TPHCM 'thúc thủ' trước bão số 9 do 'cạn'… tầm nhìn?
Đề xuất xây dựng 7 hồ điều tiết nước ngầm trong chương trình chống ngập tại TPHCM |
Đến trưa 26/11, nhiều tuyến đường ở TPHCM vẫn còn ngập sâu Ảnh: Ngô Bình |
Một số chuyên gia đô thị và thoát nước cho rằng, ngập nặng sau cơn bão số 9 vừa qua, sâu xa là do tình trạng bê tông hóa, san lấp hệ thống kênh rạch, không có dung tích điều tiết nước, hệ thống cống thoát nước nhỏ, không phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu...Khảo sát hàng trăm điểm ngập tại TPHCM mới đây từ cơ quan chức năng cho thấy, ngập do triều cường chỉ chiếm khoảng 14 - 28%, 50 - 68 % điểm ngập do mưa.
Theo trung tâm chống ngập TPHCM, từ 10 năm trước thành phố đã phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 (gọi tắt quy hoạch 752) và quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM (gọi tắt Quy hoạch 1547). Thế nhưng, đến nay khối lượng công việc của hai quy hoạch này đạt rất thấp. Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, hiện hệ thống cống thoát nước trong phạm vi 650 km2 chỉ mới xây mới và cải tạo đạt khoảng 40% trong khi hệ thống thoát nước cũng mới cải tạo, đạt khoảng 1,38%. Ngoài ra, mới chỉ có 64/129 km đê bao ngăn triều được hoàn thành.
Trong một cuộc họp bàn giải pháp chống ngập cho TPHCM mới đây, TS - KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia kiến trúc và quy hoạch của Việt Nam nói thành phố vẫn chưa có quy hoạch, chiến lược chống ngập thật sự, “mới dừng lại ở tầm mức những dự án chống ngập”. “Chúng ta chưa quy hoạch không gian cho nước và những khu vực ngập nhất hiện nay là nơi đã bị bê tông hoá, lấp hồ, kênh rạch với mật độ xây dựng cao lên gấp chục lần nhưng không hề dành không gian cho nước, không gian xanh, mặt nước, hồ điều tiết”, ông nói và dẫn chứng những khu vực “nêm” nhà cao tầng, chung cư hiện nay thiếu không gian cho nước nên bị ngập khá nặng. “Đường Nguyễn Hữu Cảnh ở quận Bình Thạnh là một ví dụ”, ông dẫn chứng thêm.
PGS Lê Văn Trung- ĐH Bách khoa TPHCM nhìn nhận tình trạng lún đất hiện đang diễn ra tại nhiều quận huyện với mức 5 - 10 mm/năm. Ông nói: kết quả giám sát lún mặt đất từ năm 2010 - 2017 cho thấy có những khu vực trước đây không bị ngập triều cường nhưng do mặt đất hạ thấp và mực nước biển dâng cao theo thời gian đã dẫn đến ngập. Đó là chưa kể, quy hoạch chống ngập của TPHCM hiện đã lạc hậu song công tác dự phòng về diễn biến của biến đổi khí hậu lại chưa thực sự được coi trọng, chưa lường trước được thách thức của biến đổi khí hậu. Bằng chứng cho thấy trước đây thành phố quy hoạch hệ thống thoát nước mưa dựa vào yếu tố mưa trong 3 giờ tối đa đạt vũ lượng 95,91mm, tương ứng với đỉnh triều 1,32 m. Nhưng thực tế hiện nay có những cơn mưa trong 1 giờ đạt từ 100 - 122 mm và đỉnh triều đã đạt tới 1,72 m. Trong khi đó, diện tích đô thị hóa hiện nay đã mở rộng ra hơn 800 km2, không còn ở phạm vi 650 km2 như quy hoạch.
Để hạn chế tình trạng ngập nặng như thời gian qua, theo ông Trung, vấn đề cốt lõi hiện nay là cải tạo hệ thống thoát nước và tăng cường dung tích điều tiết. Ở một góc nhìn khác, TS Vũ Hải, người có 50 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thoát nước đô thị cho rằng trong 10 năm trở lại đây, thành phố đã chi hơn 22 nghìn tỷ cho các dự án chống ngập song hiệu quả không như mong muốn. Ông nói, công tác chống ngập không hiệu quả là do nguyên nhân ngập chưa được nghiên cứu thấu đáo, các dự án chống ngập thường có kinh phí quá cao và thời gian thực hiện quá dài. Ngoài yêu cầu rà soát lại các dự án chống ngập, ông Hải đề nghị thành phố thành lập một hội đồng khoa học chất lượng cao để đánh giá lại các dự án chống ngập. Trong chương trình hợp tác với các chuyên gia nước ngoài để hiến kế chống ngập cho TPHCM, ông Jue Hner, chuyên gia người Đức nói, thay vì xây dựng đê điều và hệ thống dẫn nước chống lại tự nhiên, hãy sống chung với lũ. Chuyên gia này đề nghị thành phố cần tạo không gian dành cho nước, chấp nhận quy luật tự nhiên, đồng thời yêu cầu thành phố nâng cấp hệ thống cũ và xây dựng cơ sở hạ tầng cho công tác chống ngập với thời gian nhanh hơn.
Thúc thủ trước mưa to gió lớn của cơn bão số 9, đường biến thành sông, còn chung cư thì ngập nước. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do tầm nhìn và quy hoạch không đồng bộ. Ông Nguyễn Văn Đực- Ủy viên Ban chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: “Phải thừa nhận là do mưa quá lớn. Ngoài ra, quy hoạch những năm qua sai rất nhiều năm. Điển hình ở Khu nam, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu Tây Bắc, khu vực Lãnh Binh Thăng, Bàu Cát…ngày xưa là vùng trũng, mưa lớn nước tràn ra khu này. Ngày nay, các khu vực này cao, bê tông hóa như một bức tường đô thị chắn nước thì khu trung tâm ngập là điều hiển nhiên. Nước chảy về chỗ trũng, giờ chỗ nào cũng cao thì ngập trên một diện rộng”.
Cũng theo ông Đực, chiến lược phát triển đô thị của thành phố chưa phù hợp, quan tâm đến kiến trúc xây dựng mà quên đi việc mỗi công trình là một nơi chứa nước cho chung cư, tòa cao ốc. Chính việc không có khu chứa nước như hồ điều tiết, sân thượng các chung cư không có khu dẫn nước chảy ra hồ điều tiết thì hậu quả trước cơn mưa lớn của cơn bão số 9 là không có gì đáng ngạc nhiên.
Mặc dù không bắt buộc các cao ốc phải có hầm chứa nước mưa, nhưng theo chuyên gia, cơ quan chức năng cần khuyến khích chủ đầu tư xây dựng giảm bớt lại diện tích xây dựng chung cư để kiếm lời. Nhiều chung cư lúc vẽ có sân thượng xử lý nước xuống kênh rạch... nhưng khi được phê duyệt xong lại xóa đi, cất nóc lợp mái lên để bán. Ở thành phố rất hiếm dự án có hồ dự trữ nước.
Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, ngập nước thời gian qua ở TPHCM là do quy hoạch chưa đồng bộ, thời Pháp họ tính mật độ xây dựng theo tỷ lệ phù hợp với dân số, nhưng hiện nay do quá trình đô thị hóa, dân số tăng quá nhanh, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nổi. Quy hoạch nên buộc phải có hồ chứa nước để giảm thiểu thiệt hại về lâu dài cho người dân. “Bản vẽ phát triển đô thị trước kia quy hoạch để lại 2/3 diện tích cho cây xanh và thoát nước, nhưng do dân số đông, chúng ta quy hoạch lại không đồng bộ. Sông ngoài lại nhường chỗ cho nhà cao tầng, chung cư. Chúng ta là nước đang phát triển, chưa kinh nghiệm thì nên thuê tư vấn những nước hàng đầu về môi trường và đô thị”, ông Nhân cho biết thêm.
Xem thêm |