục tiêu, định hướng tăng lãi suất ngắn hạn đã đẩy lợi suất TPCP kỳ 3, 6 tháng tăng đáng kể trong cả năm 2018.

Có thể thấy trong đồ thị trên, lợi suất TPCP kỳ 3 tháng đã tăng suốt, gần như không có một nhịp hồi nào, trong khi TPCP kỳ 10 năm có độ biến động lớn, và giảm mạnh kể từ tháng 7-2018.

Như vậy, thị trường TPCP Mỹ có một sự phân cách nhất định, khi việc tăng lợi suất trái phiếu kỳ ngắn đã không truyền tải sang kỳ hạn dài; có sự khác biệt trong nhận định của thị trường về các chính sách vĩ mô trong ngắn hạn và dài hạn, hay nói khác đi họ đang lo ngại rủi ro thay đổi trong chính sách vĩ mô của Mỹ mà đặc biệt từ Fed.

Từ những nguyên nhân trên, ta có thể thấy việc đường cong lợi suất TPCP Mỹ bị đảo ngược ngoài do nhà đầu tư lo ngại suy thoái trong tương lai, còn do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của Fed trong quá khứ. Như vậy, vẫn còn quá sớm để đồn đoán về một cuộc khủng hoảng tiếp diễn, khi kinh tế Mỹ vẫn có những dấu hiệu lạc quan với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, GDP 2018 vượt dự báo của thị trường và chỉ tiêu tổng thống đề ra. Cần theo dõi chỉ báo này trong một thời gian dài thay vì trong một thời điểm nhất thời.

Giá vàng tuần tới: Tập trung vào đường cong lợi suấtGiá vàng tuần tới: Tập trung vào đường cong lợi suất Nguy cơ suy thoái bao trùm Châu Âu, lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức rơi xuống dưới 0%Nguy cơ suy thoái bao trùm Châu Âu, lợi suất trái phiếu 10 năm của Đức rơi xuống dưới 0% Savills: Lợi suất văn phòng Hà Nội dẫn đầu thế giới, đạt 8,6%/nămSavills: Lợi suất văn phòng Hà Nội dẫn đầu thế giới, đạt 8,6%/năm

Thành Long