|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

TPS: Chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn khi mặt bằng lãi suất tiền gửi sụt giảm

07:51 | 11/09/2023
Chia sẻ
Theo đánh giá của TPS, lạm phát giảm, dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến và kỳ vọng từ các đợt hạ lãi suất tiếp theo trong 2023 đã hỗ trợ VN-Index tăng khoảng 40% so với mức đáy vào 11/2022 và đưa mức P/E giao dịch vượt -1 độ lệch chuẩn lên tiệm cận mức trung bình 10 năm gần nhất.

Theo báo cáo chiến lược thị trường mới đây của Chứng khoán Tiên Phong (TPS), tỷ suất E/P của VN-Index trung bình trong tháng 8 rơi vào khoảng 6,8% - 7,1% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức). Khoảng cách giữa E/P và lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm tại nhóm ngân hàng quốc doanh vào cuối tháng 8 (ở mức 5,8%) duy trì chênh lệch quanh ngưỡng 1%.

Mặc dù mức chênh lệch hiện tại vẫn chưa thật sự hấp dẫn như giai đoạn cuối năm ngoái nhưng với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ cải thiện trong nửa cuối năm 2023 khi lợi nhuận quý II/2023 đã chững lại đà giảm và đang có dấu hiệu phục hồi dần.

Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất huy động vẫn giữ đà giảm theo chủ trương của Chính phủ cùng việc dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ lãi suất điều hành về giai đoạn COVID-19 trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tháng 7 âm (so với tháng 6) là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra.

 Nguồn: Bloomberg, Fiinpro, TPS Research.

Cũng theo TPS, lạm phát giảm, dữ liệu kinh tế tốt hơn dự kiến và kỳ vọng từ các đợt hạ lãi suất tiếp theo trong 2023 đã hỗ trợ VN-Index tăng khoảng 40% so với mức đáy vào 11/2022 và đưa mức P/E giao dịch vượt -1 độ lệch chuẩn lên tiệm cận mức trung bình 10 năm gần nhất.

So với các quốc gia trong khu vực thì VN-Index đang có mức P/E fw khá thấp vào khoảng 9,5 lần. Điều này có ý nghĩa tích cực với việc thu hút dòng vốn ngoại. Bởi lẽ, nhà đầu tư ngoại thường lựa chọn ở những thị trường rẻ hơn để đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đặt mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong khoảng 2 - 3 năm tới.

3 kịch bản cho VN-Index trong tháng 9

Dựa vào biến động của VN-Index trong tháng 8/2023, nhóm phân tích của Chứng khoán Tiên Phong đưa ra 3 kịch bản cho tháng 9.

Trong kịch bản trung lập, thị trường sẽ cần thêm thời gian để hấp thụ hoàn toàn lực cung tại vùng đỉnh liền kề quanh mức 1.245 điểm trước khi bứt phá hoàn toàn tại đây do nhịp giảm điểm mạnh ngày 18/8 mang tính chất bất ngờ và nhanh chóng dẫn đến việc lượng cổ phiếu lớn vẫn mắc kẹt tại đây.

Nguyên nhân là do trong giai đoạn nửa đầu tháng 8, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân của VN-Index đạt mức trên 20.700 tỷ đồng, mức cao nhất kể từ đầu năm 2023 bởi lẽ đây là giai đoạn thị trường biến động sôi động nhất.

Bên cạnh đó, áp lực bán ròng từ khối ngoại tại các cổ phiếu trọng số cao sẽ hạn chế đà tăng của thị trường. Thống kê cho thấy, nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 2.800 tỷ trong tháng 8 và hơn 2.000 tỷ trong 3 phiên giao dịch sau lễ.

Ở kịch bản này, mức tâm lý 1.200 điểm được kỳ vọng sẽ là điểm tựa cho thị trường trong trường hợp các nhịp rung lắc diễn ra. Đây là mức điểm có vai trò quan trọng trong suốt lịch sử biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với kịch bản tích cực, VN-Index được kỳ vọng sẽ chinh phục hoàn toàn vùng đỉnh liền kề quanh mức 1.245 điểm để mở ra triển vọng dài hơn cho thị trường. Ở kịch bản này, sóng 3 tăng theo lý thuyết Elliott Wave sẽ được mở rộng đến mức cản tiếp theo quanh 1.300 điểm (vùng giá hội tụ mức đỉnh tháng 6/2022 và tháng 8/2022).

Bên cạnh đó, sự phục hồi nhanh chóng của thị trường trong nửa cuối tháng 8/2023 đến nay (tăng hơn 96 điểm chỉ trong 10 phiên để lấy lại toàn bộ số điểm đã mất sau 2 phiên điều chỉnh ở tháng 8) cùng thanh khoản liên tiếp cải thiện chứng tỏ tâm lý nhà đầu tư đang rất lạc quan về triển vọng của thị trường.

Ở kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ có khả năng lùi về mức hỗ trợ mạnh là 1.150 - 1.170 điểm (nơi chỉ số đã thành công tạo đáy trong tháng qua). Nguyên nhân dẫn đến kịch bản này là việc chỉ số không thành công vượt cản 1,245 điểm vì khi đó thị trường sẽ có khả năng hình thành mẫu hình 2 đỉnh (Double Top) và nếu xuyên thủng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm thì chỉ số sẽ có khả năng giảm sâu hơn nữa.

Theo quan điểm của TPS, những nhóm ngành sẽ thu hút dòng tiền trong tháng 9 bao gồm: (1) đầu tư công với trọng tâm thúc đẩy đầu tư công nhằm hỗ trợ tăng trưởng cho GDP năm 2023, (2) chứng khoán với câu chuyện kỳ vọng về nâng hạng thị trường, hệ thống KRX cũng như hưởng lợi từ đà tăng của thị trường, (3) bất động sản với điểm tựa là lãi suất đang ở mức thấp và việc thoái vốn của các chủ doanh nghiệp nhằm cơ cấu nợ và (4) xuất khẩu với kỳ vọng sẽ phục hồi trong mùa cao điểm cuối năm. 

 Nguồn: FireAnt.

Thu Thảo