|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Trách nhiệm xã hội của đại gia

00:07 | 25/09/2016
Chia sẻ
Nhưng qua “hành trạng” thực tế, giới đại gia Việt Nam mới chủ yếu bộc lộ bản thân như những người lắm tiền nhiều của, đắc chí, phô trương.

Chuyện của giới nhà giàu Âu - Mỹ

Có một thời, tôi vẫn hình dung về giới tỉ phú ở các nước phát triển như là những người sở hữu một lượng tài sản khổng lồ và thụ hưởng một cuộc sống xa hoa, gần như đối lập với cuộc sống của phần đông nhân loại.

Tài sản của họ có thể được thừa kế từ gia đình nhưng chủ yếu là do nỗ lực làm giàu của từng cá nhân với vô số thủ thuật, kỹ xảo, mánh khóe làm ăn siêu hạng. Tuy nhiên, một ngày gần đây, khi đọc Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam của TS. Nguyễn Xuân Xanh(1), tôi mới vỡ ra rằng, cái nhìn của tôi vừa nông cạn vừa xa rời thực tế.

Trong một cuốn sách nhỏ gọn như một cuốn cẩm nang du lịch, TS. Nguyễn Xuân Xanh đã dành nhiều thời lượng để khái quát về truyền thống nhân đạo hay truyền thống “làm phước” của các xã hội Âu - Mỹ, trong đó, nước Mỹ đã thực sự trở thành thiên đường của các hoạt động hiến tặng, từ thiện, bác ái.

Với giới đại gia Âu - Mỹ, hóa ra tiền bạc, tài sản lắm khi chỉ là phần nổi, phần thượng tầng nhô lên từ một hạ tầng có cấu trúc vững vàng và sống động - được đặc trưng bởi hai phẩm chất nổi bật: trí tuệ và vị tha.

Tôi không muốn nhắc lại một khía cạnh thiên tài mà ai cũng biết của rất nhiều người trong đẳng cấp thượng lưu Âu - Mỹ: đã tìm ra và biết cách hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và các sáng kiến công nghệ độc đáo, đưa đến những thay đổi mang tính bước ngoặt cho cuộc sống của toàn nhân loại hoặc một phần lớn nhân loại.

Tôi muốn nhấn mạnh một khía cạnh khác trong năng lực trí tuệ của họ: tự nhận ra giới hạn của chính mình, khiêm tốn tột bậc và tránh được bệnh sùng bái bản thân. Họ cho rằng, giàu có không hẳn là kết quả của một năng lực xuất chúng, mà được quyết định bởi những may mắn cá nhân.

Khác biệt giữa người giàu và người nghèo thường khi xuất phát từ sự bất bình đẳng về cơ hội và điều kiện phát triển. Người nào may mắn có nhiều điều kiện tốt hơn thì sẽ làm giàu dễ dàng hơn. Vì vậy, các thế hệ tỉ phú của nước Mỹ như Andrew Carnegie, Bill Gates, Warren Buffet luôn mang một cảm giác biết ơn cuộc đời, biết ơn xã hội.

Tchaikovsky nhận xét về Andrew Carnegie - người giàu nhất nước Mỹ vào đầu thế kỷ 20 như sau: “Con người siêu giàu này sống không xa xỉ hơn những người khác..., khiêm nhường và bình dị, không bao giờ tự cao” (trang 8)(2).

Đức tính khiêm nhường, bình dị của Andrew Carnegie được các hậu bối của ông kế thừa một cách sống động. George B. Kaiser, một trong 100 người giàu nhất Hoa Kỳ hiện nay đã bộc bạch những lời gan ruột: “Tôi nghĩ, tôi đến với hoạt động nhân ái chủ yếu bằng cảm giác tội lỗi.

Tôi đã sớm nhận ra rằng vận may lớn của tôi không phải do tính cách cá nhân hay sáng kiến vượt trội mà do sự may mắn thầm lặng. Tôi có ân huệ được sinh ra trong một xã hội tiến bộ với bố mẹ chu đáo. Cho nên tôi có thuận lợi của cả hai về mặt nuôi dạy và di truyền (trang 70).

Một khi nhìn thấu bản chất của giàu sang và sự bình đẳng về giá trị của con người, họ tự nguyện dấn thân vào con đường nhân đạo, trở thành những con người đại bác ái, đại vị tha. Với Andrew Carnegie (1835-1919), điều quan trọng không chỉ là “đạt đến sự phồn vinh bằng cách nào” mà còn là “làm gì với sự phồn vinh đó”.

Và theo ông, cách quản trị sự phồn vinh tốt nhất là “sử dụng những tài sản lớn cho các mục tiêu nhân ái” (trang 11).

Trong cuốn sách nổi tiếng “Phúc âm của sự thịnh vượng”, ông kêu gọi:...“hãy xem tất cả những lợi tức thặng dư đã đến với anh ta đơn giản chỉ là những quỹ ủy quyền mà anh ta đã được chọn để quản trị, và được thừa nhận một cách nghiêm ngặt như bổn phận quản trị với những phương cách, được tính toán tốt nhất theo sự phán đoán của anh ta, để tạo ra những của cải có lợi nhất cho cộng đồng...” (trang 122-123).

Andrew Carnegie đã hiến tặng 90% gia sản của ông cho xã hội - trị giá 350 triệu đô la (tương đương 4,76 tỉ đô la theo thời giá 2014) để phục vụ cho các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và nhân đạo.

Từ nửa sau thế kỷ 20, đặc biệt từ thập niên 1980 trở lại đây, khi nước Mỹ bước vào thời đại của cách mạng công nghệ và truyền thông, quá trình tăng trưởng kinh tế cũng diễn ra tỷ lệ thuận với các hoạt động nhân đạo.

Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam cho biết, vào mùa hè năm 2010, Bill Gates và Warren Buffet đưa ra sáng kiến “Cam kết hiến tặng” (The Giving Pledge) nhằm kêu gọi các cá nhân và gia đình giàu nhất thế giới hiến tặng ít nhất một nửa tài sản của họ cho mục tiêu nhân đạo. Hiện đã có 126 tỉ phú ký tên tham gia, đại đa số là các tỉ phú Hoa Kỳ (trang 53).

Các hoạt động thiện nguyện - do những đại tỉ phú đi đầu, theo dòng thời gian, đã tạo nên một loại hình văn hóa nhân đạo trong xã hội Mỹ.

Như một nguồn dưỡng sinh đặc biệt, văn hóa nhân đạo góp phần khỏa lấp những khiếm khuyết của xã hội Mỹ, vừa góp phần giảm thiểu sự bất bình đẳng xã hội bằng cách cung cấp các cơ hội phát triển cho mọi người dân Mỹ, đặc biệt là các cơ hội giáo dục và y tế, vừa rèn luyện ý thức công dân, tinh thần dấn thân trong mỗi cá thể, làm cho nước Mỹ duy trì lâu dài vị thế cường quốc số một.

Thông điệp gửi đến giới nhà giàu Việt Nam

Rõ ràng, cần phải hội tụ rất nhiều yếu tố mới trở thành một đại gia đúng nghĩa, trong đó, phẩm chất bao trùm là trách nhiệm công dân của người đó đối với xã hội, với dân tộc và đồng loại. Trong các thập niên qua, quá trình đổi mới của Việt Nam đã góp phần tạo ra một lớp nhà giàu mới nổi hay nói theo ngôn ngữ báo chí là một tầng lớp “đại gia” mới.

Nhưng qua “hành trạng” thực tế, giới đại gia Việt Nam mới chủ yếu bộc lộ bản thân như những người lắm tiền nhiều của, đắc chí, phô trương.

Với không ít người trong số họ, vấn đề quan trọng nhất không phải là “làm giàu bằng cách nào” hay “quản trị sự phồn vinh cá nhân như thế nào” mà là sẵn sàng làm giàu bằng mọi cách, kể cả tìm đến các thủ đoạn vượt quá giới hạn cho phép của lương tri loài người và đạo lý dân tộc.

Vì thế, từ chỗ mang một hàm ý kính trọng và ngưỡng mộ của số đông, một biểu tượng của khát vọng “đổi đời”, dần dà, hai tiếng “đại gia” hàm chứa một nỗi hoài nghi, bất bình của xã hội trước thành quả thịnh vượng bất chính của một thiểu số - mà thực chất là các nhóm lợi ích đang tung hoành ngang dọc trên vốn tài nguyên đã trở nên còm cõi của quốc gia.

Điều oái ăm là mặc dù Phật giáo đã vào Việt Nam từ mấy ngàn năm và bất chấp một thực tế là chu kỳ phú quý của giới nhà giàu Việt Nam từ trong lịch sử đến nay thường thấm thoát thoi đưa, trong giới đại gia Việt Nam hiện nay, rất ít người thực sự hiểu và hành theo nguyên lý “nhân quả”, “vô thường”.

Cũng xin nói thêm, ở Việt Nam, tình trạng “không ai giàu ba họ” không phải là sản phẩm của một “lời nguyền” bí hiểm nào đó, mà chỉ là hệ quả tất yếu của một sự thật trần trụi: phần lớn người giàu chỉ lo vun vén tư lợi mà bỏ qua lợi ích cộng đồng, quốc gia; chỉ lo lợi ích trước mắt của gia đình và dòng họ mình mà không nghĩ đến các thế hệ tương lai của dân tộc; chỉ say sưa hưởng lộc mà không nghĩ đến chuyện “làm phước”.

Mặc dầu vậy, tôi vẫn hy vọng rằng, qua cuốn sách mỏng nhưng có ích này, thông điệp của TS. Nguyễn Xuân Xanh sẽ tác động đến giới nhà giàu Việt Nam.

Sẽ thật may mắn cho dân tộc nếu như tới đây xuất hiện thêm những tấm lòng bác ái như doanh nhân Phạm Văn Bên - người đã bỏ tiền ra xây ký túc xá cho sinh viên với mong muốn duy nhất là chuẩn bị cho đất nước “một thế hệ có tâm, có tài”. Bằng cách đó, họ sẽ là những đại gia đúng nghĩa, là chỗ dựa của xã hội, là động lực cho sự chuyển mình của đất nước.

(*) Khoa Việt Nam học và tiếng Việt (VSL), Đại học Quốc gia Hà Nội.

(1) Nguyễn Xuân Xanh (2016), Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, TPHCM.

(2) Các trích đoạn trong bài viết đều tham khảo từ sách Thư gửi quý nhà giàu Việt Nam của TS. Nguyễn Xuân Xanh.

Đặng Hoàng Giang