|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

TP.HCM trước nguy cơ vỡ kế hoạch sửa chữa chung cư cũ

20:52 | 08/04/2019
Chia sẻ
Một trong 7 chương trình đột phá mà TP.HCM đặt ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2020 là, sẽ hoàn thành 50% việc sửa chữa chung cư cũ từ trước năm 1975. Tuy nhiên, đến nay, Thành phố mới hoàn thành sửa chữa được 132/474 chung cư cũ.
TP.HCM trước nguy cơ vỡ kế hoạch sửa chữa chung cư cũ - Ảnh 1.

Chương trình cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM vẫn còn nhiều vướng mắc.

Nhiều nguyên do

Cuối tháng 3 vừa qua, lãnh đạo quận Bình Thạnh và UBND TP.HCM đã có cuộc gặp mặt cư dân Khu cư xá Thanh Đa để bàn về việc các mức đền bù và giải pháp để di dời người dân ra khỏi chung cư cũ. Khu cư xá này có 22 lô chung cư cũ được xây dựng từ trước năm 1975, nhưng tới nay mới đền bù giải tỏa được 2 chung cư.

Tại cuộc họp, lãnh đạo quận Bình Thạnh đưa ra 2 giải pháp đền bù: một là đền bù bằng tiền để cư dân đi mua nhà nơi khác sinh sống; hai là tái định cư tại chỗ, hỗ trợ người dân tiền thuê nhà ở tại nơi khác trong quá trình xây dựng dự án, khi dự án xây dựng xong, người dân đóng thêm tiền để có nhà mới.

Tuy nhiên, người dân hỏi giá đền bù là bao nhiêu, nếu tái định cư tại chỗ thì mức giá mà người dân sẽ phải đóng thêm là bao nhiêu, liệu có ngân hàng nào hỗ trợ khoản vay để đóng thêm không, thì lãnh đạo quận không trả lời được. Vậy nên, tất cả lại rơi vào bế tắc như nhiều năm trước.

Ngoài ra, theo một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, có hiện tượng chủ đầu tư “xí phần” các chung cư cũ để chào bán lại. Về nguyên tắc, khi doanh nghiệp đã nhận được quyết định cho phép xây dựng, cải tạo chung cư cũ, thì phải thực hiện theo tiến độ mà Thành phố đề ra. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp viện vào đủ lý do như chưa thương lượng giải phóng mặt bằng với người dân, chưa có chỗ tái định cư để di dời cư dân… để án binh bất động.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, chương trình cải tạo chung cư cũ tại Thành phố còn vướng mắc ở việc nhiều dự án nằm trong danh mục các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố, UBND các quận, huyện chưa chủ động xác định mốc giới để trình sở quản lý chuyên ngành cho ý kiến…

Trước nguy cơ vỡ kế hoạch sửa chữa chung cư cũ, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu, lãnh đạo Ban Điều hành các chương trình đột phá của Thành phố (gồm: giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ùn tắc giao thông, chỉnh trang và phát triển đô thị) chủ động triển khai công việc, xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019, các vấn đề cần tập trung thực hiện, các đầu việc, giải pháp, lộ trình cụ thể cho chương trình này…

Doanh nghiệp địa ốc xin tham gia

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Phát Đạt cho biết, trong năm 2019, doanh nghiệp bất động sản khó khăn về việc xin cấp phép dự án mới, cũng như tìm quỹ đất mới tại TP.HCM. Vì vậy, Phát Đạt quyết định chuyển hướng sang chung cư cũ ở TP.HCM. “Chúng tôi đang nghiên cứu nhiều dự án, nhưng vì đây là chiến lược kinh doanh cần sự thận trọng, nên chưa thể công bố ngay”, ông Đạt cho biết.

Được biết, Công ty cổ phần Thương mại địa ốc Việt (Vietcomreal) đang nộp hồ sơ xin TP.HCM tham gia chương trình cải tạo chung cư cũ. Nhiều doanh nghiệp địa ốc khác trên địa bàn Thành phố cũng nhắm vào phân khúc tiềm năng này.

Trước đó, Novaland là doanh nghiệp đã thành công trong việc cải tạo chung cư cũ tại TP.HCM. Đó là dự án chung cư cũ trên đường Cô Giang, quận 1, sau khi triển khai xong việc di dời người dân, tới nay, Novaland bắt đầu triển khai dự án chung cư cao cấp tại đây.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, quỹ đất từ các chung cư cũ đang rất nhiều và nằm ở vị trí đất vàng của Thành phố. Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản thời gian tới trong bối cảnh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm quỹ đất mới.

“Thành phố cần thanh lọc những dự án đã có chủ đầu tư, nhưng nhiều năm không thực hiện được, nếu năng lực của chủ đầu tư hạn chế, không thể thực hiện được dự án thì thu hồi, giao cho các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, Thành phố nên có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thỏa thuận đền bù với người dân và doanh nghiệp, hạn chế tối đa những thủ tục hành chính không cần thiết”, ông Châu kiến nghị.

Nhiều dự án cải tạo chung cư cũ án binh bất động

Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Gia Khang và Công ty TNHH Gia Khang Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Vinaconex đã đăng ký tham gia đầu tư, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận 1. Công ty TNHH Dịch vụ đầu tư NaKyCo đăng ký đầu tư xây dựng mới thay thế chung cư cũ tại 19/9 Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú).

Công ty Đầu tư tài chính nhà nước thành phố (HFIC) đăng ký tham gia đầu tư, cải tạo chung cư cũ trên địa bàn quận 1, cụm chung cư Ngô Gia Tự quận 10 và cụm chung cư cũ trên địa bàn quận 4… Cho đến nay, hầu hết các dự án này vẫn im lìm, người dân phải sống trong cảnh đổ nát, nguy hiểm triền miên.


Gia Huy